Xã Tô Mậu: Những giải pháp xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2012 | 2:52:27 PM

YBĐT - Tô Mậu là một trong 4 xã được chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới của huyện Lục Yên (Yên Bái). Như nhiều xã khác, các tiêu chí mà Tô Mậu đạt được rất thấp, theo rà soát chỉ có 3 tiêu chí đạt, còn lại đều không đạt.

Mặc dù Trường THCS Tô Mậu được xây dựng khang trang nhưng các điểm trường lẻ vẫn rất khó khăn về cơ sở vật chất.
Mặc dù Trường THCS Tô Mậu được xây dựng khang trang nhưng các điểm trường lẻ vẫn rất khó khăn về cơ sở vật chất.

Những tiêu chí mà Tô Mậu đã đạt là y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự, còn lại các tiêu chí về giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, nhà ở, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, giáo dục, văn hoá, môi trường... đều chưa đạt. Cụ thể là lao động phi nông nghiệp mới chiếm 20,4%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 11%. Hình thức sản xuất chủ yếu là nông nghiệp nhỏ lẻ, theo hộ, kinh tế trang trại chưa phát triển; tiểu thủ công nghiệp mang tính cá thể, trên địa bàn chỉ có 1 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã.

Do sản xuất thuần nông nên thu nhập bình quân mới đạt 7,4 triệu đồng/người/năm, trong đó hộ nghèo chiếm 32% (204 hộ), trung bình 64,7% (411 hộ ), khá 3,3% (21 hộ); chỉ có 44 hộ dân có nhà kiên cố (chiếm 2,2%), 580 hộ có nhà bán kiên cố (chiếm 90,8%), 45 hộ dân sống trong nhà tạm (chiếm 7%). Hiện trạng cơ sở hạ tầng của địa phương cũng rất khó khăn.

Mặc dù có đường liên xã Tô Mậu - Động Quan, có đường tỉnh lộ 171 dài 8km chạy qua, đường trục xã 5,5km đi Khe Mạ, có 13,1km đường liên thôn nền đường rộng 3,5 - 5m và 20,7 km đường nội thôn... nhưng phần lớn mặt đường chưa được cứng hoá và đã xuống cấp.

Với 18 công trình thuỷ lợi, 16,8km kênh mương, trong đó chỉ có 6,4km được cứng hoá, chiếm 38%, còn lại đã xuống cấp. Địa bàn rộng nhưng cả xã chỉ có 2 trạm biến áp với hệ thống đường dây 12km cung cấp điện cho 283 hộ, còn lại các hộ dân ở 6 thôn chưa được Nhà nước đầu tư phải kéo điện ở xã ngoài. Hiện xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở nhưng các điểm trường lẻ vẫn rất thiếu thốn cơ sở vật chất và giáo viên.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo Chủ tịch UBND xã Lương Xuân Độ thì do Tô Mậu là nơi sinh sống của 2.783 nhân khẩu Tày, Dao, Kinh, kinh tế phần lớn chỉ dựa vào canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, địa hình chia cắt, đất đai canh tác không thuận lợi. Trong 10 thôn, bản, có 3 thôn là: Nà Hoả, Cửa Ngòi, Làng Chang thuộc diện đặc biệt khó khăn, người dân quen nếp làm ăn cũ, tính trông chờ, ỷ lại vẫn cao. Thêm một yếu tố nữa là sự đầu tư của Nhà nước chưa có nhiều, nhất là về cơ sở hạ tầng.

Để xây dựng thành công chương trình NTM, Đảng bộ, chính quyền xã Tô Mậu tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng... Cụ thể là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với đầu tư thâm canh, cấy hết diện tích lúa nước, tăng vụ 3 trên đất 2 lúa, góp phần năng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp; đẩy mạnh trồng rừng... để tăng thu nhập.

Địa phương chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học - xoá mù chữ, phổ cập trung học cơ sở; đẩy mạnh hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Tô Mậu cần phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp để thay đổi cơ cấu tỷ lệ lao động nông nghiệp.

Bên cạnh khai thác hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, xã sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch và có nhiều giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015, địa phương sẽ cứng hoá 50% tuyến đường giao thông nông thôn, mở mới và cứng hoá 3km đường liên xã, cứng hoá 3km đường trục xã nối trung tâm xã với thôn Thẩm Mường khu vực Khe Mạ; mở rộng, cứng hoá 7km đường trục thôn; mở rộng, cứng hoá 10,35km đường nội thôn, ngõ xóm; xây dựng cầu treo Cửa Ngòi và Khe Chiêu; cứng hoá 2,7km đường nội đồng; đắp đường Tô Mậu nối với xã Động Quan; cứng hoá 5,3km kênh mương nội đồng, xây dựng công trình thuỷ lợi ở 3 thôn.

Để hoàn thành nội dung này, xã đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; thành lập Ban quản lý có sự phân công trách nhiệm cụ thể, trong đó các đoàn thể chính trị phải xây dựng kế hoạch hàng năm và có trách nhiệm vận động hội viên tham gia. Đồng thời thành lập ban phát triển của thôn, thành viên là người có uy tín, trách nhiệm do nhân dân bầu, Chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận.

Ban phát triển có trách nhiệm họp bàn, thống nhất kế hoạch họp dân, lập phương án chỉ đạo với sự đồng thuận cao. Xác định hộ gia đình là chủ thể xây dựng nông thôn mới, vì vậy, việc tuyên truyền, vận động sẽ được đẩy mạnh để mỗi hộ có kế hoạch nâng cấp, cải tạo nhà, bếp, công trình vệ sinh, khuôn viên, cải tạo vườn tạp, ao, chuồng và phát triển sản xuất; gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng gia đình văn hoá và đóng góp công lao động, vật liệu, hiến đất làm đường hay công trình công cộng; chủ động lựa chọn ngành, nghề phù hợp để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập...

Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, chương trình xây dựng NTM ở Tô Mậu sẽ có cơ sở vững chắc để thành công.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục