Kinh nghiệm từ Cống Đá và Thoóc Phưa

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/6/2012 | 3:35:28 PM

YBĐT - Trong xây dựng nông thôn mới, có lẽ khó khăn nhất là việc huy động nguồn lực trong dân để phát triển cơ sở hạ tầng. Từ thực tế huy động sức dân tại thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái và Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên sẽ là kinh nghiệm để nhiều địa phương tham khảo.

Nhiều hộ dân thôn Thoóc Phưa đã tự nguyện di dời công trình kiến trúc, cây cối để nhường đất làm đường.
Nhiều hộ dân thôn Thoóc Phưa đã tự nguyện di dời công trình kiến trúc, cây cối để nhường đất làm đường.

Cống Đá - phát huy vai trò cán bộ, đảng viên

Cách đây chưa lâu, việc đi lại ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) hết sức khó khăn. Ngoài trục chính được trải nhựa, còn lại đều là đường đất, đường mòn, nhất là tuyến đường ra cánh đồng Miếu - nơi sản xuất của nhân dân rất khó đi lại.

Với sự quyết tâm của cả thôn, sự hy sinh của nhiều hộ dân, đặc biệt là những đảng viên nên hiện nay, đường vào Cống Đá đã được thảm bê tông. Con đường bê tông dài gần 1km, rộng trên 3m uốn lượn đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của thôn. Sau khi có chủ trương của trên về phát triển giao thông, qua họp dân, Cống Đá quyết định làm trên 700m đường.

Bước triển khai ban đầu có nhiều ý kiến không đồng thuận, nhất là khoản đóng góp. Tổng giá trị gần 1,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, còn nhân dân tự giải phóng hành lang, làm mặt bằng, đóng góp tiền mặt trên 154 triệu đồng, quy ra mỗi khẩu phải đóng 344.000 đồng. Hầu hết người dân trong thôn sản xuất nông nghiệp và làm thêm nghề phụ như: phụ hồ, nấu rượu, làm đậu… nên đây là mức đóng góp khá cao.

Khó khăn nữa là khâu giải phóng mặt bằng. Do không có đền bù của Nhà nước nên nếu phải đền bù thì mức đóng góp của người dân sẽ tăng lên nhiều. Theo tính toán, tuyến đường dài chưa đầy nghìn mét mà mặt bằng liên quan tới 21 hộ gia đình với diện tích lên đến hàng ngàn mét vuông.

Ban Chi ủy, Ban chỉ đạo thôn Cống Đá đã họp và thống nhất quyết tâm làm bằng được. Qua các buổi họp dân, bà con được bàn bạc, thảo luận. Mọi người đều chung quan điểm là “Ta không đi nơi này thì đi ở nơi khác cũng có người đóng góp” nên đã nhất trí đóng góp theo quy định bất kể gia đình có được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường này hay không. Bước tiếp theo, Ban vận động nhân dân hiến đất giải phóng hành lang gồm Trưởng thôn và trưởng ban, ngành, đoàn thể đến từng gia đình vận động hiến đất.

Qua vận động, thuyết phục, tất cả 21 hộ dân có liên quan đều tham gia hiến đất, trong đó nhiều nhà hiến hàng trăm mét vuông. Gia đình đảng viên Lê Thế Vũ - một trong những hộ hiến đất làm đường nhiều nhất là 300m2.

Trong căn nhà gỗ khá đơn sơ, ông Vũ tâm sự: “Nhà nước  quan tâm đầu tư cho nhân dân làm đường, mình phải hưởng ứng. Hơn nữa, mình lại là đảng viên thì càng phải gương mẫu. Hy sinh vì việc chung, vì mọi người cũng chính là để phục vụ lợi ích của bản thân, của gia đình mình thì đâu có gì phải tiếc”.

Theo Trưởng thôn Cống Đá Nguyễn Văn Bái, diện tích đất mà bác Vũ đã hiến để làm đường trị giá hàng chục triệu đồng, trong khi gia đình cũng không dư giả. Nếu không có những đảng viên gương mẫu như thế, thôn khó có khả năng hoàn thành tuyến đường. Không chỉ góp đất, gia đình bác Vũ còn góp thêm cả tiền vượt mức quy định của thôn. Tất cả cán bộ, đảng viên trong thôn đều làm như vậy nên người dân đã tin tưởng làm theo.

Tuyến đường hoàn thành đã làm thay đổi bộ mặt thôn Cống Đá, hơn thế còn làm thay đổi tư duy của mỗi người dân. Năm nay, Cống Đá đăng ký bê tông hóa vài trăm mét đường còn lại để hoàn chỉnh hệ thống đường của thôn.

