Giải pháp phát triển giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2012 | 10:16:42 AM

YBĐT - Để phát triển mạng lưới giao thông, công việc trước tiên là công tác quy hoạch. >>>Giao thông nông thôn - yếu tố tiên quyết / Tổng thể bức tranh giao thông nông thôn Yên Bái

Làm đường giao thông nông thôn ở vùng cao Trạm Tấu.
Làm đường giao thông nông thôn ở vùng cao Trạm Tấu.

Điều thuận lợi là UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn miền núi (GTNT-MN) giai đoạn 2010 - 2020. Bên cạnh đó, đối với các xã hiện nay đã được quy hoạch tổng thể và chi tiết, đây sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng, tránh chồng chéo, phải làm đi làm lại. Với tiêu chí cụ thể sẽ thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để mạng lưới giao thông phát triển rất cần sự quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Vì vậy, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển GTNT phải được thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong đó đối với các xã, nhất là các xã được lựa chọn xây dựng NTM phải có các nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển GTNT.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp chính quyền phải xây dựng các cơ chế, chính sách và hình thức huy động linh hoạt  phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển GTNT cần có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên bởi đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền giúp nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác đầu tư phát triển hạ tầng GTNT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng- an ninh chuyển dịch cơ cấu kinh tế xoá đói, giảm nghèo mà tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng.

Theo đó phải đẩy mạnh phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, một mặt tranh thủ nguồn lực trong dân, mặt khác nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc phát triển hạ tầng GTNT ở địa phương.

Ông Trần Thanh Trúc - Chủ tịch UBND Lâm Thượng (Lục Yên), một xã đang triển khai xây dựng NTM cho biết: Những tuyến đường trong xã chỉ rộng 1 - 2m, để mở rộng các tuyến đường thôn, bản thì xã không có kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng. Do vậy, xã tuyên truyền vận động người dân của 19 thôn tự nguyện hiến đất làm đường.

Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới  tại một xã thì tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 100%; tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ đạt 50%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa 100% (trong đó 50% cứng hóa); tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện là 50%.

Trên thực tế, do các xã đều có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, địa hình  phức tạp... nên nhu cầu vốn cho phát triển giao thông rất lớn, do đó cần có nhiều hình thức huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng GTNT-MN. Cụ thể đối với 1 km đường có dự toán từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng, nếu tính tỷ lệ mỗi khẩu có thể phải đóng góp tới vài triệu đồng, đối với mức thu nhập của nông dân hiện nay là rất khó. 

Do vậy, hàng năm các huyện, thị xã, thành phố cân đối bố trí một phần ngân sách làm công tác chuẩn bị đầu tư các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển GTNT và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở để báo cáo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn phát triển GTNT bằng các chương trình phát triển của Trung ương, vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh nên bố trí một phần vốn ngân sách và vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện chương trình kiên cố hoá đường GTNT.

Các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách theo kế hoạch được giao và tổ chức xây dựng các khu dân cư mới, khu đô thị mới tổ chức đấu giá tạo kinh phí đầu tư xây dựng và bảo trì các công trình GTNT trên địa bàn các địa phương.

Cùng với sự đóng góp của người dân theo tỷ lệ, cần huy động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng vào cuộc giúp giảm mức đóng góp của người dân. Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành (Trấn Yên) cho biết: Để giảm bớt mức đóng góp của người dân trong cùng một lúc, xã quy hoạch tuyến xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm; tổ chức họp dân để cùng bàn mức đóng góp phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng của người dân.

Quan trọng nhất là quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch và để người dân tự giám sát toàn bộ công trình. Giống như Việt Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên cũng có cách làm khá hiệu quả, đó là việc đóng góp làm đường giao thông thực hiện hàng năm với sự đóng góp của 100% hộ dân trong xã. Nhờ đó, mỗi năm xã kiên cố hóa từ 1 - 2 km đường giao thông.

Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân, trong đó xây dựng mạng lưới giao thông là một mắt xích trong tổng thể đó bởi giao thông là yếu tố tiên quyết đến việc thành bại của cả chương trình.

Vì vậy, các cấp, các ngành công việc này cần tiếp tục quan tâm vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ những tuyến đường giao thông liên thôn, bản.

Nhóm P.V Kinh tế

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục