Trao đổi với phóng viên báo chí, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings cho biết, đã thực hiện hành trình tìm kiếm và chính thức công bố Top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam.
Hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các kỷ lục không thể thay thế, không bị phá vỡ của đất nước, con người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo của Việt Nam đến du khách trong, ngoài nước.
Top 10 kỷ lục bất biến của thiên nhiên
Fansipan (Lào Cai) - Đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - Hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.
Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) - Đảo lớn nhất Việt Nam và thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
Sông Đồng Nai - Dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam.
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) - Đèo dài nhất Việt Nam.
Dãy Trường Sơn - Dãy núi dài nhất Việt Nam.
Hẻm vực Tu Sản (Hà Giang) - Hẻm vực sâu nhất Việt Nam.
Đá Voi Mẹ (Đắk Lắk) - Tảng đá granite nguyên khối lớn nhất Việt Nam.
Rừng ngập mặn Cà Mau (Cà Mau) - Rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam.
Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - Hang động tự nhiên lớn nhất Việt Nam.
Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố "đầu tiên"
Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Nhà máy thủy điện Ankroet (Lâm Đồng) - Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam.
Đáng đời thằng Cáo - Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam.
Duyệt Thị Đường (Thừa Thiên - Huế) - Nhà hát quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (Hòa Bình) - Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam.
Làng tre Phú An (Bình Dương) - Khu bảo tàng và bảo tồn sinh thái tre đầu tiên của Việt Nam.
Vinasat-1 - Vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam.
Cầu Long Biên (Hà Nội) - Cây cầu thép đầu tiên của Việt Nam.
Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) - Trung tâm Thương mại đầu tiên của Việt Nam.
Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) - Trường Trung học phổ thông đầu tiên của Việt Nam.
Các kỷ lục bất biến tiếp theo sẽ tiếp tục được tìm kiếm, đề cử và công bố trong Top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam.
Đỉnh Fansipan thuộc núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía Tây Nam, tiếp giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai (Ảnh: Ban Tổ chức).
Hồ Ba Bể được hợp thành từ 3 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm. Nằm ở độ cao 145 m so với mực nước biển, dài khoảng 8 km và sâu khoảng 20-25 m, diện tích mặt nước 650 ha, hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, đồng thời thuộc Top 100 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới (Ảnh: Ban Tổ chức).
Thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là đảo ngọc (Ảnh: Ban Tổ chức).
Đèo Ô Quy Hồ dài 50 km nối liền hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu nằm trên tuyến quốc lộ 4D vắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai và kết thúc tại ngã ba Tam Đường. Đây là con đèo dài nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Đương với cung đường dài, hiểm trở, hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc (Ảnh: Ban Tổ chức).
Cùng với đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), đèo Pha Đin (Sơn La), đèo Khau Phạ (Yên Bái), đèo Ô Quy Hồ được mệnh danh là "tứ đại đỉnh đèo" ở vùng trời Tây Bắc (Ảnh: Ban Tổ chức).
Dãy Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam, còn được mệnh danh là xương sống của bán đảo Đông Dương (Ảnh: Ban Tổ chức).
Hẻm vực Tu Sản là vực sâu với chiều cao vách đá lên tới 700-900 m, chiều dài tới 1,7 km, thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh - địa tầng - cổ môi trường, phát hiện tại khu vực của 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (Ảnh: Ban Tổ chức).
Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pí Lèng, Hẻm Tu Sản được ví von là "đệ nhất hùng quan" với chiều cao ấn tượng, đồng thời là danh thắng kỳ vĩ nơi cao nguyên đá Đồng Văn. Mọi người thường ví von hẻm vực sâu nhất Việt Nam là sự kỳ diệu của tạo hóa khi cách đây hàng triệu năm trước, nơi đây vẫn còn chìm giữa lòng đại dương mênh mông mà giờ đã trở thành di sản địa chất giữa mây trời Hà Giang (Ảnh: Ban Tổ chức).
Trong danh sách rừng ngập mặn thế giới, rừng ngập mặn Cà Mau chỉ đứng sau rừng Amazon của Nam Mỹ (Ảnh: Ban Tổ chức).
Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) là hang động được cả 3 tổ chức Kỷ lục trên thế giới cùng ghi nhận là hang động tự nhiên lớn nhất Việt Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).
Có thể nói, một trong những cái nôi của sự phát triển nền giáo dục nước ta đó chính là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam và hiện nay đã trở thành quần thể di tích nổi tiếng tại Hà Nội (Ảnh: Ban Tổ chức).
Cầu Long Biên (Hà Nội) có chiều dài là 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép, đường dẫn xây bằng đá. Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa, hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó (Ảnh: Ban Tổ chức).
Theo tư liệu từ Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì bộ phim đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam là một xuất bản phẩm thuộc thể loại đồ họa với nhan đề "Đáng đời thằng Cáo". Vào năm 1959, nhóm họa sỹ gồm: Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ đã bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim được chuyển thể từ câu chuyện "Con cáo và tổ ong", có độ dài 10 phút (Ảnh: Ban Tổ chức).
Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, Tràng Tiền Plaza là một trong những minh chứng lịch sử, hình ảnh mang tính biểu tượng mỗi khi nhắc về Hà Nội. Được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901, Tràng Tiền Plaza khi ấy được gọi là Maison Godard (nhà Godard). Maison Godard chỉ phục vụ cho khách người Pháp và người Việt giàu có, được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn chỉ có các chợ truyền thống (Ảnh: Ban Tổ chức).
Được khởi động từ năm 1998, Vinasat-1 là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).
Khoảnh khắc tên lửa đẩy Ariane 5 rời bệ phóng mang theo vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam lên quỹ đạo (Ảnh: Ban Tổ chức).
Kỷ lục từ trước đến nay được xét theo nhiều góc độ. Về cách thể hiện, kỷ lục xét trên khía cạnh nội dung và hình thức. Về tính tồn tại, kỷ lục lại được xem xét trên góc độ bất biến và khả biến.
Kỷ lục bất biến của một quốc gia qua góc nhìn kỷ lục được định nghĩa là những hiện tượng, đối tượng, sự vật, công trình, sự kiện... đã xuất hiện, tồn tại và gần như không thể thay thế hay không (hoặc rất ít khi) bị phá vỡ theo thời gian kể từ khi xuất hiện.
Kỷ lục theo định nghĩa này thường thiên về yếu tố tự nhiên, có tính duy nhất hoặc gần như bền vững theo thời gian như ngọn núi cao nhất, dòng sông dài nhất, hẻm vực sâu nhất... và các sự kiện lịch sử, văn hóa - xã hội, công trình... nổi bật mang yếu tố đầu tiên như trường đại học đầu tiên, khách sạn được xây dựng đầu tiên, người đầu tiên bay vào vũ trụ… được con người thực hiện xét trên phạm vi một quốc gia.
Hiểu theo khía cạnh này, những giá trị kỷ lục bất biến mang tính tích cực, không chỉ đơn thuần là những kỷ lục thông thường, mà gắn liền, có tính nhận diện cao cho quốc gia, địa phương, cá nhân, đơn vị sở hữu. Từ đó mang lại những giá trị đặc biệt để quảng bá thế mạnh du lịch của địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung trong nước và thế giới.
|
(Theo Dân trí)