Bên cạnh những điểm di tích lịch sử văn hóa, Yên Bình còn có hồ Thác Bà - hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam được ví như "Hạ Long trên núi”. Bên cạnh đó, những lễ hội đặc sắc, cuộc sống thường nhật của người dân vùng hồ vẫn giữ được nét truyền thống từ nhà ở đến ẩm thực, trang phục... Năm 1996, thắng cảnh hồ Thác Bà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Phát huy lợi thế, tiềm năng, năm 2018, huyện Yên Bình xây dựng Đề án số 470/ĐA-UBND về Phát triển du lịch cộng đồng vùng Đông hồ Thác Bà giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó, tập trung xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch cộng đồng (homestay) tại các xã vùng Đông hồ.
Nhằm tạo sự khác biệt trong sản phẩm du lịch, huyện xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác, phát triển sản phẩm đặc trưng như: tôm, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh, khoai sọ Phúc An, dưa hấu Xuân Lai, thanh long ruột đỏ; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề và các sản phẩm văn hóa dân gian…
Địa phương đã xây dựng các câu lạc bộ nghệ thuật, khơi dậy các nhân tố hạt nhân ở cơ sở trong việc phục dựng, truyền dạy cho thế hệ trẻ; phối hợp mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch như: kỹ năng marketing; kỹ năng lễ tân, buồng bàn; tiếng Anh giao tiếp. Đến nay, huyện thành lập được 17 câu lạc bộ nghệ thuật, 6 đội văn nghệ dân gian các dân tộc.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018. Qua đó, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng An Bình, xã Tân Hương; Dự án Du lịch sinh thái Lavie Vũ Linh; Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà; Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà; Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và giới thiệu văn hóa đảo Chàng Rể; Dự án du lịch sinh thái xã Mông Sơn; Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà của các tập đoàn Sungroup, Alphanam…
Những nỗ lực đã mang lại cho du lịch Yên Bình thành quả đáng khích lệ. Năm 2018, có trên 90.000 lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng; năm 2020, có khoảng 170.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí được công nhận là Khu du lịch quốc gia và đón khoảng 380.000 lượt du khách, tổng doanh thu đạt 300 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt; năm 2030, đón khoảng trên 1 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 140.000 lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, thương hiệu và tạo dựng kết nối với các khu, điểm du lịch quan trọng trong cả nước.
Vũ Đồng