Yên Bình tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/11/2012 | 9:19:04 AM

YBĐT - Cùng với các địa phương khác, huyện Yên Bình đang đẩy nhanh tiến độ đào tạo nghề theo nhu cầu cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nghề đan rọ tôm ở Yên Bình mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nghề đan rọ tôm ở Yên Bình mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Lớp mô hình thí điểm kỹ thuật trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Yên Bái mở tại xã Thịnh Hưng có 30 học viên đến từ các thôn, bản trong xã, thời gian học nghề là một tháng rưỡi.

Tại khóa học này, các học viên sẽ được các giảng viên đến từ Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh giới thiệu các kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu như nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò và mộc nhĩ nhằm chuyển nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và dần hình thành làng nghề nấm tại xã.

Anh Nguyễn Văn Tiến học viên lớp học cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi  thấy  nấm đã được trồng ở nhiều xã phường, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Bên cạnh đó, nghề này không đòi hỏi đầu tư lớn mà lại tận dụng được các phế  phẩm sẵn có trong nông nghiệp như rơm rạ nên rất thuận lợi cho người nông dân. Chính vì vậy, tôi đã đăng ký tham gia lớp học với mong muốn sẽ phát triển được nghề trồng nấm tại địa phương”.

Còn anh Nguyễn Văn An chia sẻ: “Tôi mong muốn học được các kỹ thuật trồng nấm để có thể phối hợp với các hộ gia đình khác thành lập các nhóm hộ sản xuất nấm. Tôi thấy thị trường nấm, nhất là nấm Linh Chi tiêu thụ tốt với giá cao, sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân”.

Việc mở lớp mô hình thí điểm trồng nấm đã nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của rất nhiều hộ nông dân trong xã bởi lớp học này được mở dựa trên chính nhu cầu của người nông dân. Theo ông Phạm Ngọc Vương - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cho biết: “Không chỉ các học viên nằm trong diện được hỗ trợ kinh phí theo Đề án 1956 tích cực tham gia lớp học mà nhiều hộ nông dân không thuộc diện được hỗ trợ cũng tích cực tham gia với mong muốn học được nghề và chuyển đổi nghề phù hợp với sức khoẻ, điều kiện gia đình”.

Theo đó, xã cũng khuyến khích tất cả các hộ nông dân nếu có nhu cầu học nghề trồng nấm đều có thể tham gia lớp học, hướng tới mục tiêu hình thành làng nghề sản xuất nấm ngay tại xã. Đây cũng là lớp nghề thứ 3 trong năm nay mà Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Bình mở trên địa bàn xã với các nghề may mặc, xây dựng và trồng nấm.

Được biết, từ đầu năm đến nay, huyện Yên Bình đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và huyện đào tạo 10 nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các xã, thị trấn gắn với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Ông Phùng Đình Lai - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, đặc điểm riêng của từng vùng kinh tế và nhu cầu của chính người nông dân, huyện sẽ chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tập trung đào tạo 4 nghề cơ bản là: xây dựng, may mặc, chăn nuôi thủy sản nước ngọt (chú trọng phát triển nghề chăn nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà) và chăn nuôi thú y…
Sau các khóa học nghề,  người lao động được cấp chứng chỉ nghề, trên 70% lao động nông thôn sau khi học nghề xong đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc tự tạo việc làm bằng việc phát triển kinh tế tại gia đình. Tuy nhiên, việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Thành Đạt - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy nghề, đặc biệt là hoạt động thực hành cho học viên còn nhiều hạn chế. Trình độ dân trí không đồng đều giữa các dân tộc, tập quán canh tác, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện.

"Nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên chưa ý thức được lợi ích từ việc học nghề, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều học viên sau học nghề được giới thiệu việc làm ở tỉnh khác nhưng không muốn đi làm ăn xa, đã gây ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện" - ông Đạt cho biết.

Để giải quyết những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Yên Bình đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho từng đối tượng lao động theo từng ngành nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tìm đầu ra cho sản phẩm của người lao động sống bằng nghề sau đào tạo. Đây cũng là động lực thu hút lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện.

Từ nay đến hết năm 2012, huyện sẽ tổ chức từ 8 - 10 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. Đây sẽ là nguồn lực tiếp sức cho huyện Yên Bình thực hiện được mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn.

Hà Anh

Các tin khác
Nông dân xã Thanh Lương (Văn Chấn) chăm sóc ngô đông trên đất hai vụ lúa.

YBĐT - Với mục tiêu nỗ lực thi đua học tập, lao động sáng tạo và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ; giúp phụ nữ nghèo vốn vay có địa chỉ; vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương”; xây dựng gia đình hạnh phúc... là những chương trình hành động thiết thực của Hội Phụ nữ xã Phúc Sơn (Văn Chấn) giúp hội viên phụ nữ giảm nghèo bền vững.

Người dân Trạm Tấu giúp nhau dựng nhà mới.

YBĐT - Là xã được huyện Trạm Tấu (Yên Bái) chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng sau gần hai năm thực hiện, xã Hát Lừu mới hoàn thành 5/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Tỉnh Yên Bái cần tập trung làm tốt từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới để các xã trong tỉnh đến học tập.

Ngày 2 và 3/10, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do đồng chí Nguyễn Đăng Khoa - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Yên Bái.

Đường làng, ngõ xóm tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất được kiên cố hóa.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) trung ương, sau hai năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, ngoài thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh, ở khu vực phía Bắc đã có 24/31 tỉnh, thành phố lập văn phòng điều phối; hai tỉnh, thành phố lập Ban Quản lý xây dựng NTM cấp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục