Bản Khéo làm du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/11/2018 | 1:05:21 PM

YBĐT - Một dự án khởi nghiệp "Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Tày thông qua phát triển mô hình du lịch cộng đồng” của cô gái 9X dân tộc Tày - Hoàng Thị Ngọt đang được thực hiện với sự chung tay đóng góp công sức của người dân toàn bản.

Du lịch cộng đồng ở đâu cũng có nhưng hiếm nơi nào mà con người lại đoàn kết, chịu khó và coi trọng những nét truyền thống như ở bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên.

Tại đây, một dự án khởi nghiệp "Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Tày thông qua phát triển mô hình du lịch cộng đồng” của cô gái 9X dân tộc Tày - Hoàng Thị Ngọt đang được thực hiện với sự chung tay đóng góp công sức của người dân toàn bản.

Hoàng Thị Ngọt tâm sự: "Hiện nay, du lịch đang phát triển manh nha ở bản Khéo nhưng tính liên kết chưa cao, cũng chưa có các sản phẩm du lịch. Trong khi đó, Dự án này có điểm đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với du lịch. Các sản phẩm từ nghề dệt sẽ phục vụ du lịch và ngược lại. 

Nguyên liệu phục vụ dệt thổ cẩm phải là những nguyên liệu từ thiên nhiên, an toàn, không ảnh hưởng tới môi trường. Ở Dự án, vấn đề giải quyết rác thải luôn được đặt lên trên hết, mọi rủi ro đều xây dựng phương án giải quyết”. 

Bản Khéo được bao quanh bởi núi. Đây là bản có đến 97% là người Tày cần cù, chịu khó, tư tưởng tiến bộ song rất coi trọng những nét truyền thống. Họ sống trong nhà sàn và luôn giữ gìn, tự hào về trang phục của dân tộc mình. Bởi vậy, Dự án được triển khai, nhân dân trong bản ủng hộ và tích cực tham gia. 

Dự án được thực hiện trong 4 năm từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2021 và được phân chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 – từ tháng 12/2017 đến hết năm 2018, Ngọt chú trọng thực hiện việc bảo tồn nghề dệt và xây dựng không gian du lịch cộng đồng. 

Trước đó, Ngọt đã tìm đến các cụ cao niên trong bản để tìm tòi, học hỏi cách nhuộm màu tự nhiên, cách dệt hoa văn bằng khung cửi. 

Rồi bằng sự cố gắng, niềm đam mê của mình, Ngọt đã khôi phục và thử nghiệm thành công cách nhuộm thổ cẩm chàm. Tấm vải chàm truyền thống tươi nét hoa văn mới ấy đã được 1 homestay nhận bán sản phẩm. Ngọt còn vận động gia đình tu sửa lại nhà cửa bởi hiện nay trong toàn bản chỉ có nhà của gia đình Ngọt giữ được kiểu kiến trúc lâu đời nhất. 

Hiện, gia đình đang tu sửa những chỗ hỏng hóc, dọn dẹp sạch sẽ và quy hoạch lại để xây dựng nhà truyền thống của bản. Với mục đích giữ nét truyền thống văn hóa, đây sẽ trở thành nơi trưng bày và tái hiện lại nét văn hóa xưa, nơi du khách được trải nghiệm với nghề dệt truyền thống.

 Giai đoạn đầu này, Ngọt còn vận động người dân trong bản liên kết cùng làm du lịch, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. 

Đó sẽ là một chuỗi các hoạt động: nghỉ dưỡng tại nhà dân, làm việc cùng người dân, tham quan nhà truyền thống, trải nghiệm nghề dệt, đạp xe quanh bản, tắm mỏ, thác, leo núi, mua các nông sản, đặc sản địa phương làm quà… Mỗi hoạt động ấy sẽ do 1 vài hộ dân đảm nhận để tự tạo sinh kế cho gia đình. 

Để chung tay thực hiện, bước đầu, 78 hộ dân ở bản Khéo đang tích cực tạo cảnh quan du lịch bằng Phong trào "nhà sạch, bản đẹp” với việc mỗi gia đình đăng ký trồng hoa, rau xanh quanh nhà, tạo sức mạnh cộng đồng để cùng nhau giữ gìn bản làng sạch, đẹp.

Kết thúc giai đoạn 1, nghề dệt đã được bảo tồn, tuy nhiên để tiếp tục phát triển cần thiết kế đa dạng các sản phẩm và mẫu mã để tăng tính cạnh tranh. Các sản phẩm mới như: ga trải giường, gối, khăn quàng, khăn trải bàn, túi nhỏ, vòng tay… sẽ được bày bán không chỉ bằng chất liệu len mà còn bằng chất liệu đặc biệt như tơ tằm. 

Để khi sản phẩm đủ sức cạnh tranh sẽ không chỉ là sản phẩm du lịch trong bản mà còn vươn tới các công ty trang trí nội thất, các địa điểm du lịch trong toàn quốc. 

Cũng trong giai đoạn này, du lịch bắt đầu đi vào hoạt động. Mỗi gia đình tham gia du lịch sẽ hoạt động theo nhóm: nhóm homestay, nhóm dịch vụ, nhóm dệt thổ cẩm, nhóm bán thổ cẩm, nhóm chăn nuôi, nhóm trồng rau, nhóm bảo vệ an ninh trật tự và tiếp nhận phản ánh từ khách hàng... 

Dự án đang bước vào thời điểm kết thúc giai đoạn 1 nhưng đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng dân cư người Tày ở bản Khéo. Họ chung tay đóng góp lắp đặt bóng điện chiếu sáng, trồng hoa ven đường, tập luyện văn nghệ… 

Dự án thành công không những bảo tồn được nghề dệt truyền thống đang dần bị mai một mà còn giải quyết việc làm cho người dân trong bản, tạo thu nhập trực tiếp từ những giá trị văn hóa của địa phương.

 Để Dự án tiếp tục được thực hiện, Ngọt còn gặp vô vàn khó khăn trước mắt. Bởi vậy, Ngọt mong muốn chính quyền các cấp, các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ để cô gái trẻ tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

H.A

Các tin khác
Hải Phòng tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách và nhân dân

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Khu đô thị Bắc sông Cấm (sức chứa 18.000 người), bắn pháo hoa cả tầm cao và tầm thấp.

Đua mô tô nước jeski trên hồ Thác Bà

Từ ngày 24/4 - 1/5, huyện Yên Bình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà” và khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước năm 2024 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023

Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai hàng năm là nơi giao lưu, gặp gỡ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Hà Giang.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ tại lễ hội.

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục