Tháng giêng đến lễ hội đền Đại Cại

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đền Đại Cại - một trong những địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn hoá - khảo cổ học đã được Bộ Văn hoá thông tin công nhận tại xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên. Tại đây có di tích chùa tháp Hắc Y bằng đất nung thuộc đời Trần, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về tầm vóc lịch sử. Đền có từ ngàn xưa do nhân dân lập nên thờ bà chúa quân lương thành nhà Bầu Vũ Thị Ngọc Anh ( Tên tựa là Ngọc Nữ Huỳnh Dung).

Dân gian và sử sách truyền lại, đền Đại Cại có từ thời Lê do nhân dân xã Lâm Hạ (Nay là xã Tân Lĩnh), tổng Lâm Trường Hạ, Châu Lục Yên, phủ Yên Bình, trấn Tuyên Quang tạo dựng. Mỗi năm cứ vào ngày rằm tháng giêng, hàng nghìn người dân trong vùng, trong nước đến đền Đại Cại thắp hương cầu bà chúa Bầu họ Vũ phù hộ cho mùa màng tốt tươi, buôn bán, làm ăn phát đạt.

Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của nhà sử học Lê Quí Đôn thời vua Chiêu Tông (1516 - 1522), Mạc Đăng Dung nổi lên chống triều đình nhà Lê, xây dựng căn cứ thành nhà Mạc ở xứ Tuyên Quang. Vua Lê Chiêu Tông cử Vũ Văn Mật, người ở huyện Gia Phúc ( Nay là Gia Lộc tỉnh Hưng Yên) dấy binh ở suối Khổng (lập Thạch, Vĩnh Phúc) thu thập binh mã kéo lên vùng châu Thu Vật (Nay thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Tại vùng này, ông tổ chức cho xây dựng thành Nhà Bầu bao gồm: thành Nghị Lang ở Lương Sơn - Lục Yên; thành Cát Tường ở Khánh Vân - Lục Yên; thành Bắc Pha ở xã Đà Dương - Lục Yên; thành Bình Ca ở Hàm Yên (Tuyên Quang); thành Việt Tĩnh ở Diên Gia - Châu Thu (Lục Yên - Yên Bình - Yên Bái). Khi đó bà Vũ Thị Ngọc Anh là con nhà dòng dõi tướng lĩnh, tinh thông văn võ lại am hiểu nghề nông. Tướng quân Vũ Văn Mật tiến cử bà với nhà Vua và được vua Lê phong chức phó tướng, phụ trách quân lương hậu cần.

Hàng chục năm với trọng trách của mình, bà đã giữ trọn việc quân lương ở vùng núi non hiểm trở - nơi sinh sống của hầu hết dân bản xứ là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ canh tác thấp. Trong bối cảnh ấy, bà chúa Bầu họ Vũ đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi lên; phổ biến cho bà con miền núi và quân binh trong vùng khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải. Hàng chục cánh đồng ở châu Lục Yên, châu Thu Vật đều có công của bà chỉ bảo dân - binh khai khẩn định cư trồng bông, làm lúa nước. Bà đã cùng tướng công Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp. Trong thành đều có nơi luyện tập binh mã. Bà cũng là người trực tiếp luyện quân, tập binh để bổ sung lực lượng. Cũng theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quí Đôn, sau khi dẹp xong nhà Mạc, tướng Vũ Văn Mật được Vua Lê phong “Quốc Công An Tây Vương”. Còn bà Vũ Thị Ngọc Anh, một nữ tướng luôn bên cạnh Quốc công Vũ Văn Mật; có nhiều công lao trong xây dựng căn cứ và dạy dân trồng lương thảo được bà con trong vùng tôn từ như: “Bà chúa lương”, “Bà chúa kho”, “Bà chúa Bầu”, “Bà Anh thần nông”. Đồng bào địa phương còn gọi bà là “Bà Bụt” khi cúng bà trong các hội xuống đồng.

Theo Lê Quí Đôn cũng như Đại nam nhất thống chí, các chúa Bầu họ Vũ đã được Vua Lê giao cho trấn ải cả một vùng rộng lớn từ Lập Thạch - Vĩnh Phúc đến vùng rừng núi Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai để khai khẩn lập làng, lập ấp xây dựng một hệ thống thành luỹ chống nhà Mạc, giữ yên bờ cõi. Doanh trại chính của bà Vũ Thị Ngọc Anh là thành Bến Lăn, nơi có võ trường huấn luyện quân binh. Sau khi bà mất, nhân dân thờ ở đền Đại Cại. Đền đã có 3 sắc phong thần của Vua (Cảnh Hưng năm thứ 44 đề ngày 26/1/1784; của vua Tự Đức năm thứ 10 đề ngày 3/10/1858 và vua Duy Tân đề Tam niên bát nguyệt thập nhất nhật). Ngày 17/7/2001, Bộ Văn hoá Thông tin đã có quyết định xếp hạng - công nhận Cụm di tích lịch sử văn hoá chùa tháp đất nung, đền Đại Cại, đình Bến Lăn, Ao Vua và thành luỹ nhà Bầu của họ Vũ.

Giờ đây với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, huyện Lục Yên đã đầu tư tôn tạo đền Đại Cại; và cứ vào rằm tháng giêng hàng năm tổ chức lễ dâng hương và các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để tưởng nhớ công ơn của những người một thời:

“Gia quốc công Vũ Văn Mật nuôi chí lớn hùng cứ rừng xanh/Cùng nữ chúa Ngọc Anh, dưỡng lòng thành chăm lo lương thảo/Phò Vua Lê, chống giặc giã, mạch hùng cường chảy mãi bốn phương/Yên sức dân, trừ bạo tàn, tâm đức sáng ngời lòng dân thương mến/Cần cù chăm sóc lương dân/Dịu dàng yêu thương binh sĩ/Cùng người dân cấy cày, tiết lễ/Hướng tướng lĩnh tích thiện, lưu ân/Cả rừng núi âm u bỗng thành sơn trang sầm uất/Cả một dải sông chảy vụt nhanh thành quách đền chùa...”
(Trích chúc thư lễ hội đền Đại Cại)

Một mùa xuân mới đã về. Đền đại Cại lại là nơi để mỗi người dân khắp mọi miền đất nước tới đây dâng hương, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài và tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước thuở ngày xưa của bà Chúa Bầu họ Vũ.

Minh Đức

Các tin khác
Hình ảnh ban tổ chức tập luyện cho Carnaval Hạ Long 2024.

Điểm nhấn của Carnaval Hạ Long diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay là màn biểu diễn nghệ thuật thực cảnh và Carnaval trên biển đầu tiên tại Việt Nam.

Du khách trải nghiệm pic-nic tại Đồi thông Eo gió, huyện Trạm Tấu.

Chỉ cách thành phố Yên Bái 100km đường tốt lại sở hữu những điểm đến độc đáo của vùng cao như: suối khoáng nóng Trạm Tấu, rừng rêu Tà Xùa, thác nước Tà Xùa, thác đôi Kháo Chu, thác Háng Đề Chơ, đỉnh núi Tà Chì Nhù, Lau Camping Phình Hồ…, Trạm Tấu đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay.

Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục