Kéo co thành di sản thế giới
- Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2015 | 8:13:55 AM
Trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh sách văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện nhân loại, tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, phiên họp chiều tối 2/12 (giờ Việt Nam) tại Namibia.
Người dân phấn khích với nghi lễ kéo co ngồi ở Long Biên, Hà Nội.
|
Giá trị đa quốc gia
Hồ sơ Trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống này không riêng Việt Nam, mà mang tính liên quốc gia, phối hợp với Campuchia, Philippines, Hàn Quốc. Nhiều người đặt vấn đề, nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác còn trong tình trạng nguy cấp cần bảo vệ hơn kéo co. Tuy nhiên, các chuyên gia văn hóa cho rằng không phải chuyện ưu tiên di sản nào hơn, đó là cơ hội: Các quốc gia liên kết xây dựng hồ sơ.
Nghi lễ này ở mỗi nước biểu hiện khác nhau. Ở Hàn Quốc được tổ chức hoành tráng, công phu hơn. Campuchia tổ chức nghi lễ vào đầu năm mới của người Khmer, hoặc nghi lễ liên quan nông nghiệp. Philippines lại tổ chức trong nghi lễ kết thúc mùa vụ để tạ ơn thần linh. Riêng Việt Nam có bốn địa phương tham gia xây dựng hồ sơ: quận Long Biên, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) và huyện Bắc Hà (Lào Cai).
“Văn hóa phi vật thể như thế này không nên nhân rộng. Chúng ta nên giữ hoạt động văn hóa linh thiêng ở trong cộng đồng, môi trường văn hóa của họ. Nếu biến thành lễ hội lớn, hô hào mọi người đến nghi lễ sẽ biến chất và mất tính thiêng. Giữ ở mức độ phường xã như hiện nay, di sản có cơ hội giữ được nguyên bản”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất |
Kéo co ở mỗi vùng có đặc trưng riêng. Nghi lễ ở Lào Cai mang đậm văn hóa của người Tày và người Giáy. Kéo co ở Vĩnh Phúc và Hà Nội của người Kinh nhưng cũng có nét riêng: Vĩnh Phúc người kéo co ngồi trên hố đào sẵn, dùng dây song luồn qua cột chôn sẵn. Người dân Long Biên dùng dây song, nhưng ngồi bệt xuống đất. Người dân ở Sóc Sơn lại dùng cây tre thay sợi dây.
Thách thức bảo tồn
Nghi lễ kéo co ở nhiều nơi vẫn tuân thủ luật nhất định, kể cả những nghi thức tôn vinh, tế lễ trước khi kéo co. Các chuyên gia đánh giá, dù đô thị hóa nhưng người dân vẫn giữ được nền tảng và tâm linh của nghi thức này. Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất là cơn lốc đô thị hóa khiến không gian diễn ra nghi lễ bị biến đổi, hoặc có lúc biến mất.
Được coi là biểu tượng gắn kết cộng đồng, tuy nhiên kéo co đang có xu hướng thể thao hóa, phổ cập như trò chơi dân gian. “Chính vì vậy phải khéo léo tổ chức để kéo co hoàn toàn là mang tính chất nghi lễ, tâm linh, lễ hội chứ không chỉ đơn thuần là trò chơi, thể thao để thắng hay thua”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa, từng tham gia kiểm kê di sản văn hóa của Hà Nội khuyến cáo, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản không nên biến nó thành nghi lễ có khai mạc, bế mạc, mời quan khách. “Hãy để cộng đồng làm chủ, thực hành di sản một cách tự nhiên như nó vốn có”, TS. Lý nói.
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Đến nay toàn xã có 15 hộ gia đình làm du lịch công đồng, trong đó ở bản Xà Rèn có 9 hộ, Bản Chao có 6 hộ.
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI năm 2015 với chủ đề “Đà Lạt - Muôn màu sắc hoa” sẽ được tổ chức trong 5 ngày (từ ngày 29/12/2015 đến ngày 2/1/2016).
YBĐT - Sự liên kết hợp tác vùng không chỉ giúp các địa phương kết nối xây dựng thành một tour tuyến, điểm đến du lịch mà còn giúp các địa phương trong nhóm liên kết tiết kiệm được chi phí quảng bá xúc tiến.
“Lễ hội Văn hóa và ẩm thực Việt Nam - Hàn Quốc 2015” sẽ diễn ra vào ngày 28-29/11/2015 tại Quảng trường Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).