Vợ chồng ông bà Lê Thế Vũ và Trưởng thôn Cống Đá Nguyễn Văn Bái đi trên con đường mới.

Thoóc Phưa - người đứng đầu gương mẫu

Dù sống ở thị trấn nhưng 784 khẩu của thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vẫn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước nên việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trước đây chưa được thuận lợi. Chi ủy, Ban chỉ đạo thôn, đứng đầu là ông Vi Quốc Đạt - Bí thư Chi bộ thôn đã quyết tâm vận động bằng được nhân dân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Đạt xác định, đây chính là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Luôn trăn trở tìm cách giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người Bí thư Chi bộ này suy nghĩ, muốn làm được điều đó trước hết phải có niềm tin nơi dân, khi dân đã tin thì nhất định sẽ làm theo và bản thân mình phải gương mẫu đi đầu. Gia đình ông Đạt đã gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế và có đời sống khá giả.

Ngay khi nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn, việc đầu tiên ông Đạt làm là vận động nhân dân đóng góp làm sân, tường rào của nhà văn hóa thôn. Mỗi hộ chỉ đóng 50.000 đồng, số tiền còn thiếu ông đi vận động các đơn vị, cơ quan và nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ. Có sân, có tường rào, nhà văn hóa trở nên khang trang hơn, sạch sẽ hơn, mọi người đều phấn khởi.

Thôn Thoóc Phưa có cánh đồng rộng, tập trung với diện tích trên 15ha nhưng vì không có đường ra đồng nên đi lại rất khó khăn. Ông Đạt đã vận động nhân dân hiến đất mở đường nội đồng dài 350m, mặt đường rộng 2,5m. Gia đình ông đã gương mẫu hiến 320m2 đất vườn đang trồng cây ăn quả để làm đường đồng thời lấy đất từ chính đồi nhà ông để đắp đường. Con đường này còn chạy qua nhiều thửa ruộng của 7 gia đình khác với diện tích gần 500m2.

Ban đầu, các gia đình này nhất quyết không nhường đất mà đòi đền bù. Ông Đạt cùng với trưởng thôn đã đến từng hộ gia đình trò chuyện, giải thích và kiên trì vận động, thuyết phục. Khi đã hiểu rằng làm đường là để phục vụ cho chính lợi ích của người dân của thôn, mọi người đi làm đồng sẽ đỡ vất vả hơn, về lâu dài thì con cháu mình được hưởng lợi… nên tất cả các hộ đã đồng ý.

Chỉ sau thời gian ngắn, con đường nội đồng nhanh chóng hoàn thành, phục vụ tốt hoạt động sản xuất của người dân. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2011, ông Đạt tiếp tục vận động nhân dân trong thôn hiến 420m2 đất, tháo dỡ nhiều công trình dân sinh và đóng góp gần 300 ngày công lao động để làm 770m mặt đường và trải bê tông trong năm nay.

Sự gương mẫu của ông Vi Quốc Đạt - Bí thư Chi bộ thôn đã có sức lan tỏa đến cán bộ, đảng viên cũng như mọi người dân để Thoóc Phưa chung tay đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bài học kinh nghiệm

Từ thực tế ở thôn Thoóc Phưa và Cống Đá cho thấy, mọi việc đều bắt đầu từ dân. Nếu tất cả mọi việc làm đều vì quyền lợi của người dân, người dân được biết, được bàn bạc một cách công khai, dân chủ thì sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nếu cán bộ, đảng viên ở cơ sở đều gương mẫu, hy sinh quyền lợi cá nhân, vì quyền lợi tập thể, có phương pháp thuyết phục và vận động, chỉ đạo đúng để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình là những người làm nên đồng thời được hưởng thụ trực tiếp những thành quả đó thì việc huy động sức dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ thành công.

Bí thư Chi bộ thôn Thoóc Phưa - ông Vi Quốc Đạt

“Muốn thành công, trước tiên phải lựa chọn những việc mà dân đang cần, liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân. Bên cạnh đó, phải có cách dân vận để dân tin. Hơn thế, người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, biết hy sinh vì tập thể thì nhân dân sẽ làm theo”.

Trưởng thôn Cống Đá - ông Nguyễn Văn Bái

“Yếu tố quyết định thành công đối với tất cả mọi việc là người dân phải được biết, được thảo luận, được tham góp ý kiến, được cùng nhau quyết định để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận. Trong đó, có yếu tố quan trọng là sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục