Mùa cá linh

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/10/2009 | 12:00:00 AM

Cứ vào tháng 6 âm lịch là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào mùa cá Linh. Đây là loại cá giàu dinh dưỡng, ngon, mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây.

Mùa này ở các chợ Hồng Ngự, Tam Nông, Mỹ An (Đồng Tháp), Tân Châu, Châu Đốc (An Giang)… cá linh non nhảy xoi xói, giá 50.000 đồng - 60.000 đồng/kg. Cá linh là sản vật độc đáo của mùa nước nổi miền Tây ban tặng cho cư dân đồng bằng. Mùa cá linh bắt đầu từ tháng sáu âm lịch, khi các sông rạch ở ĐBSCL đã đỏ ngầu màu nước phù sa.

Ông Chín Nét (Trần Văn Nét), người có thâm niên hơn 30 năm theo nghề hàng đáy, đặt nò bắt cá linh mỗi mùa nước nổi ở xã Phú Lộc, huyện Tân Châu, nói tháng sáu, tháng bảy âm lịch con cá linh mới lớn bằng đầu đũa ăn cơm theo dòng nước phù sa từ Biển Hồ Campuchia trôi về sông Tiền, sông Hậu, tỏa vào các kinh rạch. Lúc này, cá linh chỉ cần rửa sạch, không bỏ ruột, làm món nhúng dấm, chiên giòn, kho lạt với lá gừng, lá nghệ ăn kèm với rau đồng thì không món gì sánh bằng. Khi nước bắt đầu tràn ngập các cánh đồng mênh mông của miền Tây, đàn cá linh nhởn nhơ trên ruộng, lớn lên hằng ngày, giúp cư dân nghèo khó vùng nước nổi có đồng ra đồng vô đong gạo.

Sản phẩm cá linh kho mía, cá linh sốt cà tham dự một hội thi ẩm thực

Đến cuối mùa nước nổi, khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, lúc gió chướng lao xao thổi hơi se lạnh mỗi sáng, bông so đũa nở trắng trong các chân vườn, nhà nông lục tục dọn đất chuẩn bị mùa sạ lúa đông xuân, thì đàn cá linh đã lớn gần bằng ngón chân cái, lội xanh nước lũ lượt kéo nhau rời đồng ruộng để trở lại dòng Mê Kông, hành trình ngược về Campuchia chờ mùa sinh sản năm sau. Lúc này con cá linh xương đã cứng, nhưng bù lại bụng đầy mỡ trắng, béo không thể tả, nấu canh chua bông so đũa, kho nước dừa, kho mía, nhúng nước mắm chiên giòn, nướng là những món khoái khẩu của dân nhậu. Đây cũng lúc nông dân miệt An Giang, Đồng Tháp vô mùa bắt cá linh làm mắm, nước mắm.

Gọi là mùa cá linh, nhưng 5 năm gần đây con cá linh đặc sản của mùa nước nổi ngày càng ít. Có nhiều lý giải về việc sản vật cá linh ngày càng ít, nhưng theo các bậc kỳ lão vùng Tân Châu - Hồng Ngự thì có lẽ do đà khai thác quá mức của con người, nên đàn cá linh không kịp sinh sôi nảy nở. Cộng thêm việc các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông có nhiều tác động vào dòng sông, làm biến đổi môi trường sinh thái, khiến nguồn cá bị suy giảm trầm trọng.

Tuy hằng năm cá linh vẫn theo dòng nước phù sa tràn về châu thổ ĐBSCL, nhưng nhiều người đang lo ngại một ngày không xa cá linh sẽ trở thành của hiếm như cá hô, cá cóc.

(Theo TNO)

Các tin khác

YBĐT - Sau 3 - 4 tháng ấp ủ trong mây núi và gió ngàn, những mảnh ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) lần lượt chuyển sắc vàng. Những đợt sóng vàng cứ nối tiếp nhau, tạo nên "biển vàng" trên núi. Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở nên nhộn nhịp, óng ả trong mùa bội thu. Nhóm ảnh của YBĐT vào vụ thu hoạch lúa mùa 2009.

Bánh cho ngày cưới giờ đã được “đổi mới”, hiện đại hơn xưa, nào bánh gato, bánh ngọt, hay cả bánh quy... Nhưng bánh cốm vẫn luôn là món truyền thống không thể thiếu trong dịp cưới - hỏi của người Việt Nam.

So với những thành phố cảng Istanbul hay Izmir náo nhiệt và hiện đại, những vùng ở sâu hơn trong đất nước Thổ Nhĩ Kỳ còn muôn ngàn bí ẩn. Huyền hoặc đời sống tâm linh và rực rỡ những tấm thảm Ba Tư, nền văn hóa đất nước này mang lại cho du khách thật nhiều ngạc nhiên và lòng khâm phục người xưa.

Rắn mối thuộc họ bò sát, thân hình gần giống như con tắc kè hay con dông thường sống quanh trong vườn nhà, dưới các lùm cây, bụi rậm vùng quê. Thức ăn của chúng là những con côn trùng như muỗi, kiến, ong, ruồi… nhưng ngon nhất là những con rắn mối sống ở các hốc cây mục, rỗng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục