Văn Yên: "Đánh thức" du lịch Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2020 | 7:42:17 AM

YênBái - Nà Hẩu - vùng lòng chảo tươi đẹp phía Tây Nam huyện Văn Yên những năm qua luôn là một địa chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp đắm say lòng người của cảnh sắc thiên nhiên, sự chan hòa, hồn hậu của người dân quê núi, sự hùng vĩ của núi non, của cây rừng, thác nước.

Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa độc đáo là lợi thế để xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên phát triển du lịch.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa độc đáo là lợi thế để xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên phát triển du lịch.

Vẻ đẹp chốn tiên cảnh được tôn lên cùng vẻ đẹp độc đáo riêng có của những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mông - những cư dân đầu tiên đến an cư lạc nghiệp ở chốn này.

Đến với Nà Hẩu, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái Mông duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống. Cũng thuộc nhóm Mông hoa, song váy của người Mông Nà Hẩu lại có sự khác biệt rõ rệt với người Mông Mù Cang Chải. Màu chủ đạo được sử dụng có tông màu đỏ cam, váy xếp li ít, xòe to và dài đến tận mắt cá chân. Gấu váy thường được can bằng một mảnh vải màu đỏ hoặc đen không mang theo họa tiết. Thân áo được trang trí bằng những hàng hạt cườm kéo dài từ trước ra sau. 

Trang phục truyền thống gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp… Áo thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông hoa chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ. 

Đó là những đường ngang, viền đậm dài, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… Sự khác nhau trong cách thể hiện càng làm cho bộ váy áo thêm tinh tế, giàu màu sắc thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Mông. Giữa màu xanh của bao la cây rừng, bộ trang phục của những thiếu nữ Mông Nà Hẩu như những bông hoa rực rỡ bung xòe, là điểm nhấn không thể rời mắt trong bức họa thiên nhiên hữu tình thơ mộng.

Cùng với trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc cũng đã tạo nên nét độc đáo của văn hóa Mông Nà Hẩu. Trong đó, phải kể đến múa sênh tiền và múa khèn. Sênh tiền là một điệu múa cổ truyền của dân tộc Mông được truyền lại từ đời này qua đời khác. Múa sênh tiền thường theo nhóm lẻ ba, năm, bảy hoặc cũng có thể theo nhóm chẵn hai, bốn, sáu người cùng nhau biểu diễn. Khi múa, người múa vung gậy gõ nhẹ vào chân, vai hay cánh tay mình làm những đồng tiền phát ra tiếng kêu kết hợp với những động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng uyển chuyển. 

Trong khi đó, khèn của người Mông vừa là nhạc cụ vừa là đạo cụ cũng  là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần với thế giới tâm linh, đồng thời là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư, tình cảm. 

Ông Giàng A Tủa ở thôn Bản Tát cho biết: "Khèn là nét văn hóa đặc sắc của người Mông chúng tôi đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Học thổi khèn mất rất nhiều thời gian phải trải qua vài năm mới có thể thổi được. Hiện tại, trong thôn chỉ còn ít người biết thổi và múa khèn. Các cháu thanh thiếu niên muốn học cũng phải cần 6 -7 tháng để làm quen cấu tạo, cách lấy hơi cũng như học các động tác múa. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, chúng tôi cũng đã và đang truyền dạy thổi khèn cho con em trong bản, để không những lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mà còn phục vụ du lịch phát triển”.

Nhắc đến người Mông Nà Hẩu không thể không nhắc đến Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là "tết rừng” – nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng. Lễ hội cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. 

Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thực hiện các nghi lễ khác lên gốc cây cổ thụ... 

Trong ba ngày này, mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng… Tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông nơi đây đã được truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, ở thôn bản nào của Nà Hẩu cũng có một khu rừng cấm - rừng thiêng với những quy định "bất khả xâm phạm” và nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng thần rừng. 

Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn rừng nguyên sinh Nà Hẩu. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo chỉ có riêng ở người Mông Nà Hẩu. 

Theo thời gian, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông Nà Hẩu đã và đang được bảo lưu và phát triển. Đặc biệt với những tiềm năng tự nhiên sẵn có, một ngày không xa Nà Hẩu sẽ được "đánh thức” để phát triển du lịch theo hướng bền vững với nhiều hoạt động phong phú. Nếu một lần đặt chân đến miền non cao xinh đẹp Nà Hẩu, hãy một lần khám phá, trải nghiệm và hòa mình vào không gian đa sắc màu văn hóa Mông để cảm nhận, để say mê và thêm yêu vùng đất, con người nơi đây!

Hồng Vân - Khánh Dung

Tags Văn Yên phát triển du lịch đất quế Nà Hẩu

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục