Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình XDNTM, huyện gặp phải không ít khó khăn, nhất là việc đầu tư để xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn NTM. Huyện có 13 xã với 116 thôn, bản xã đặc biệt khó khăn, điểm xuất phát XDNTM thấp, toàn huyện mới có từ 2 - 3 xã đạt 1 - 2 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5 triệu đồng trên người/năm; tỷ lệ đói nghèo chiếm 80,4%; trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều hủ tục, vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, chưa phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong XDNTM...
Đồng chí Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải trao đổi: "Từ những khó khăn đó, huyện đã xác định: nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh - quốc phòng. Vì vậy, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện phải được giải quyết đồng bộ, phải phù hợp với điều kiện của huyện của từng xã, từng khu, từng lĩnh vực để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực".
"Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện không phải chỉ là nhiệm vụ của nông dân, ở khu vực nông thôn mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. XDNTM vừa là yêu cầu vừa là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải, XDNTM là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại ở nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch...”. Ông Khang nói
Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tới cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến người dân để nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò và trách nhiệm trong XDNTM.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân được chú trọng với nhiều phương pháp và cách thức truyền thông. Ở cấp huyện, tổ chức được trên 60 hội nghị về XDNTM, dựng 21 pa nô, áp phích, trên 200 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về XDNTM; tổ chức biên tập và phát sóng nhiều tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp xã tổ chức trên 300 hội nghị về XDNTM. Tổ chức 2.000 cuộc họp thôn, bản để lồng ghép tuyên truyền các chủ chương chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tới nhân dân.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân trong huyện đã hiến 170 ha mặt bằng đất để làm đường giao thông nông thôn, trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa xã, thôn bản…, đóng góp trên 71 tỷ đồng, cùng hàng vạn ngày công lao động để làm đường, kiên cố đường giao thông, làm nhà văn hóa và giúp đỡ nhau làm nhà ở, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo…
Tổng số vốn huy động thực hiện chương trình XDNTM giai đoạn 2011- 2019 của huyện đạt 1.429.876,779 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp cho chương trình (trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư, sự nghiệp) là 223.465,17 triệu đồng; nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.045.993,3 triệu đồng; nguồn vốn tín dụng 2.600 triệu đồng; nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn khác là 77.964,429 triệu đồng; nguồn nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa là 79.853,9 triệu đồng.
Từ các nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư mở mới 390,3 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa nâng cấp 113,8 km đường giao thông nông thôn. Nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công và nguyên vật liệu để kiên cố hóa 42,5 km/102,85 km đường ngõ xóm...
Đầu tư kiên cố 106 công trình thủy lợi; xây dựng 25 trạm hạ thế, kéo trên 50 km đường dây trung thế, gần 100 km đường dây hạ thế; hiện có 6.700 hộ nông thôn được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, tăng 5.700 hộ so năm 2011; xây 18 công trình nước, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87%; xây mới 3 bãi chứa rác thải; nhân dân làm mới 7.200 nhà tiêu hợp vệ sinh nâng tổng số hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm lên 7.869 hộ, đạt 72%.
Trụ sở làm việc của các xã, trạm y tế, trường học các cấp đã được đầu tư xây dựng, cải tạo khang trang hơn. Giai đoạn 2011-2019, huyện đã huy động trên 383,5 tỷ đồng để xây dựng mới 344 phòng học, 17 phòng học bộ môn; 135 phòng công vụ; 435 phòng ở bán trú; 40 phòng hiệu bộ hành chính quản trị, nhà bếp và phòng ăn 44 phòng và các công trình phụ trợ khác và mua sắm trang thiết bị đảm bảo yêu cầu dạy và học.
Đầu tư 11,838 tỷ đồng để xây mới sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế, đến nay, có 7/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đạt tiêu chí số 15. Bằng nguồn vốn Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức và đóng góp của nhân dân đã đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp được 53 công trình nhà văn hóa thôn bản, công trình văn hóa khu du lịch ruộng bậc thang tại xã La Pán Tẩn, khu nhảy dù, bãi đáp dù tại đèo Khau Phạ - xã Cao Phạ...
Song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Diện tích cây trồng năm 2019 đạt 12.414,5 ha, tăng 5.459,1 ha so với năm 2011; diện tích cây lương thực có hạt năm 2019 đạt 11.360 ha, tăng 5.605 ha so với năm 2011.
Thông qua các chương trình, dự án, huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ 28 hộ chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên.
Trong đó, diện tích lúa 2 vụ từ 730 ha năm 2011, tăng lên 1.800 ha năm 2019; diện tích trồng ngô 2 vụ từ 585 ha năm 2011, tăng lên 1.000 ha năm 2019. Tổng sản lượng lương thực năm 2019 ước đạt 42.500 tấn, tăng 20.721,5 tấn so với năm 2011.
Bình quân lương thực đầu người/năm năm 2019 ước đạt 670 kg/người, tăng 245 kg/người/năm so với năm 2011, năng suất cây trồng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong 5 năm gần đây, các xã đã vận động nhân dân chuyển đổi 1.540 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa nương.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện đã chỉ đạo xây dựng được 22 mô hình chăn nuôi (9 mô hình nuôi dê, 3 mô hình chăn nuôi lợn thịt, 1 mô hình nuôi thỏ, 1 mô hình chăn nuôi kết hợp 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt, 1 mô hình chăn nuôi lợn nái có quy mô 15 con trở lên, 5 mô hình nuôi gà quy mô trên 1.000 con, 2 mô hình nuôi cá); hỗ trợ 201 hộ nghèo chăn nuôi lợn thịt 3 con/lứa và 28 hộ chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên. Tổng đàn gia súc chính năm 2019 của toàn huyện đạt trên 69.000 con, tăng 67,7% so với năm 2011. Đàn gia cầm đạt 193.000 con, tăng 95,5% so với năm 2011… Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2018 của huyện thông qua các chương trình, dự án là 152.777,324 triệu đồng.
Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM của huyện Mù Cang Chải đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 của huyện đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng 14,5 triệu đồng so với năm 2011; đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 40,62%. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tính đến thời điểm cuối năm 2019, huyện có 1 xã đạt 11 tiêu chí NTM; 1 xã đạt 10 tiêu chí; 2 xã đạt 9 tiêu chí; 5 xã đạt 8 tiêu chí; 4 xã đạt từ 5-7 tiêu chí.
Đó là sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mù Cang Chải sau 10 thực hiện chương trình XDNTM.
Minh Hằng