Trạm Tấu khát khao làm du lịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/12/2018 | 8:24:56 AM

YBĐT - Là địa phương có đa số dân cư là đồng bào Mông sinh sống, trước kia, mỗi khi nói đến Trạm Tấu là nghĩ ngay đến cái đói, cái nghèo. Nhưng cái thời ấy đã mãi xa về quá khứ, còn giờ thì no ấm đã thổi hồn cho con người trên cao nguyên này nguồn sinh khí mới giữa vẻ đẹp kỳ vĩ núi non.

Hội xuân bản Mông.
Hội xuân bản Mông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - Lê Thị Thu Hà tâm sự: đi đến nhiều nơi làm du lịch rất thành công mới thấy cảnh quan ở Trạm Tấu chẳng hề thua kém. Điều đặc biệt là, ở đây có đỉnh Tà Chì Nhù khá nổi tiếng từ lâu trên bản đồ du lịch vùng Tây Bắc. 

Và có lẽ, không nơi nào lại thuận lợi như ở Trạm Tấu, chỉ cần đi quãng ba chục cây số từ Nghĩa Lộ ngược lên là du khách đã lạc vào một vùng núi non hùng vĩ; vùng văn hóa của đồng bào Mông với những cánh đồng bậc thang tít tắp uốn lượn trên lưng núi; lạc vào những bản làng người Thái xinh xinh trong lũng núi Hát Lừu. Thêm nữa, Trạm Tấu còn có những điểm tắm suối khoáng nóng ngay trong lòng thị trấn; có nhiều sản vật của núi rừng...

Quả thực, từ lời tâm sự của chị Hà, ngẫm lại chẳng nhớ nổi mình đã bao lần lên Trạm Tấu, nhưng mỗi lần đến cứ như thể đến lần đầu. Bởi lẽ, đến với hội xuân ở bản Mông, chưa hết cái ngất ngây với hoa cải bên nương, hoa ban, hoa mận, hoa đào thì sang hè lại bị hút hồn bởi muôn thứ hoa từ vườn nhà ra những cánh rừng đua nhau khoe sắc; những con thác mùa mưa no nước chảy dài. Sang thu, cái nắng hanh hao ở xứ này cùng với màu của dã quỳ, lúa chín nhuộm vàng cả trời mây, non nước. 

Đi vào những làng bản người Mông, thích nhất là cái ấm áp tình người mộc mạc. Nhà của người Mông phần đa ở bên những triền núi cao nhưng bao giờ cũng gắn với ruộng bậc thang, những nương ngô, đỗ, bí, bầu, những vườn mận, vườn đào tạo nên cảnh quan vừa đẹp vừa lộ nét no ấm đủ đầy. 

Món ăn mà ai cũng thích mỗi khi lên bản người Mông ấy là ngô nếp, thịt lợn "cắp nách”, gà đen và khi về rất dễ mua được những sản vật như mật ong rừng cùng nhiều dược liệu quý: nấm lim xanh, nấm linh chi, sâm quý...

Nhà sàn của người Thái thì ở san sát bên nhau và mỗi bản thường nằm bên những dòng suối lớn, bên những cánh đồng phẳng rộng, nên đường đi lối lại thuận lợi. Người Thái sống hồn hậu, giàu lòng mến khách và là tộc người có tố chất lãng mạn rất riêng. 

Thong thả dạo thăm bản Thái để ngắm cảnh cho thật thỏa thuê rồi đằm mình trong dòng suối mát hay đi tắm nước khoáng nóng lúc trời đông, đêm về uống rượu cùng bà con người Thái, ta chỉ còn cảm giác ngất ngây. Bởi lẽ, ẩm thực của bà con ngon đến lạ thường với bí kíp của những món đồ lam, nướng, luộc. Và đã uống rượu với bà con người Thái là thường uống với đông người, uống rượu là phải cùng nhau ca hát, cùng dập dìu trong điệu xòe hoa. 

Quả thực, những tiềm năng nơi bản Thái, bản Mông hay cảnh quan khắp chốn đại ngàn Trạm Tấu, rất xứng để nâng tầm thành những sản phẩm du lịch homestay, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm... 



"Sông mây" trên đỉnh Tà Chì Nhù. (Ảnh: Lê Thương)

Được biết, những năm gần đây, khi những đoàn khách trong nước, nước ngoài lên với Trạm Tấu không chỉ là đến với đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 mét, mà nhiều đoàn còn lên với các xã: Hát Lừu, Bản Mù, Phình Hồ, Làng Nhì... là những nơi có cảnh quan tươi đẹp, đã trở thành những gợi ý quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương hướng tới dần hoạch định bước đi cho khai thác du lịch.

Những khởi động ấy, chính là việc huyện đã quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Bởi vì, nông thôn mới là cái gốc để đưa đời sống kinh tế và dân trí đi lên; để người dân xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường thiên nhiên và cùng nhau xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn... tạo tiền đề cho phát triển du lịch. 

Xây dựng du lịch bằng việc, huyện giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch và phát huy vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở định hướng các giải pháp từng bước tiến tới khai thác tiềm năng du lịch địa phương. 

Huyện cũng đã khuyến khích, tạo cơ chế cho tư nhân mở dịch vụ có tiềm năng như đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ tắm suối khoáng. Trong mục tiêu mở rộng diện tích ruộng bậc thang để bảo đảm an ninh lương thực, huyện nhận thấy nguồn đất và nước để mở ruộng còn khá dồi dào, do đó, đã chú trọng chỉ đạo việc mở ruộng bậc thang còn phải gắn với tạo hình đẹp nhất cho những cánh đồng mở mới. Công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch cũng được huyện coi là một trong những vấn đề hàng đầu được ưu tiên...

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ cơ sở, để Trạm Tấu trở thành điểm đến hấp dẫn, chuyên nghiệp trên bản đồ du lịch Yên Bái, hơn lúc nào hết, huyện vẫn rất cần sự tiếp sức bằng cơ chế, chính sách, bằng những hỗ trợ chuyên môn của tỉnh.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục