Nô nức trảy hội đầu xuân

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2017 | 8:29:59 AM

YBĐT - Là mảnh đất có truyền thống lịch sử, Yên Bái có nhiều điểm du lịch tâm linh, nhiều danh thắng cảnh đẹp, vì vậy ngay từ đêm 30 tết, nhiều người dân Yên Bái đã lựa chọn những điểm tâm linh như chùa Ngọc Am, đền Tuần Quán, đền Rối - chùa Minh Pháp, đền Đông Cuông... là nơi gửi gắm những niềm hy vọng vào một năm mới.

Không chỉ đơn giản là ước nguyện mà còn là để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại mọi lo toan vất vả của cuộc sống mưu sinh, do đó, để phục vụ nhu cầu tâm linh, vãn cảnh của các phật tử và du khách, trước tết Ất Dậu, tất các các đền, chùa trên địa bàn tỉnh đều đã được trang hoàng để đón du khách. Trong số đó, một điểm đến không thể bỏ qua là chùa Ngọc Am, một ngôi chùa nằm ở đường Thanh Niên, phường Hồng Hà thành phố Yên Bái.

Được thành lập cách đây khoảng trên trăm năm, vào cuối triều Nguyễn (thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) một số nhà buôn và chủ thuyền vận tải đường sông người Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Trúc Phê (Hưng Hóa) và Bạch Hạc chở hàng lên bán ở Tuần Quán, Lào Cai hoặc vận chuyển thuê khí giới, quân nhu cho quân đội Pháp thường hay cắm sào đỗ nghỉ ở bến Tuần Quán và suốt dọc sông lên tới địa đầu thành phố Yên Bái. Có người đi tiếp, có người quay xuôi theo hàng lâm sản.

Ngoài họ ra còn khá đông thuyền của thương nhân Hoa Kiều cư trú tại Hà Nội hoặc phu thuyền quê quán ở Mông Tự - Mạn Hảo - Hà Khẩu (Trung Quốc) sang Việt Nam làm chân sào. Họ cũng dừng chân tại bến bãi trên. Để cầu bình an trong quá trình giang đài, họ góp tiền dựng "am" bằng tranh tre, nứa lá.

"Am" đồng nghĩa với chùa nhỏ đơn sơ. Khi tỉnh Yên Bái thành lập (4/1900), được sự nhiệt tâm của các vị Bố chánh Bùi Bành Trần Gia Du, am được mở rộng, khang trang và có sư trụ trì. Chùa làm lễ thụ danh lấy tên là Tùng Lâm Tự để ghi sự việc khởi đầu rước chân nhang từ chùa Cây Thông ở huyện Trấn Yên phía dưới am 14 km lên am Yên Bái.

Với sự đóng góp của phật tử và du khách thập phương, sau nhiều lần tôn tạo, chùa Ngọc Am đã được xây dựng khang trang với nhà thờ Phật, thờ Tam phủ và bảo tháp… Với kiến trúc đẹp mắt, chùa Ngọc Am được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tôn giáo.

Hòa trong dòng người đông đúc đi lễ chùa sáng mùng 1 tết, chị Minh Lý một người dân thành phố Yên Bái tâm sự: “Đi lễ đầu năm không chỉ để cầu cho bản thân, gia đình mình sức khỏe, sự bình an, cầu cho đất nước được an bình mà đi lễ còn thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, gia đình tôi thường đến đây để cùng mọi người đón chào xuân mới, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất”.

Cùng chùa Ngọc Am, điểm du lịch tâm linh ở thành phố Yên Bái không thể không nói đến đền Tuần Quán. Ngôi đền tọa lạc tại bờ phải cửa ngòi Tuần Quán chảy ra tả ngạn sông Hồng thuộc tổ Bách Lẫm, phường Yên Ninh thành phố Yên Bái. Theo sách Hưng Hoá Phong Thổ Lục triều Lê và Đại Nam Nhất thống chí triều Nguyễn thì đền Tuần Quán có tên gọi "Đền thần Diệp Phu Nhân Bách Lẫm". Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đền chính thức có tên là đền Tuần Quán.

Vào mùa xuân, đền Tuần Quán tổ chức lễ Thượng Nguyên 15/1 (âm lịch). Ngày 3/3 (Âm lịch) - chính tiệc, còn gọi là Hội mẹ. Vào mùa hạ, ngày 15/5 (Âm lịch), đền tổ chức lễ giỗ quan lớn Tuần Chanh (tiệc vừa). Mùa thu, có tiệc Đức Thánh Trần, còn gọi tiệc Cha ngày 20/8 (Âm lịch) và mùa đông có lễ tất niên 25/12 (Âm lịch).

Hiện nay, lễ tiết vẫn như trước nhưng lễ hội có điều kiện triển khai phong phú. Cùng đền Tuần Quán, những ngày này người dân thành phố Yên Bái còn đến đền Rối - chùa Minh Pháp, thuộc xã Tân Thịnh để cầu phúc, cầu tài đầu xuân.

