Yên Bình bảo tồn văn hóa dân gian gắn với phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/8/2018 | 7:57:38 AM

YBĐT - Mỗi dân tộc thiểu số ở Yên Bình đều có những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống đã tạo nên sức hút diệu kỳ đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Lễ hội đua thuyền nan trên hồ Thác Bà - một trong những điểm nhấn thu hút du khách. Ảnh Quang Tuấn
Lễ hội đua thuyền nan trên hồ Thác Bà - một trong những điểm nhấn thu hút du khách. Ảnh Quang Tuấn

Huyện Yên Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, phong phú và đa dạng. Cùng với đó là những nét đẹp văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc một cách bền vững, từng bước quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bình đến với du khách gần xa.

 
Đến với việc sưu tầm bảo tồn những nét đẹp văn hóa văn nghệ dân gian như một cái duyên, nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai, xã Xuân  Lai luôn tâm huyết để trao truyền lại cho thế hệ trẻ những điệu dân ca của người Tày như: hát Then, khắp Cọi với mong muốn khơi dậy trong các em nhỏ tình yêu, niềm đam mê trân trọng những bản sắc văn hóa văn nghệ của dân tộc mình.
 
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai cho biết: "Bây giờ, những người truyền dạy về văn hóa văn nghệ dân gian còn rất ít. Lo lắng những nét đẹp văn hóa văn nghệ của dân tộc bị mất đi, chúng tôi đã tự nguyện đứng ra truyền dạy lại cho các cháu các làn điệu dân ca. Sự động viên lớn nhất với chúng tôi là hiện nay tại Đoàn Nghệ thuật của tỉnh đều có những hạt nhân trưởng thành từ Câu lạc bộ (CLB) dân ca các dân tộc xã Xuân Lai chúng tôi”.

Dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Hoàng Tương Lai, CLB dân ca các dân tộc xã Xuân Lai đã ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Bước đầu, chỉ có hai mươi thành viên, đến nay, CLB đã thu hút gần 40 thành viên tham gia.
 
Trong đó, nhiều thành viên chỉ mới 7-8 tuổi. Hoạt động của CLB không chỉ bó hẹp ở các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ ở xã, ở huyện mà còn tham gia và gặt hái được nhiều thành công trong các kỳ liên hoan hội diễn như 1 giải Nhất, 1 giải Nhì Liên hoan hát Then đàn tính toàn quốc, 1 giải C Liên hoan dân ca các dân tộc Việt Nam năm 2007, Huy chương Vàng Liên hoan tiếng hát dân ca 8 tỉnh phía Bắc năm 2017... 

Đặc biệt, các thành viên của CLB dân ca các dân tộc xã Xuân Lai còn là những hạt nhân nòng cốt tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch khi đến tham quan nghỉ dưỡng tại Yên Bình.

Yên Bình là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Tày, Nùng, Dao và Cao Lan chiếm 37% tổng dân số của huyện. Mỗi dân tộc ở Yên Bình đều có những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống đã tạo nên sức hút diệu kỳ đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
 
Huyện Yên Bình còn có hồ Thác Bà với diện tích trên 19.000 ha mặt nước và hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, xen kẽ là những dãy núi đá vôi sừng sững với hệ thống hang động độc đáo như: động Thủy Tiên, động Cẩu Quây… Nơi đây còn có một hệ thống quần thể di tích như đền Thác Bà, đình Phúc Hòa, đình đền Khả Lĩnh…
 
Đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bình phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với khai thác, phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống trong đồng bào các dân tộc. Để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn huyện, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
 
Đồng chí Tô Thị Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch về xây dựng và phát triển các CLB văn hóa văn nghệ dân gian trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời, trích ngân sách để hỗ trợ cho các CLB hoạt động. 

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các xã lựa chọn các hạt nhân văn nghệ, các gia đình làm du lịch cộng đồng có thành viên có năng khiếu văn nghệ và am hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình tham gia làm nòng cốt trong các CLB để truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ; đồng thời, tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương” - bà Ánh nói.



Thiếu nữ Tày Xuân Long vui trò đánh yến trong ngày xuân. Ảnh QT

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của người dân, đến nay, sau hai năm nỗ lực triển khai, huyện đã cho ra mắt 14 CLB văn hóa, văn nghệ dân gian với gần 400 thành viên tham gia. 

Riêng năm 2018 đã thành lập được 5 CLB. Đặc biệt, để khuyến khích các CLB hoạt động hiệu quả, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi CLB 10 triệu đồng. Dự kiến, đến năm 2025, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập được CLB văn hóa văn nghệ dân gian trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
Ông Nguyễn Minh Khánh -  Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Linh cho biết: "Từ khi các CLB văn hóa văn nghệ dân gian được thành lập đã khôi phục lại được nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc trên địa bàn xã. Các CLB đã thu hút được đông đảo người dân trong xã tham gia từ các cụ già đến các cháu nhỏ và sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách khi có yêu cầu”.

Mỗi CLB thành lập đều xây dựng quy chế luyện tập sinh hoạt cụ thể, trung bình từ 2-3 lần/tháng. Để tránh ảnh hưởng đến việc lao động sản xuất cũng như việc học tập của các thành viên, các CLB thường bố trí việc sinh hoạt luyện tập vào buổi tối thứ 7.
 
Đặc biệt, vào dịp nghỉ hè, là thời điểm các cháu học sinh được nghỉ học, các thành viên nòng cốt của CLB còn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt hè hàng tuần của các em nhỏ để hướng dẫn, truyền dạy cho các em những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Các buổi sinh hoạt CLB không chỉ giúp các thành viên có điều kiện tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn giao lưu, thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng.
 
Chị Lý Thị Vinh - thành viên CLB Văn nghệ xã Phúc An phấn khởi cho biết: "Ngoài công việc đồng áng hàng ngày, các thành viên trong CLB chúng tôi lại quây quần bên nhau cùng nhau luyện tập những bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc Dao. Ngoài ra, chúng tôi còn biểu diễn phục vụ khách du lịch đến tham quan tại địa phương”.

Trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống và khai thác các điều kiện về cảnh quan thiên nhiên, huyện đã và đang thu hút ngày càng đông du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Trung bình mỗi năm, Yên Bình tiếp đón trên 20.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 30% là khách nước ngoài.
 
Việc khôi phục, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian thông qua hoạt động của các CLB văn hóa văn nghệ, không chỉ giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bình đến với du khách trong và ngoài nước.
 
Chia sẻ về những trải nghiệm của mình khi đến du lịch tại Yên Bình, du khách Trần Ngọc Linh đến từ tỉnh Lào Cai cho biết: "Khi được nghe những điệu hát và xem những điệu nhảy truyền thống của của người dân tộc Dao, tôi cảm thấy như được hòa mình vào cuộc sống của bà con nơi đây. Đặc biệt, các câu hát rất trữ tình và lôi cuốn người nghe”.

Khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách mỗi khi đến với Yên Bình. 

Giờ đây, mỗi khi nhắc đến Yên Bình là nhắc đến những điệu sình ca say đắm, tiếng đàn tính rộn ràng, sự nồng hậu, chân thành của người dân bản địa. Tất cả tạo nên những giá trị cốt lõi của miền đất sơn thủy hữu tình níu chân du khách thập phương. Yên Bình dần khẳng định sự khác biệt đầy lôi cuốn đối với du khách trong và ngoài nước.

Hồng Giang

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục