Mù Cang Chải là địa phương nằm trong 74 huyện nghèo của cả nước, có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về Chương trình xây dựng NTM còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng xã NTM. Chưa kể, 14/19 tiêu chí xây dựng xã NTM đều liên quan trực tiếp đến thôn, bản, nhất là các công trình hạ tầng đầu tư ở bản có kinh phí ít hơn cấp xã, phù hợp khả năng huy động sức dân và dễ bố trí nguồn lực. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, việc xây dựng NTM từ thôn, bản ở Mù Cang Chải đã khẳng định một cách làm đúng đắn, phù hợp khi ngày càng có thêm nhiều vùng quê trù phú, hạnh phúc, hạ tầng khang trang, sạch đẹp.
Bản Lao Chải, xã Lao Chải là một trong số đó. Khi mới bắt đầu xây dựng bản NTM, bản Lao Chải cũng như nhiều bản khác đều có xuất phát điểm thấp. Nhận thức của người dân chưa cao, tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn phổ biến. Cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông và thủy lợi phát triển không đồng bộ, cơ sở vật chất văn hóa phải đầu tư nhiều mới bảo đảm đạt tiêu chí...
Trưởng bản Lao Chải Cứ A Vông cho biết: "Khi xây dựng bản NTM, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền xã Lao Chải, từ họp bàn, phân tích, đánh giá thuận lợi, khó khăn để vạch ra cho bản hướng đi phù hợp đến tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong bản. Với phương châm việc dễ làm trước, việc khó làm sau và quan trọng phải được sự đồng tình, ủng hộ của bà con dân bản, xây dựng NTM đã trở thành mục tiêu, động lực phát triển, được đồng bào đồng thuận và nhiệt tình tham gia, đóng góp nguồn lực để xây dựng NTM. Trong tổng số 7,4 tỷ đồng để xây dựng NTM, đã có 1,6 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, giúp bản hoàn thành 15/15 tiêu chí bản NTM và đã được công nhận vào tháng 11 này”.
Tương tự bản Lao Chải, bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình cũng đã được công nhận bản NTM. Không chỉ diện mạo thay đổi theo hướng khang trang mà đời sống của đồng bào cũng tràn đầy sức sống, văn hóa và văn minh. Người dân trong bản đã cam kết thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, không tảo hôn, không sinh con thứ 3, không mắc các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các tập tục văn hóa không còn phù hợp đồng thời giữ gìn nét văn hóa độc đáo, các nhạc cụ, dân ca truyền thống của đồng bào Mông.
2 lần mỗi tháng, nhân dân đều đặn tổ chức nạo vét cống rãnh, vệ sinh 8,2 km đường trục bản và ngõ xóm, trồng cây xanh. Ngoài ra, mỗi gia đình cũng đã đào một hố rác để chủ động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… Nhờ đó, tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa cuối năm 2024 đạt 86,2%; 73,1% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm "3 sạch”; 89,2% hộ có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chị Hảng Thị Chư - người dân bản Phình Hồ chia sẻ: "NTM đang thay đổi từng ngày cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi có đời sống vật chất, tinh thần nâng cao rõ rệt; có đường bê tông sạch, đẹp để giao thương thuận lợi, lũ trẻ đi học đỡ vất vả; có nhà văn hóa, sân thể thao; môi trường xanh sạch hơn hẳn”.
Diện mạo mới, tư duy mới, sức sống mới ở các bản NTM đã một lần nữa khẳng định cách làm đúng đắn, phù hợp của việc xây dựng NTM từ thôn, bản. Nếu năm 2019 - một năm sau khi thực hiện xây dựng bản NTM, Mù Cang Chải mới chỉ có 2 bản đạt chuẩn NTM thì đến nay đã có 36/93 bản đạt chuẩn.
Riêng trong tháng 11 này, huyện có tới 10 bản được công nhận đạt bản NTM. Ông Hoàng Hân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Năm 2024, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa 15 bản đạt chuẩn bản NTM. Ngay từ đầu năm, Phòng đã tham mưu tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí đã và chưa đạt được của các bản này, từ đó đề ra khối lượng công việc cần thực hiện.
Theo đó, các bản cần thực hiện bê tông hóa 17,7 km đường; vận động nhân dân 6/15 bản đóng góp công lao động, san gạt mặt bằng sân chơi nhà văn hóa bảo đảm đạt tiêu chuẩn, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa; xóa 75 nhà tạm, nhà dột nát; giảm 780 hộ nghèo, cận nghèo; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 92 chuồng trại nuôi nhốt gia súc…”.
Khối lượng công việc lớn, huyện có chủ trương ưu tiên phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án cũng như nguyên vật liệu, kinh phí từ nguồn xã hội hóa cho các bản đăng ký xây dựng bản NTM. Từ đó còn khích lệ, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các bản, tạo nên phong trào chung cho toàn xã.
Rõ ràng, khi từng bản về đích NTM với hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân đổi mới đồng nghĩa tạo thành công chung cho cả xã thực hiện các tiêu chí một cách bền vững. Các bản cũng chủ động hơn, giảm phụ thuộc và trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM cấp xã.
Giờ đây, bản Lao Chải có tỷ lệ bê tông hóa các tuyến đường liên bản và ngõ xóm lên tới 100%; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 90% người dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Bản cũng có nhà văn hóa, sân chơi và khu thể thao; tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 12,9%, tương đương với 19/147 hộ nghèo, cận nghèo; thu nhập bình quân đạt 45,2 triệu đồng/người/năm…
|
Hoài Anh