Nằm trong lòng chảo của vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, được bao bọc xung quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp với hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng, xã Nà Hẩu có hệ thống hang động, thác nước đẹp, nguồn nước, không khí trong lành là điều kiện lý tưởng đưa Nà Hẩu trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Năm 2019, Nà Hẩu đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách.
Ông Giàng A Châu - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Riêng cá tầm, HTX đang duy trì ổn định số lượng trên 10 nghìn con/năm với 25 bể nuôi, gồm 1 bể lớn nuôi cá giống và 24 bể nhỏ nuôi cá thịt; sản lượng bình quân đạt trên 30 tấn/năm với giá bán dao động từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng/kg đã giúp HTX có nguồn thu nhập ổn định, tạo vốn để tái đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất”.
Cùng với nuôi cá tầm, HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã hoàn thiện đường đi đến thác Suối Tiên, thác Bản Tác để đón khách du lịch trải nghiệm, cùng hệ thống hang động như Hang Gấu, Hang Dơi, Hang Vàng cũng đang được tôn tạo, tu bổ cảnh quan môi trường, đường đi để tạo thuận lợi cho du khách đi thăm quan, khám phá, trải nghiệm.
Một trong những điểm thu hút khách mùa hè hàng năm là thác Suối Tiên với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Thác Suối Tiên được biết đến là điểm thác đẹp với 3 tầng thác, nguồn nước trong xanh, mát lạnh từ trên đỉnh núi dội xuống quanh năm. Những ngày hè, thác Suối Tiên thu hút nhiều du khách, phần lớn là các bạn trẻ...
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, Nà Hẩu còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông. Trong văn hoá tâm linh phải kể đến
Lễ hội Tết Rừng Nà Hẩu - phong tục có ý nghĩa nhân văn đề cao về ý thức giữ, bảo vệ rừng, môi trường sống của người Mông từ ngàn đời nay.
Gắn với đó là việc bảo tồn, phát huy các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao dân tộc như: múa khèn, múa gậy Sênh Tiền, hát giao duyên, ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ; khai thác văn hoá ẩm thực với các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc do chính người dân bản địa tự chế biến như: gà đen, lợn đen bản địa, thịt lợn treo gác bếp, mèn mén, xôi tím, bánh dày, rượu ngô...
Trước tiềm năng du lịch rộng mở, hiện xã Nà Hẩu đã có 9 hộ đăng ký hoạt động du lịch cộng đồng. Điển hình có hộ ông Tráng A Nhà, thôn Trung Tâm đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, tân trang ngôi nhà sàn thành 6 phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi và một số dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Văn Yên tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn cũng như tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp các dịch vụ, hoạt động vào Nà Hẩu, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Riêng năm 2021, đã có trên 5.000 lượt khách du lịch đến xã Nà Hẩu, mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng; đặc biệt, tháng 4/2022,
"Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát - Nà Hẩu” đã được tỉnh Yên Bái công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Châu Á