Khám phá thành đá ong "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2011 | 2:33:22 PM
Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ - công trình quân sự duy nhất được xây bằng đá ong ở Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít tòa thành, dưới thời Minh Mạng, còn lại đến ngày nay. Năm 1994, thành được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia.
Thành cổ Sơn Tây ngày nay.
|
Kiến trúc độc đáo
Thành nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km. Trong hồi ký của Charles Edouard Hocquard một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp đã tả lại thành Sơn Tây tháng 4/1884 như sau:
“ ...cách Sông Hồng khoảng 2 cây số. Thành có kiểu hình vuông, mỗi cạnh dài 500 m. Một bức tường bao quanh, xây gạch cao 5m. Một cái hào đầy nước rộng khoảng 20m bao quanh thành lũy, hết hào nước là một con đường để đi tuần tra, ngăn cách giữa hào nước với tường thành. Những người An Nam gọi đường đó là đường voi (tượng đạo, đường để voi đi). Ở giữa bề mặt của mỗi bức tường thành có một nửa tháp hình bán nguyệt đường kính 30 m, bố trí nhiều lỗ châu mai”. (Chiến dịch Bắc kỳ -Une Campagne au Tonkin).
Thành cổ Sơn Tây được xây theo kiến trúc Vauban, kiến trúc phòng thủ quân sự do một kỹ sư người Pháp thiết kế.Đặc biệt, đây là ngôi thành duy nhất Việt Nam được xây dựng từ đá ong, loại chất liệu có sẵn ở địa phương (từ "gạch" Charles Edouard Hocquard đề cập có thể do cách nói hoặc dịch).
Theo thư tịch cổ, thành trì này có chu vi 326 trượng 7 thước (1.306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (1.792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m).
Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông và lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành.
Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và Hậu, theo hướng Bắc Đông Bắc - Nam Tây Nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung. Cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây), thẳng tới bờ sông Hồng. Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ (phố Phùng Khắc Khoan). Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền (Hữu Lợi cũ), chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm (theo đường quốc lộ 32)…
|
Thành cổ Sơn Tây xưa. |
Chứng tích lịch sử quý giá
Người xưa thường rất coi trọng 4 vùng đất là phên dậu che chở cho Thăng Long đồng thời là bàn đạp để triều đình có thể vươn xa ra vùng biên giới. Sơn Tây là một trong Tứ trấn quan trọng đó, bên cạnh Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam và vì thế nó có vai trò vô cùng to lớn.
Khi cho xây dựng thành trì, các nhà quân sự thời đó đã khéo tận dụng những địa hình tự nhiên để đặt vị trí của thành. Cách 2km về phía Bắc thành trì là con sông cái. Phía Tây và tây nam là sông Tích, đó là những cái hào tự nhiên tốt nhất ngăn quân giặc từ xa khi chúng sang từ phương Bắc. Còn phía Nam và phía Đông địa hình lại rất thuận lợi cho việc tiếp ứng hoặc rút lui của quân phòng thủ.
Ngoài ra, những tướng giỏi cũng được cắt cử vế trấn giữ nơi này. Nhà Nguyễn từng đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đóng tại thành Sơn Tây để giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc và Việt Bắc gồm 5 phủ, 24 huyện mà ngày nay bao gồm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc cộng với huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, hầu như toàn bộ tỉnh Phú Thọ và hơn một nửa tỉnh Hà Tây cũ.
Trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, thành cũng là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn. Nơi đây được biết đến nhiều cùng với những nhân vật lãnh đạo như: Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc... trong hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp. Tới năm 1883, thành thất thủ vào tay quân Pháp…
Các tin khác
So với năm 2010, lượng khách quốc tế Việt Nam tăng 18,4%. Số khách đến trong tháng 8 ước tính 490.000 lượt.
YBĐT - Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu và công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, huyện Củ Chi 2 lần được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; khu căn cứ địa đạo Củ Chi được Bộ Văn hoá -Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.
Mỗi ngôi chợ mang đến cho du khách những cảm giác, trải nghiệm khác nhau. Có nơi buôn bán thâu đêm, có nơi được mệnh danh là "vựa kinh doanh vải vụn lớn nhất".
Chợ văn hóa Bắc Hà (Lào Cai) - một trong 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á theo bình chọn và giới thiệu của Tạp chí Du lịch danh tiếng Serendib của Sri Lanka.