Các nước tiểu vùng sông Mê Kông, điểm đến hấp dẫn du khách
- Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2011 | 8:23:30 AM
Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch 4 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) diễn ra tại TPHCM ngày 13-9, với sự tham dự của Bộ trưởng Du lịch 4 nước. Hơn 200 đại biểu, nhà đầu tư đã họp bàn, kêu gọi đầu tư để kết nối, phát triển du lịch tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông - CLMV trở thành một điểm đến chung, “4 quốc gia – 1 điểm đến”.
Vịnh Hạ Long - tài sản du lịch của Việt Nam.
|
Liên kết mở rộng thị trường
Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm 22% thị phần khách du lịch thế giới và với đà tăng trưởng này, khu vực này sẽ đạt 28% thị phần trong vài năm tới. Trong đó, ASEAN bật lên, trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách và theo dự báo, ASEAN sẽ đón khoảng 125 triệu du khách quốc tế vào năm 2020 .
Theo các chuyên gia du lịch, với xu hướng hiện nay, cứ 10 khách quốc tế đến Việt Nam thì có đến 3 khách muốn kết nối tuyến đến các nước trong khu vực. Và đây là dấu hiệu tích cực cho sự hợp tác phát triển du lịch CLMV đề ra. Nhờ vậy, tăng trưởng về lượng khách của 4 nước luôn cao hơn mức tăng bình quân của khu vực ASEAN và thế giới. Vượt lên trên ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, năm 2010, 4 nước đã đón gần 11 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 25% so với năm 2009. Trong đó, Việt Nam đón trên 5 triệu khách quốc tế, Campuchia: 2,5 triệu khách, Lào cũng có số lượng tương đương.
Rõ ràng, việc hợp tác liên vùng đang mở ra nhiều thuận lợi cho các thành viên. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Du lịch của Campuchia, Lào và Myanmar cho rằng, với những lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch đi trước các nước, Việt Nam sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tạo cầu nối, kết nối, trung chuyển đưa khách đến các nước. Đồng thời, các nước cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm phát triển hạ tầng, du lịch của Việt Nam.
Ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, cho biết, sự hợp tác này đã mang lại thành công rõ rệt cho du lịch Campuchia. Ngoài lượng khách nội địa tại Việt Nam sang Campuchia tăng mạnh hàng năm, Việt Nam cũng là điểm trung chuyển đưa khách quốc tế sang Campuchia. Trong 3 năm gần đây, khách từ Việt Nam sang đã vượt lên dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Campuchia với mức tăng trưởng rất cao. Trong khoảng 2,5 triệu khách quốc tế đến Campuchia năm 2010, khách Việt Nam đã chiếm 470.000 khách và dự kiến con số này sẽ tăng lên 550.000 khách trong năm nay.
Nhiều động trên vịnh Hạ Long có cảnh đẹp thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Tr.Ng. |
Đại diện Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) cho biết, xu hướng hiện nay, khách du lịch từ châu Mỹ, châu Âu, Úc đang chọn ASEAN làm điểm đến. Hiện nay, VNA đã có 12 đường bay từ Việt Nam đi Campuchia, Lào, Myanmar, với 106 chuyến/tuần và sẽ tăng lên trong thời gian tới. Một trong những vấn đề để du lịch 4 nước có thể phát triển, thu hút khách quốc tế đến nhiều hơn, được nhiều diễn giả đề cập chính là nên cấp và miễn phí thị thực nhập cảnh (visa). Hiện nay, giữa các nước thành viên đang có nhiều chính sách mở, bỏ phí visa cho khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ mới tạo thuận lợi cho công dân các nước thành viên, cần có cơ chế thoáng hơn cho khách du lịch quốc tế trung chuyển trong khối CLMV.
Ông Tint Hsan, Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar - thành viên mới nhất của chương trình hợp tác du lịch 4 nước, cho biết Myanmar đang trong quá trình mở cửa nền kinh tế, hiện đang cố gắng tạo mọi điều kiện trong cấp visa khách quốc tế đến tham quan.
Phát triển hạ tầng du lịch
* Chiều cùng ngày đã diễn ra Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch ĐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức. Tại hội thảo này, có 88 dự án, với tổng vốn kêu gọi đầu tư hơn 19.230 tỷ đồng của các tỉnh thành vùng ĐBSCL được giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có 18 dự án về hạ tầng giao thông, 55 dự án khu nghỉ dưỡng, sinh thái, điểm tham quan, 8 dự án hạ tầng giao thông… Năm 2010, ĐBSCL đón 9,2 triệu khách du lịch, trong đó có 1,2 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt 1.993 tỷ đồng.
Với cam kết của các bộ trưởng về hợp tác du lịch 4 nước, có thể khẳng định, CLMV đang trở thành một khu vực hấp dẫn, nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong đề án phát triển du lịch, Việt Nam có 39 điểm du lịch quốc gia, 10 địa phương chọn du lịch phát triển trọng tâm, cần 100 tỷ USD đầu tư vào du lịch trong thời gian tới. Lào có 1.493 điểm du lịch được quy hoạch nhưng có đến 1.028 điểm đang chờ đầu tư để phát triển hạ tầng và dịch vụ. Tiềm năng du lịch của 4 nước là rất lớn, nhưng hạ tầng, dịch vụ du lịch cần sự đầu tư rất nhiều, gần như còn là vùng trắng đối với một số nước như Myanmar, Lào.
Vấn đề quan trọng để kết nối phát triển du lịch đó là liên kết phát triển giao thông vùng. Hiện nay, tuyến đường bộ từ Việt Nam đi Campuchia tương đối tốt, tuyến đường kết nối Việt Nam - Lào - Đông Bắc Thái Lan đã hình thành và đang phát triển với loại hình du lịch caravan, chấp nhận xe tay lái nghịch lưu hành qua các nước. Đường hàng không cũng đã phát triển tốt. Trong tương lai xa hơn, với những dự án đường bộ kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (Trung Quốc - Myanmar - Lào - Việt Nam), tuyến đường sắt Việt Nam - Campuchia sẽ hình thành phát triển.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt để CLMV có thể thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế chính là lượng khách đến bằng đường hàng không và đường thủy. Năng lực hàng không tại các nước vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều đường bay trực tiếp với nước ngoài. Với quy mô đầu tư đội bay của VNA và sự có mặt ngày càng nhiều các đường bay quốc tế đến Việt Nam, Việt Nam hy vọng sẽ là điểm trung chuyển tốt lượng khách quốc tế đến khu vực. Còn về đường thủy theo dự báo, năm 2015, Việt Nam sẽ đón 1,3 triệu khách tàu biển, con số này sẽ nâng lên 1,8 triệu khách vào năm 2020. Các bộ, ngành đang trình các dự án đầu tư phát triển các bến tàu du lịch ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 127/2011/TT-BTC, quy định mức thu phí tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi.
Tháng 9, Tây Bắc bạt ngàn lúa và lúa, chỗ này còn xanh, chỗ kia đã chín vàng, chỗ khác đã kĩu kịt tay liềm, quang gánh. Tháng 9, khi những cơn gió se đầu tiên mang theo hương hoa bưởi vào phố, tôi lại nhớ những ngày lang thang và giây phút đứng trên đỉnh Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ cuối tháng Tám dương lịch hàng năm, cũng là lúc cá linh xuất hiện.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ VH,TT&DL sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ chủ trì phối hợp với các địa phương, ngành liên quan lập hồ sơ trình UNESCO hai di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An và đảo Cát Bà.