Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/4/2012 | 3:07:14 PM

YBĐT - Với đặc thù là tỉnh miền núi, hệ thống chợ có vai trò hết sức quan trọng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái không những tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn người mà còn tạo ra một nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

Tình trạng mất vệ sinh tại các chợ của thành phố Yên Bái.
Tình trạng mất vệ sinh tại các chợ của thành phố Yên Bái.

Ngoài ra, hệ thống chợ còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Đối với vùng cao, chợ còn là yếu tố quan trọng trong giao lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người dân địa phương.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên viên Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: “Hiện nay, Yên Bái có 107/180 xã, phường, thị trấn có chợ và được phân bổ trên 9 huyện, thị xã, thành phố. Với tổng diện tích đất chợ 209.626 m2, chiếm 0,003% diện tích đất tự nhiên của tỉnh và diện tích sử dụng 50.469 m2. Trung bình diện tích đất chợ 1.996 m2/chợ, diện tích sử dụng 480m2/chợ.

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM); Điều 10 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì Yên Bái có 53 chợ đạt về kiên cố, bán kiên cố trở lên có đỉnh chợ và khu vực bán ngoài trời ở các vị trí thuận lợi thuộc trung tâm xã, và đường giao thông”.

Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã có văn bản, chính sách khuyến khích hướng dẫn các địa phương tạo tiền đề cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn trong đó có chợ. Ngoài ra, các chương trình, dự án như Chương trình 135, WB, vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ. Đến nay, vốn Chương trình 135 đầu tư cho phát triển chợ trên địa bàn tỉnh là 10.756 triệu đồng cho 26 chợ, WB là 5.682 triệu đồng đầu tư cho 15 chợ nông thôn.

Về công tác quản lý Nhà nước, công cụ hỗ trợ là công tác quy hoạch, đề xuất phối hợp với ban, ngành chức năng trong kế hoạch đầu tư nâng cấp và xây mới chợ theo từng giai đoạn cụ thể được UBND tỉnh các cấp phê duyệt tại Quyết định 181/QĐ-UBND ngày 08/2/2010 về phê duyệt Dự án Quy hoạch mạng lưới chợ tỉnh Yên Bái đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015 quy hoạch, cải tạo nâng cấp đầu tư xây dựng 47 chợ, giai đoạn 2016 - 2020 quy hoạch, cải tạo nâng cấp đầu tư xây dựng 32 chợ, phấn đấu kế hoạch đến giai đoạn 2016 - 2020 mỗi xã có 1 chợ phục vụ cho nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của bà con nhân dân trên địa bàn.

Về cơ chế chính sách, sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh, tư thương trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư chợ dưới hình thức cổ phần, khoán chợ, đấu thầu hoặc chuyển giao mô hình chợ. Đến nay, đã chuyển giao 7 chợ nông thôn sang mô hình HTX kinh doanh khai thác chợ.

Tuy nhiên, thực tế tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay là dù đã có 53 chợ đạt theo tiêu chí nhưng chủ yếu dựa trên diện tích quy mô của chợ đạt lớn hơn hoặc bằng 1.500m2, diện tích đất xây dựng lớn hơn hoặc bằng 16m2/1 điểm kinh doanh hoặc diện tích sử dụng lớn hơn và bằng 30m2 mà thôi...

Ngoài ra, việc xây dựng chợ theo tiêu chí trong xây dựng NTM còn gặp rất nhiều khó khăn như: trong 53 chợ được đầu tư xây dựng kiên cố, thì chỉ có 20 chợ ở trung tâm thành thị được lắp đặt hệ thống điện, còn lại là các chợ nông thôn, vùng cao, chợ xây dựng bán kiên cố và chợ tạm chưa được đầu tư. Diện tích đất xây dựng dành cho chợ không lớn, quỹ đất dành cho giao thông trong chợ chật hẹp, ảnh hưởng đến giao thông chung của chợ công tác vệ sinh môi trường của hệ thống các chợ vẫn chưa thực sự được coi trọng.

