Xoi Farmstay (xã Lâm Thượng) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2017. Ngôi nhà sàn xinh xắn nhưng đầy đủ tiện nghi, khuôn viên ngập tràn cây xanh, không khí trong lành cùng màu vàng thơ mộng của những bức tường, ô cửa, chỉ mới nhìn qua thôi đã khiến du khách vô cùng thích thú.
Chị Hoàng Thị Xới - chủ Xoi Farmstay chia sẻ: "Đến với Xoi Farmstay, du khách sẽ được nghỉ dưỡng trong không gian xanh, tham gia các hoạt động leo núi, đạp xe, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa... Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ các món ăn đậm đà hương vị bản sắc dân tộc. Rất nhiều du khách đã đến và giới thiệu cho bạn bè, người thân hoặc trở lại thêm lần nữa - đó cũng là niềm vui của người làm du lịch”.
Rời Xoi Farmstay, đến với bình nguyên xanh Khai Trung, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, bình yên giữa chốn hoang sơ, núi non trùng điệp thơ mộng và tươi đẹp.
Nhận thấy tiềm năng có thể phát triển tham quan du lịch, UBND xã Khai Trung phối hợp với Hợp tác xã Đại An đầu tư xây dựng với 2 địa điểm tham quan chính là thung lũng hoa và hang động.
Khu thung lũng hoa được đầu tư các hạng mục như: trụ sở đón tiếp, khu nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản như: vịt Lâm Thượng, gà trống thiến, cá bỗng…, phía sau nhà hàng đang được tiếp tục xây dựng bể bơi vô cực, khu vườn hoa cánh bướm, khu phim trường rộng lớn để chụp ảnh cưới, dã ngoại; đồi chong chóng, đồi cỏ lạc, vườn hồng cổ, vườn hướng dương, vườn tường vi, vườn đỗ quyên, vườn hoa lan… với hơn 40 loại hoa khác nhau.
Thông qua tuyên truyền, quảng bá, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển du lịch của địa phương, lượng khách du lịch hàng năm đến với Lục Yên đều tăng trưởng khá; hoạt động đầu tư vào du lịch có sự chuyển biến đáng kể; các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hàng năm, các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng nội quy, quy chế để quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Hiện, toàn huyện có 24 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó, có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 11 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng của tỉnh.
Huyện cũng tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm, đồ lưu niệm, đặc sản địa phương như: cây ăn quả có múi, dầu lạc, dầu đậu tương, lạc đỏ, khoai môn tím, rượu men lá, măng mai…; các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc như: hát giao duyên, múa dậm thuông, khắp Tày, múa trích đoạn các lễ hội cúng mụ, cấp sắc, mừng cơm mới, cầu mùa…
Được biết, năm 2018, Lục Yên thu hút hơn 53.600 lượt khách du lịch, tổng thu nhập từ du lịch - dịch vụ đạt trên 26,8 tỷ đồng; năm 2019, thu hút hơn 76.020 lượt khách, tổng thu nhập từ du lịch - dịch vụ đạt trên 45 tỷ đồng với chủ yếu là khách đến từ các quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Thụy Sỹ…
Đồng chí Nguyễn Thị Hương - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Yên khẳng định: Với mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 100.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 15.000 lượt, tổng doanh thu du lịch đặt mục tiêu đạt 60 tỷ đồng, thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu phương án xây dựng sản phẩm du lịch với giải pháp dựa vào lợi thế, tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch mới hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Theo đó, huyện sẽ tích cực đổi mới phương thức hoạt động du lịch đi vào chiều sâu như: du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, sinh thái… theo hướng kết nối các tour, tuyến nhằm thu hút và giữ chân khách du lịch.
Đồng thời, huyện cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù, phấn đấu xây dựng ngành "công nghiệp không khói” ngày càng chuyên nghiệp, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Mai Linh