Cùng hệ thống đền, chùa ở thành phố, một trong những điểm tâm linh thu hút rất đông du khách là đền Đông Cuông - một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng. Tồn tại từ lâu đời, đền tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Nằm ở vị trí phong thủy đắc địa, tiền diện là sông Hồng và nản đá Ghềnh Ngai, sau lưng là đồng ruộng xen đồi bát úp.

Ngoài tuần rằm, mùng một, tứ thời bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ chính: ngày Mão tháng Giêng mổ trâu trắng, ngày Mão tháng Chín mổ trâu đen. Cùng đền Âu Cơ (Phú Thọ), Bảo Hà (Lào Cai) đền Đông Cuông là nơi linh thiêng thường xuyên thu hút khách thập phương khắp mọi miền nhất là mỗi độ tết đến, xuân về.

Bên cạnh hệ thống đền, chùa dọc bờ sông Hồng, về phía Đông Nam theo sông Chảy, phải nhắc đến đền Thác Bà, còn gọi là đền Mẫu Thác Bà, thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình - di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Khi chưa có Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, đền Thác Bà định vị tại điểm cân bằng phía Đông xã Minh Phú, huyện Yên Bình, cách thị trấn huyện lỵ cũ 15 km và cách thành phố Yên Bái 35 km về phía Đông Nam.

 Hiện nay, nhìn về xuôi, đền Thác Bà tọa lạc bên hữu ngạn sông Chảy. Thế đứng của đền vừa hứng thụ khí địa linh ứng của trời đất, vừa tiếp đón khách thập phương chiêm bái thuận tiện. Đầu năm, ngày 8 và 9 tháng Giêng (âm lịch), đền Thác Bà tổ chức tiệc mẫu; cuối năm, lễ thường vào ngày 10/10 (âm lịch).

Ngược dòng sông Chảy, cách thành phố Yên Bái 73 km theo đường bộ Yên Bái - Lục Yên, cách thị trấn huyện lỵ Lục Yên 11 km theo đường Lục Yên - Yên Bái, du khách lại có thể đến với đền Đại Cại, một trong chuỗi hạt di sản văn hoá Hắc Y - Đại Cại quý giá.

Đền Đại Cại thờ Phật và chư thánh như nhiều đền khác. Riêng tiệc Chúa bà Vũ Thị Ổn và hai bà hầu ấn định vào ngày 25/2 (âm lịch) hàng năm. Cùng chiêm bái đền Đại Cại, khách hành hương sẽ được ngắm cảnh sơn lâm hùng vĩ, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán bản địa.

Sau khi thỏa mãn nhu cầu tâm linh, để du xuân vãn cảnh đầu năm, du khách có thể đến với ruộng bậc thang Mù Cang Chải, thăm cánh đồng Mường Lò, chè xanh Suối Giàng, hay khu du lịch hồ Thác Bà… để được đắm mình với thiên nhiên Tây Bắc, với núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, để hòa mình với những nét văn hóa của người Tày, người Mông, người Thái… đầy bản sắc.

Mùa xuân mới đã về, nhu cầu tâm linh và vãn cảnh của tín đồ và du khách là hết sức chính đáng. Tuy nhiên để việc đi lễ và du xuân thực sự mang ý nghĩa, tạo động lực về tinh thần để mọi người hoàn thành những mục tiêu trong năm mới, ngoài việc các đền, chùa, chính quyền cơ quan chức tổ chức tốt các hoạt động tín ngưỡng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, không để các hoạt động mê tín, dị đoan, các tệ nạn cờ bạc biến tướng, không để phát sinh những khoản thu phí dịch vụ không hợp lý, trái quy định trong lễ hội... thì đối với mỗi du khách, cùng đảm bảo vấn đề an toàn khi tham gia lễ hội, chiêm bái như: đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, có những ứng xử văn hóa khi lễ chùa rất cần được lưu tâm.

Xin nhắc lời một cao tăng đã dạy: “Đi lễ chỉ để xin lộc, xin tài là tâm chưa được giác ngộ”. Ngã là thói hư tật xấu, là cái tham, sân, si chứa chất trong con người, chúng ta đang gánh đến chùa, đến chốn tâm linh mà ít ai nhận ra. Khi con người không đạt đến sự giác ngộ đạo lý thì cửa Phật có thanh cao bao nhiêu, năng lượng của các vị thần vị thánh, các liệt tổ liệt tông có mạnh đến nhường nào thì cái lễ đó sẽ không diệu ứng, hoàn toàn vô nghĩa.

Đi lễ mà không hiểu được đạo lý này thì người ta gọi là "mê”, có đức tin nhưng là mê tín. Do đó, mỗi người khi đến lễ Phật hãy thực sự thành tâm và cùng chiêm nghiệm để hoàn thiện mình.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục