Hà Giang - Nơi địa đầu cực Bắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngược quốc lộ 2, xe chúng tôi đi qua các thị trấn Bắc Quang, Vị Xuyên rồi vào thị xã Hà Giang. Con đường từ ngày được cải tạo nâng cấp đã tấp nập xe khách, xe tải ngược xuôi. Hai bên đường, những vườn cam quả chín đỏ xen lẫn với vạt rừng xanh ngút ngàn. Thi thoảng lại xuất hiện một công trình công nghiệp như: nhà máy thủy điện, nhà máy tinh lọc cao lanh, nhà máy xi măng hay lắp ráp ô tô... làm cho bức tranh thiên nhiên Hà Giang đã bớt đi phần tĩnh lặng.

Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang).
Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang).

Hà Giang với 11 đơn vị hành chính: thị xã Hà Giang và các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình là nơi cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, Sán Dìu... Nơi đây có những ngọn núi cao lưng trời như đỉnh Tây Côn Lĩnh cao tới 2.419m. Ngay tại thị xã, núi Cấm và núi Mỏ Neo cũng làm nên vẻ đẹp của đô thị miền núi sơn thủy hữu tình. Sông Lô, sông Chảy, sông Nho Quế và nhiều suối lớn cũng góp phần làm nên địa hình phức tạp của mảnh đất địa đầu cực Bắc Việt Nam. Lần đầu đến thăm, tôi được anh Đặng Quang Vượng - Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang giới thiệu: “Hà Giang có cao nguyên Đồng Văn nên thơ hùng vĩ, có chợ tình Khau Vai hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, có suối tiên, động tiên, hang Phương Thiện, núi đôi Quản Bạ...”. Cao nguyên Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, huyện lỵ cách thị xã Hà Giang ngót 150 km. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1oC, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24oC. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu "Đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Đồng Văn có điểm cực bắc của Việt Nam tại Lũng Cú. Người ta nói rằng, nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Đồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam", nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Cùng với nổi tiếng về phong cảnh núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu, Đồng Văn còn được du khách biết đến với kiến trúc độc đáo của Dinh họ Vương (Vương Chí Sình). Dinh được bao bọc bởi hai bức tường thành xây bằng đá, cả hai vòng thành đều bố trí nhiều lỗ châu mai. Dinh có 10 ngôi nhà, 6 ngôi nằm cùng một hướng, 4 ngôi kia nằm theo hướng khác. Ngôi nhà chính quay mặt ra phía cổng. Các ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý từ cột, kèo, sàn, vách; mái nhà lợp bằng ngói máng. Các bức chạm trên đá, trên gỗ cho thấy sự tinh xảo và tài nghệ của người thợ. Công trình đã được xếp hạng di tích và bảo vệ từ năm 1993.

Đến với Đồng Văn, khách được đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui cùng hạnh phúc trong cuộc sống. Và họ cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo nơi cổng trời. Còn chợ tình Khau Vai thuộc xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Chợ Khau Vai thuộc một làng người Nùng, nằm trong thung lũng khá rộng và bằng phẳng. Khoảng 15h chiều 26/3 (âm lịch) đã chật người với đủ màu sắc phục trang của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng… khiến cả chợ cứ rực lên như rừng hoa. Các cô gái, chàng trai, thậm chí cả người già, người trung tuổi ai nấy đều không giấu nổi được sự rạo rực, bồn chồn hiện trên khuôn mặt. Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng, nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của các cặp tình nhân trẻ cũng như già, mới cũng như cũ. Và cũng ngay từ chiều hôm trước, nhiều cặp vợ chồng, tình nhân vì đường xa đã xôi đùm, ngô nắm lên yên ngựa, hoặc thong thả theo đường núi cho kịp chợ tình. Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống, thung lũng Khau Vai ồn ã tiếng nói cười, tiếng gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa. Đó đây, trong các lều quán bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và… uống rượu. Rượu được rót tràn bát, họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách đằng đẵng nhớ nhung. Đến khi nào không thể uống, họ sẽ dắt tay nhau ra triền núi phía xa xa để tự tình thâu đêm, khi trời sáng mới trở về với vợ, chồng mình. Truyền thuyết về nguồn gốc phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song tình yêu của họ đã gây  ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa nhau và thề nguyền rằng: dù không lấy được nhau thì mỗi năm sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai. Du khách dẫu một lần đến với chợ tình Khau Vai hẳn sẽ không quên được những giây phút đầy thi vị này. Nhà thơ Vũ Thị Thành của Hà Giang đến đây và đã viết: “Giờ sương núi nhuộm em/Chín tình xanh thuở trước/Ước một lần hẹn ước/Về Khau Vai, Khau Vai”.

Hà Giang đẹp nhưng vẫn ở danh sách những địa phương nghèo. Qua nhiều năm được Nhà nước hỗ trợ đầu tư mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 43%. Xác định đột phá là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của nhiệm kỳ 2006 - 2010, Đảng bộ Hà Giang lấy công nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế. Lợi thế có cửa khẩu Thanh Thủy là nơi giao lưu buôn bán với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), một khu chế xuất đã được hình thành bao gồm các nhà máy chế biến nông - lâm sản, khoáng sản, lắp ráp xe cơ giới... Tuy còn khó khăn về vốn, nhưng năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt 11,1%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 454 tỷ đồng. Và năm 2007 sẽ là năm tập trung mạnh vào phát triển dịch vụ - du lịch với tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới đạt 120 triệu USD. Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi có may mắn được xem buổi biểu diễn văn nghệ của đoàn văn nghệ quần chúng huyện Xín Mần. Bài ca Hà Giang quê hương tôi lại được các ca sĩ hát vang: "Đây Hà Giang quê hương tôi đổi mới... Hà Giang mến yêu ơi!".

Nam Hà

Các tin khác
Hải Phòng tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách và nhân dân

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Khu đô thị Bắc sông Cấm (sức chứa 18.000 người), bắn pháo hoa cả tầm cao và tầm thấp.

Đua mô tô nước jeski trên hồ Thác Bà

Từ ngày 24/4 - 1/5, huyện Yên Bình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà” và khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước năm 2024 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023

Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai hàng năm là nơi giao lưu, gặp gỡ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Hà Giang.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ tại lễ hội.

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục