Nghĩa Lộ: Nông thôn mới - đời sống mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2020 | 8:06:45 AM

YênBái - Xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Lộ được gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân thực sự là chủ thể...

Lãnh đạo xã Phúc Sơn thăm mô hình sản xuất hàng thủ công tại thôn Khe Lụ II.
Lãnh đạo xã Phúc Sơn thăm mô hình sản xuất hàng thủ công tại thôn Khe Lụ II.

Cùng chúng tôi đi trên con đường bê tông chạy ngang cánh đồng thôn Viềng Công, đồng chí Nguyễn Văn Nhưỡng - Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Có được con đường kiên cố như thế này là do Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM)  đấy các anh ạ! Cả xã Hạnh Sơn giờ đã có 18,3 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đạt 98,38%. 

Cùng với đó, 98% kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa đảm bảo phục vụ sản xuất; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% các thôn bản đều có nhà văn hóa đảm bảo tiêu chuẩn, có sân vận động 5.000 m2 và sân thể thao phục vụ cho các hoạt động cộng đồng; 100% thôn, bản đều có mạng Internet phục vụ nhu cầu khai thác thông tin, viễn thông. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào XDNTM nhân dân đã hiến tặng 700m2 đất để mở rộng diện tích trường học... Từ những kết quả đó, sau 7 năm xây dựng, năm 2018, Hạnh Sơn đã về đích NTM”. 

Nhớ lại khi mới triển khai XDNTM, Hạnh Sơn cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh, của thị xã Nghĩa Lộ gặp không ít khó khăn. Bởi XDNTM là chương trình mới, có nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực của xã hội, do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức xã, cán bộ thôn, bản còn nhiều bỡ ngỡ. Xã có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nên phần nào cũng hạn chế sự phát triển chung của toàn xã. 

Là một xã thuần nông nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, toàn xã có 256,92 ha đất trồng lúa, do vậy, tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện công tác XDNTM tại địa phương. Trong khi việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế chưa nhiều, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về công tác XDNTM có mặt còn hạn chế... Vì vậy, Hạnh Sơn đã chủ động chỉ đạo công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong XDNTM; vai trò của cộng đồng dân cư đóng góp nguồn lực XDNTM và trong công tác quản lý, triển khai các dự án đầu tư ở địa phương. 

Hàng tháng, Đảng ủy, UBND, Ban Quản lý xã đều tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện XDNTM trên địa bàn xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và nhân dân về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với mục tiêu quốc gia XDNTM; phát động toàn dân tham gia dọn vệ sinh làm sạch môi trường; phong trào hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông với khẩu hiệu "Đường ta làm ta đi”; Phong trào "Bóng điện an ninh”.... 

Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình XDNTM đã có chuyển biến tích cực. Đây cũng là cách làm của các xã trên địa bàn để đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Với thị xã Nghĩa Lộ, XDNTM có nhiều khó khăn hơn thuận lợi, nhưng nhờ có nhận thức đúng và quyết tâm của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị mà chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn thông qua XDNTM được Nghĩa Lộ thực hiện mạnh mẽ. 

Từ tập trung chỉ đạo rà soát và đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia NTM; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và lấy ý kiến tham gia, đóng góp rộng rãi, trực tiếp của nhân dân địa phương; sớm hoàn thành Đồ án quy hoạch và Đề án XDNTM của các xã; các cơ chế, chính sách được thực hiện nghiêm túc... đã tạo bước đột phá thu hút được một lượng lớn các nguồn lực tài chính tập trung cho XDNTM. 

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM để mọi người có nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia thực hiện. 

Đồng chí Lường Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: "Chúng tôi tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ XDNTM để người dân trong xã có nhận thức đầy đủ về XDNTM, để từ đó, mỗi hộ gia đình, mỗi người dân bằng những việc cụ thể như: giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, sửa sang nhà cửa, đảm bảo an ninh trật tự... chung sức để Phúc Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM theo kế hoạch thị xã đề ra...”. 

Đến nay, Phúc Sơn đã có 60% mương chính được cứng hóa, 62% đường trục thôn, bản được bê tông hóa phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân, 78,1% số hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố, 78% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trên 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế...

Thị xã ưu tiên tập trung nguồn lực cho xây dựng hạ tầng và xác định đây là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. 

Chủ động, đề xuất lồng ghép các chương trình, dự án triển khai ở các xã; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên tập trung chỉ đạo đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa, chợ nông thôn… 

Bộ mặt nông thôn được đổi mới, cảnh quan không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, bản sắc văn hóa được gìn giữ, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. 

Với xã Thạch Lương, từ khi triển khai thực hiện XDNTM đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thạch Lương đã tập trung chỉ đạo nhân dân lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. 



Hệ thống đường giao thông trục chính của xã Thạch Lương được bê tông hóa phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân.  

Chị Hà Thị Đức - thôn Nặm Tọ cho biết: "Tuy xã đang trong quá trình XDNTM nhưng người dân chúng tôi đã được thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực. Đường sá đi lại tốt hơn, trường học được xây dựng khang trang, điều kiện tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thuận lợi hơn. Như gia đình tôi, vụ này đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp trồng 1.500m2 cây mướp đắng. Do được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật từ doanh nghiệp nên đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, hy vọng gia đình sẽ có thu nhập cao”. 

Đến hết năm 2019, Thạch Lương chỉ còn 14,8% hộ nghèo. Đã có 83% số hộ được sử dụng điện an toàn, 1 trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ I, 100% số thôn có nhà văn hóa... 

Đồng chí Bùi Đình Vượng - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Lương cho biết thêm: "Cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đưa các loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng. Tăng cường chuyển giao áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư thực hiện các mô hình, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo một cách bền vững”.

Quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, cả hệ thống chính trị vào cuộc phát huy vai trò chủ thể của người dân… là những yếu tố quyết định đến kết quả phong trào XDNTM trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thời gian qua. 

Đồng chí Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thị xã xác định XDNTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, XDNTM ở Nghĩa Lộ được gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân thực sự là chủ thể, phát huy vai trò của các thôn, bản trong XDNTM…”. 

Phát huy hiệu quả đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, thực hiện tốt Phong trào thi đua "Nghĩa Lộ chung sức XDNTM, giai đoạn 2016 - 2020” và các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp... đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn Nghĩa Lộ với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, hiện đại, phát huy lợi thế, khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai, đầu tư phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ, thương mại, chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. 

Thành Trung

Tags Nghĩa Lộ nông thôn mới đời sống mới xã Thạch Lương trọng tâm trọng điểm

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục