Đầu năm về Lục Yên du xuân, trảy hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/2/2017 | 8:09:37 AM

YBĐT - Mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cũng là mùa của các lễ hội. Vào khoảng từ mùng 5 đến 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, giữa tiết trời ấm áp, nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên lại rộn rã, nô nức đến với các hội đền, chùa, đình để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa… mong ước cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Rước lễ trong lễ hội đền Đại Cại.(Ảnh: Đức Toàn)
Rước lễ trong lễ hội đền Đại Cại.(Ảnh: Đức Toàn)

Một trong những hoạt động mở đầu cho mùa lễ hội ở Lục Yên là lễ hội đền Suối Tiên xã Tô Mậu vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Theo sử sách, đền Suối Tiên xây dựng khoảng năm 1928 - 1929. Di tích đền Suối Tiên, với khuôn viên gần 6.000 m2, nằm trong không gian đậm đặc văn hóa dân gian các dân tộc Lục Yên, gắn với những truyền tích huyền thoại xa xưa và hệ thống di tích lịch sử văn hóa quốc gia là đền Đại Cại - Hắc Y và khu khảo cổ tháp chùa Thượng Miện thời Lý - Trần; là vùng đất “Non xanh kỳ thú - hấp dẫn tâm linh - Đất ngọc danh truyền”.

Bao quanh Suối Tiên có núi Thắm, núi Hắc Y, núi Bạch Mã với nhiều hang động và rừng với hệ động vật, thực vật, vi sinh vật đa dạng, phong phú; những núi đá độc lập, sừng sững kỳ vĩ; phía trước đền là giếng nước quanh năm trong mát, có loài cá bỗng bản địa (dân gọi là cá thần), tạo cho đền cảnh tĩnh lặng, huyền bí.

Đặc biệt, trong những năm 1965 - 1966, các hang động ở khu đền Suối Tiên là nơi cất giấu vũ khí, lương thực phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Với những giá trị lịch sử quan trọng, ngày 04/7/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 792/QĐ-UBND về việc công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Suối Tiên, xã Tô Mậu. Qua đây, góp phần tạo điều kiện cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Sau lễ hội đền Suối Tiên, đã thành thông lệ, ngày 15 tháng Giêng, du khách lại được hòa mình vào lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh. Đền Đại Cại là một địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa - Chùa tháp Hắc Y - Đại Cại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2001.

Đền Đại Cại nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Đại Cại. Các vị thần được thờ ở đây đều là những người có công khai sơn lập thạch, mở mang chợ búa, lập ra làng bản, phố xá. Đền Đại Cại có từ thời hậu Lê, do nhân dân xây dựng để thờ bà Vũ Ngọc Anh, là con nhà dòng dõi, tướng lĩnh, tinh thông văn võ, lại am hiểu nghề nông. Bà được Vua phong chức Phó tướng phụ trách quân lương.

Hàng chục năm với cương vị của mình bà đã giữ trọn việc quân lương ở vùng rừng núi hiểm trở và đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho nhân dân và quân binh trong vùng khai khẩn đất đai trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, hàng chục cánh đồng ở châu Thu Vật, châu Lục Yên xưa đều có công của bà. Ngay từ rất sớm, hàng nghìn người dân và khách thập phương từ khắp nơi đã đổ về Đền để dâng hương cầu bà Chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh, để bà phù hộ cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Cùng với phần lễ, tưởng nhớ công đức những bậc tiền nhân, phần hội được nhân dân địa phương tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc của nhân dân các dân tộc Lục Yên như: đánh quay, đấu vật, đẩy gậy, bóng chuyền, cờ tướng… đặc biệt màn kéo co được đông đảo quần chúng tham gia với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Lễ hội đền Đại Cại đã thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, để tưởng nhớ đến công ơn những danh nhân một thời đã có công khai sơn, phá thạch, chiêu dân, lập làng mở chợ, xây dựng thành luỹ, giữ yên bờ cõi. Cùng với những lễ hội chính, các địa phương trong huyện cũng đã tổ chức các lễ hội cầu đình trong dịp đầu năm với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống nhân dân ngày càng được ấm no.

Lễ hội truyền thống là một trong những loại hình di sản độc đáo và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Các lễ hội lịch sử hay đền, chùa đều mang tính nhân văn sâu sắc hướng tới cái thiện, đó là tôn vinh các nhân vật có công lao chống ngoại xâm, giữ gìn đất nước; cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, trừ tà, mong muốn cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Đi lễ hội đền, chùa cầu lộc đầu năm cũng đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Lục Yên.

Khắc Điệp (Đài TT-TH Lục Yên)

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục