Mù cang chải: Những thang bậc diệu kỳ
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2011 | 2:44:50 PM
YBĐT - Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, những thửa ruộng vắt ngang sườn núi xếp chồng lên nhau như chiếc thang dài cao vút tận trời mây, mùa nào có vẻ đẹp riêng của mùa đó chính là hạnh phúc, ấm no và niềm tự hào của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải.
Mùa lúa chín trên cánh đồng La Pán Tẩn.
|
Đây cũng là những kiệt tác mang đậm sắc thái riêng của vùng cao với vẻ đẹp kỳ vĩ làm mê hồn du khách thập phương.
Tuy nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái gần 200 km và ở độ cao trên 2.000 mét so với mặt biển nhưng Mù Cang Chải có khí hậu ôn đới, phù hợp cho việc phát triển cây lúa nước nên tất cả những đồi núi có nguồn nước thuận lợi đều được đồng bào Mông khai hoang làm ruộng bậc thang để cấy lúa, lấy gạo phục vụ cho cuộc sống.
Ruộng bậc thang gắn liền với cuộc sống của đồng bào Mông nên ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải xuất hiện cùng thời điểm khi người Mông đặt chân lên mảnh đất này.
Trải qua nhiều đời người nhưng ruộng bậc thang vẫn còn đó và càng về sau cây lúa được cấy trên những thửa ruộng này càng tốt tươi và cho năng suất cao hơn, giúp đồng bào nơi đây có cuộc sống ấm no. Là một huyện có người Mông sinh sống chiếm trên 90%, thế hệ sau phát huy hiệu quả của thế hệ trước và tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích, đến nay toàn huyện đã có tới 2.400 ha ruộng bậc thang, tạo nên bức tranh vùng cao tuyệt đẹp.
Đến với Mù Cang Chải không ai có thể bỏ qua giây phút được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang, mỗi một thời điểm có một vẻ đẹp khác nhau, đẹp nhất là vào những ngày trong tháng 9, tháng 10 khi lúa đang chín rộ.
Những thửa ruộng bậc thang hiện ra trước mắt với một màu vàng của lúa trải dài trên các triền núi, lớp nọ gối lớp kia tưởng chừng như bất tận. Ruộng bậc thang ở 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Zế Xu Phình là những điểm nhấn hấp dẫn nhất về cảnh đẹp của ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải.
Khách du lịch say mê trước cảnh đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Đứng từ trên cao của bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn nhìn xuống hay đứng trên bản Ma Lừ Thàng, xã Dế Su Phình nhìn sang sẽ thấy những “mâm xôi vàng” hiện lên giữa rừng núi xanh ngắt, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như chiếc thang vàng mời gọi du khách. Đó chính là sự kỳ diệu của ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Lần đầu tiên ngắm nhìn sự tinh túy ấy, chắc chắn sẽ không ai kiềm chế được cảm giác vui sướng vì vẻ đẹp đang hiện hữu ngay trước mắt mình. Chính nơi đây đã dạy cho tôi bài học yêu quê hương, yêu cuộc sống, yêu bàn tay lao động của con người và có thêm kiến thức về sự sáng tạo của người dân quê mình.
Dưới bàn tay lao động cần cù của đồng bào dân tộc Mông, trải qua hàng chục năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ ẩn chứa giá trị lịch sử, văn hoá mà còn phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của một tộc người đã biến vùng cao Mù Cang Chải thành nơi tràn căng sức sống.
550 ha ruộng bậc thang thuộc cụm ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình này chính là di tích, là di sản của người Mông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh lam thắng cảnh độc đáo vào bậc nhất của nước Việt Nam và được cấp Bằng xếp hạng danh thắng quốc gia vào ngày 18/10/2007.
Tự hào biết bao, khi quê hương mình được bao bọc bởi một vẻ đẹp kiêu sa đến thế. Tôi tin tưởng rằng những ai đã từng một lần đặt chân lên Mù Cang Chải cũng sẽ thấy nơi đây thật đáng yêu. Chính vì vậy mà trong những năm qua, lượng du khách đến thăm quan Mù Cang Chải đã tăng lên rõ rệt, kinh tế phát triển hơn, đặc sản của cánh đồng là những chiếc bánh dày được làm từ gạo nếp đã được du khách thập phương biết đến.
Thiên nhiên, đất trời đã ban tặng cho vùng cao Mù Cang Chải bức tranh đẹp hùng tráng để hôm nay những người nông dân - những chàng trai, cô gái dân tộc Mông căng tràn sức trẻ góp sức mình tô điểm cho quê hương, làm giàu thêm bức tranh thiên nhiên tươi đẹp bằng những mùa vàng tiếp nối, bội thu.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
Hồi 13 giờ (giờ địa phương), tức 18 giờ ngày 27-6 (giờ Việt Nam), kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO tại Paris (Pháp) đã bỏ phiếu thông qua việc công nhận Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là Di sản văn hóa thế giới.
Theo Cục Thống kê, trong tháng 6-2011, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 447.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2010.
YBĐT - Tại Hội thảo, các chuyên gia của SNV đã có một số chia sẻ về cách định vị thông điệp trong logo thương hiệu phù hợp nhất với đặc trưng của các tỉnh, đưa ra các gợi ý thiết kế logo cho từng địa phương.
Sự kết hợp của các đoàn nghệ thuật Việt Nam cùng các nghệ sĩ lễ hội đường phố hàng đầu Cuba sẽ làm nên một đêm Carnaval khác biệt nhất từ trước đến nay vào tối 13/6.