Cơ sở dịch vụ lưu trú homestay Zoni Home trên địa bàn xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Có một điều rất thuận tiện là bà chủ cơ sở - chị Bùi Thị Minh Nghĩa rất thông thạo ngoại ngữ nên chị dễ dàng giao lưu, kết nối, quảng bá vẻ đẹp quê hương đến với du khách.
Chị Nghĩa chia sẻ: "Nắm bắt được nhu cầu của du khách thích hoạt động trải nghiệm, khám phá những "đặc sản” từ chính thiên nhiên và con người của mảnh đất Trạm Tấu nên ngoài dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, homestay đã quan tâm đến tổ chức các hoạt động để du khách có những trải nghiệm khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa qua việc đến thăm các hộ gia đình có nghề truyền thống, cùng trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con vùng cao. Chúng tôi cũng tổ chức cho du khách trải nghiệm đạp xe thăm bản làng, tham gia những tour leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, đỉnh Tà Xùa, ngắm thác, tắm lá thuốc, picnic trên Đồi thông Eo Gió, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại…”.
Chị Nguyễn Phương Thúy - du khách đến từ Nam Định hào hứng: "Đến với Trạm Tấu lần này, thật thú vị khi tôi được đạp xe khám phá bản làng, hít thở bầu không khí trong lành, tìm hiểu về văn hóa bản địa và cuộc sống của bà con, cùng trải nghiệm nướng cá, nấu xôi, mặc trang phục dân tộc của bà con…, người dân rất thân thiện, mến khách. Tôi vô cùng ấn tượng”.
Nhanh nhạy và thành công trong việc phát huy văn hóa bản địa và tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu để thu hút khách du lịch. Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Sử dụng chất liệu từ các giá trị văn hóa bản địa một cách sáng tạo đã được phát huy trong hoạt động du lịch ở huyện. Trên cơ sở đó, huyện đã hình thành được khá nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với đời sống của đồng bào như: du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng; khu vực Đồi thông Eo Gió , thị trấn Trạm Tấu, chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ; thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì; du lịch cộng đồng xã Hát Lừu; du lịch mạo hiểm săn mây; du lịch nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ hội Lồng Tồng của người Thái, xã Hát Lừu, Lễ hội Cầu Mùa dân tộc Khơ Mú, xã Túc Đán. Năm 2024, số lượt du khách đến huyện 152.500 lượt, trong đó khách quốc tế có 37.440 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 120 tỷ đồng”.
Huyện Yên Bình cũng là một trong những địa phương có cảnh quan thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Hơn nữa, lại có đa số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao và Cao Lan sinh sống nên nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ đã tạo sức hút diệu kỳ đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó, địa phương luôn xác định các giá trị văn hóa bản địa chính là "dư địa” trong việc tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Cùng với đó, Yên Bình còn có hồ Thác Bà nổi tiếng đẹp được ví như "vịnh Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc có khí hậu mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông rất thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trải nghiệm.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Xác định yếu tố văn hóa bản địa chính là "thỏi nam châm” hút khách du lịch đến suốt bốn mùa nên thời gian qua, huyện đã quan tâm, ban hành nhiều đề án phát triển du lịch gắn với việc khai thác giá trị tự nhiên và giá trị độc đáo từ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc để hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Cùng với đó, huyện tăng cường hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch, marketing du lịch; kỹ năng lễ tân, buồng bàn, phục vụ du lịch cộng đồng; bồi dưỡng, tập huấn ngoại ngữ giao tiếp và nghệ thuật chế biến món ăn để người dân bản địa trực tiếp làm du lịch để thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá”.
Đón bắt xu hướng và tư duy khách du lịch, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và từ thế mạnh sẵn có về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường để tập trung phát triển du lịch trải nghiệm với nhiều nội dung đa dạng, hấp dẫn. Theo đó, các địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích các hộ dân cùng tham gia mô hình du lịch trải nghiệm, thiết kế các sản phẩm du lịch khác như du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh.. ngày càng "hút” du khách đến với Yên Bái - điểm đến "an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng".
Năm 2024, toàn ngành du lịch Yên Bái ước đón phục vụ hơn 2.272.000 lượt khách du lịch (tăng 8,8% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế ước đạt 288.800 lượt (tăng 91,2 % so với cùng kỳ năm 2023). Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1.922 tỷ đồng (tăng 11,7% so với cùng kỳ). Những con số này cho thấy tín hiệu vui từ các sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch trải nghiệm mà tỉnh Yên Bái đang nỗ lực quảng bá tới khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch trải nghiệm phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp đến mỗi người dân tham gia làm du lịch, tập trung phát triển và làm mới sản phẩm du lịch trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch canh nông. Đây cũng là những sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế có triển vọng phát triển của Yên Bái, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Thanh Chi