Rất nhiều chợ không đảm bảo vệ sinh ngay trong cả khu vực họp chợ. Thậm chí nhiều chợ đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có khu nhà vệ sinh công cộng, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Với chợ khu vực thành thị, công tác thu gom rác thải chợ do công nhân vệ sinh môi trường thực hiện (thông qua hợp đồng giữa đơn vị quản lý chợ với đơn vị vệ sinh môi trường) thu gom rác hàng ngày và vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bãi rác công cộng, còn các chợ ven đô thị, vùng cao, vùng nông thôn việc thu gom, xử lý chất thải tuỳ tiện. Rác thải phần lớn đổ xuống rãnh, sông suối, ao hồ hoặc đốt, chôn lấp tại chỗ, dần tích tụ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí...

Vấn đề vệ sinh môi trường trong giết mổ gia cầm tại các chợ ở thành phố Yên Bái vẫn chưa được đảm bảo.

Việc xử lý lượng rác thải hàng ngày ở các chợ không tốt, gây mùi xú uế làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và sức khoẻ của những người đi chợ, nước thải trong chợ theo rãnh thoát nước đổ ra hệ thống cống rãnh công cộng hoặc thải trực tiếp vào môi trường không thông qua bất cứ hình thức xử lý nào. Đặc biệt là khu kinh doanh thực phẩm tươi sống, hầu hết không có hệ thống cấp, thoát nước tốt, do đó việc vệ sinh làm không triệt để, phế thải phân huỷ bốc mùi, không khí ô nhiễm nặng, nhất là vào mùa hè.

Cơ sở hạ tầng chợ mới chỉ dừng lại ở các hạng mục chính như nền chợ, đình chợ, số chợ có ki ốt bán hàng mới chỉ có đến 20 chợ, tuy nhiên, do một số chợ này đã được xây dựng từ lâu nên dù có ki ốt nhưng công tác đảm bảo an toàn hàng hóa cũng chưa được các hộ kinh doanh trong chợ yên tâm.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các chợ loại III trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư trang bị về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Số chợ  được đầu tư trang thiết bị PCCC chỉ ở trung tâm thành thị, trang thiết bị PCCC tuy có nhưng chủ yếu mang tính tạm thời, chưa đáp ứng được yêu cầu nếu có sự cố xảy ra. Nguồn nước cung cấp cho chợ và phục vụ chữa cháy chủ yếu là nguồn nước sinh hoạt. Những chợ gần với trung tâm tỉnh chủ yếu dựa vào lực lượng PCCC của Công an tỉnh, còn những chợ ở huyện, xã không có lực lượng PCCC thì các chợ tự cứu chữa, nhưng hiện nay lại chưa có chợ nào tổ chức lực lượng và tập huấn nghiệp vụ về PCCC.

Công tác PCCC các chợ trên địa bàn hiện là một vấn đề rất cấp bách đối với hệ thống chợ trong mùa hanh khô. Số chợ có Ban quản lý chợ, doanh nghiệp điều kiện làm việc và chế độ của cán bộ trong các Ban quản lý chợ còn nhiều khó khăn. Do chợ được đầu tư từ lâu, công trình nhà làm việc cho Ban quản lý chợ cũ kỹ, xuống cấp trang thiết bị phục vụ làm việc chưa được đầu tư. Với cán bộ hưởng lương ngân sách hoặc thực hiện theo chế độ khoán, doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ đời sống cán bộ quản lý chợ mới ở mức tương đối ổn định trung bình ở mức 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Còn lại chợ ở các xã điều kiện làm việc và chế độ của cán bộ quản lý rất khó khăn, trung bình ở mức 2 triệu đồng/tháng...

Để chợ xây xong phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM của từng địa phương  giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, các ngành chức năng cần tập trung xây dựng, quy hoạch chợ nông thôn cho phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương; cấu trúc, quy mô từng loại chợ phải phù hợp với các yêu cầu hiện đại, đảm bảo phát huy hiệu quả, tránh lãng phí; đồng thời dự kiến đến việc nâng cấp, mở rộng để phù hợp với yêu cầu phát triển trong tương lai; phát triển mạng lưới chợ nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập của nông dân, bảo đảm cho các thị trường hàng hoá phát triển ổn định. Công tác quản lý và đầu tư chợ cần được xã hội hóa, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy mở rộng kinh doanh, đưa hoạt động này đi vào nề nếp.

 Ngọc Sơn

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục