Sân vận động trung tâm xã, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Ngày hội, những ngày qua luôn rộn ràng bởi rất nhiều thanh âm của nhóm tập múa, của nhóm làm sân khấu rồi lực lượng dọn dẹp vệ sinh…
Nhóm múa là các cô giáo đến từ trường mầm non của xã, được giao đảm nhiệm một tiết mục múa rất quan trọng trong phần lễ. Những ngày qua, vừa đảm bảo việc chuẩn bị đón học sinh tựu trường vừa thu xếp thời gian tập luyện, các cô đang cố gắng tạo ra một tiết mục đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày.
Cô Hoàng Thanh Nga – đội múa Trường mầm non Hoa Hồng xã Lâm Thượng chia sẻ: " Ngoài giờ trên trường chuẩn bị cho năm học mới, chúng em tích cực hăng say luyện tập những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa quê hương Lâm Thượng để góp phần thành công cho "Ngày hội Pay Tái”.
Lãnh đạo xã Lâm Thượng tham quan Tổ hợp tác sản xuất nón truyền thống người Tày phục vụ tại Ngày hội
Còn tại thôn Hin Lạn, chị Vương Thị Thoản cùng đội của mình cũng đang tất bật để chuẩn bị cho phần thi Hẩm chúp cọ Tày (hay còn gọi là "lợp nón cọ Tày"). Với đôi bàn tay khéo léo, hay lam hay làm nên hầu như những việc thêu thùa, đan lát trong gia đình chị đều thạo. Do vậy, những đồ vật trong gia đình cũng hầu như do chị tự làm lấy. Năm ngoái chị đã tham gia thi dệt dây dao và đạt giải nhì nên bà con trong thôn lại tín nhiệm chị năm nay thi tiếp.
Để có được chiếc nón lá đẹp, hôm nay chị đã lên rừng, tự tay chọn những lá cọ đẹp nhất. Đó phải là lá bánh tẻ, không quá già hay quá non, kích thước lá cũng phải vừa với khung nón…Chị Thoản cho biết: "Chị em chúng tôi sẽ mang đến Ngày hội những sản phẩm đặc trưng các dân tộc trên địa bàn xã để du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng”.
Sau thành công của
"Ngày hội Pay Tái” lần đầu tiên tổ chức năm 2022, năm nay xã Lâm Thượng tiếp tục kỳ vọng Ngày hội sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày, do đó toàn bộ nội dung chương trình, cả phần lễ và phần hội đều khai thác triệt để các nét truyền thống đặc trưng dân tộc Tày như: hát khắp, hát then; thi Hẩm chúp cọ Tày, đan xoỏng mòn (một đồ đựng đan bằng tre); trò chơi bịt mắt bắt vịt dưới nước, đi cà kheo, leo cây măng mai, bắn nỏ, tức khang (nghĩa là chơi quay).... và đặc sắc nhất là màn tái hiện phong tục truyền thống "Pay Tái” (đi tết nhà ngoại) của người Tày.
Cơ sở du lịch JACK ECOLODGE xã Lâm Thượng sẵn sàng đón khách du lịch Ngày hội Pay Tái.
Ông Hoàng Ngọc Du – Phó chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: "Để đảm bảo thật tốt mọi điều kiện cho Ngày hội khâu chuẩn bị đã được Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Lâm Thượng chuẩn bị từ 3 tháng nay. Ngay khi kế hoạch của xã được duyệt, xã đã kiện toàn Ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cho từng công chức xã, các thôn, và gần đến Ngày hội là khâu chuẩn bị về sân khấu, phần thi của các đội, các tiết mục văn nghệ, trang trí khánh tiết, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn thực phẩm… Tất cả đều phải đảm bảo cho khoảng 10.000 người dân và du khách tham gia ngày hội được vui vẻ, an toàn”.
"Pay Tái” nghĩa là đi tết nhà ngoại, một phong tục đẹp của dân tộc Tày ở Lục Yên nói chung, xã Lâm Thượng nói riêng. Cứ mỗi dịp rằm tháng 7, người Tày lại nô nức "Pay Tái” để thể hiện tấm lòng hiếu kính của con rể đối với cha mẹ vợ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục để mình có được người vợ hiền hôm nay.
Ngày hội "Pay Tái” sẽ chính thức diễn ra vào ngày 27/8 (tức 12/7 Quý Mão). Mọi khâu chuẩn bị cơ bản đã xong, xã Lâm Thượng đã sẵn sàng chào đón du khách.
Đức Toàn - Khắc Điệp - Mai Huyên (Lục Yên)