Đền thờ Trạng Lường ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2011 | 9:44:33 AM
YBĐT - Tại thôn Tân Thành, xã Yên Thái, huyện Văn Yên (Yên Bái) gần cây cầu sắt có tên cầu Trạng trên đường tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang (đoạn từ Yên Bái lên Văn Yên) có một ngôi miếu nhỏ nằm trên đồi. Người dân gọi ngôi miếu này là đền thờ Lương Thế Vinh (hay đền thờ Trạng Lường).
Ngôi miếu bằng tranh tre được dựng lên thờ Trạng Lường hiện nay tại thôn Tân Thành, xã Yên Thái (Văn Yên).
|
Nơi này không chỉ có cây cầu Trạng bắc qua ngòi Trạng mà theo người dân kể lại thì xưa kia nơi này còn có tên là làng Trạng. Theo cầu Trạng, xuôi về hạ lưu ngòi Trạng chừng vài trăm mét ta bắt gặp cửa ngòi đổ vào sông Hồng. Nghe nói ở điểm hợp lưu này xưa có ngôi đền tên là đền Trạng. Các bậc cao niên trong vùng nghe truyền lại, ngôi đền được xây dựng bề thế có đủ tượng, bài vị, sắc phong. Sang, thật tiếc là vào năm 1906, thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam (Trung Quốc), đền nằm vào trục đường sắt nên bị thu hẹp tới sát mép sông Hồng. Buồn hơn là vào năm 1951, do đền nằm cạnh tuyến đường sắt, tọa độ ném bom của Pháp nên bị đánh sập và mất hết tất cả các đồ thờ, sắc phong. Để tiếp tục việc thờ cúng Trạng, người dân trong khu vực đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tre, gỗ.
Nếu đúng đây là đền thờ Trạng Lường - Lương Thế Vinh thì ông là một danh sĩ dưới thời Lê Thánh Tông. Ông sinh năm 1441 ở Làng Cao Hương, huyện Thiên Bản nay là Vụ Bản tỉnh Nam Định. Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên năm Quí Mùi 1463.
Vốn là người giỏi về văn chương nhưng lại xuất chúng về toán học, đo đếm nên dân gian gọi ông là trạng Lường. Thích văn chương cũng như ngưỡng mộ tài đức của ông nên Vua Lê Thánh Tông cho ông ở bên để giúp việc. Tin tưởng, Vua giao cho Lương Thế Vinh chuyên giảng dạy kinh điển nho giáo cho hoàng tử. Ông còn phụ trách các văn thư từ, lệnh bang giao. Khi Lê Thánh Tông lập Tao đàn nhị thập bát tú, Lương Thế Vinh được giao nhiệm vụ Sái phu (quét dọn tao đàn hay nói cách khác là biên tập thơ văn).
Lương Thế Vinh là bậc kinh bang tế thế, ông để lại công trình nổi tiếng là “Đại thành toán pháp” chuyên về toán pháp đo lường. Ông còn để lại nhiều tác phẩm văn thơ, những bài bia ký, đình đối trong đó có bài bia ở chùa Diên Hựu (chùa một cột). Ông cũng là người có công lớn giúp vua Lê Thánh Tông xây dựng bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt. Lịch sử đã ghi nhận, trong số 46 vị trạng nguyên trong lịch sử khoa cử của chế độ phong kiến Việt Nam (từ 1075-1919), Lương Thế Vinh là một trong những trạng nguyên giỏi giang và danh tiếng bậc nhất.
Khi ông mất và sau này con trai ông tên là Hiếu cũng có công lớn với triều đình nên hai cha con vinh dự được triều đình xây dựng đền thờ tại quê nhà. Riêng ông đã được nhiều nơi trong nước lập đền thờ, do đó ở huyện Văn Yên từng có đền thờ Trạng Lường - Lương Thế Vinh cũng là điều dễ hiểu. Không những thế ông là người uyên thâm Nho giáo, trong khi giai đoạn đầu của triều hậu Lê Nho giáo vẫn cực thịnh, nên nhân dân ta lập đền thờ các danh sĩ Nho học là lẽ thường tình.
Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay những chứng tích về một ngôi đền xưa hầu như không còn gì ngoài các tư liệu truyền miệng cũng như các địa danh mang tính gợi ý. Hiện nay ngôi miếu nhỏ làm bằng tranh tre trên lưng chừng đồi, cạnh cầu Trạng gần sông Hồng được bài trí để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ tam phủ… cũng không cho nhiều thông tin liên quan đến ngôi đền thờ Lương Thế Vinh ngày xưa.
Đã đến lúc ngành chức năng cần có những đầu tư nghiên cứu khoa học để xác định chính xác xem thực tế nơi đây đã từng có ngôi đền thờ Trạng Lường - Lương Thế Vinh hay không? Hay khu vực này trước đây có hậu duệ của ông tới đây sinh sống? Hoặc ông đã công du qua nơi này để lại dấu ấn gì cho người dân nơi đây nên đã lập đền thờ?..
Thiết nghĩ, việc nghiên cứu này cần sớm được tiến hành, không nên để cỏ mọc hoang vu như hiện nay, cần có sự đầu tư, tôn tạo lại công trình thờ tự để tôn vinh xứng đáng Trạng Lường - Lương Thế Vinh - danh nhân đất nước nhằm giáo dục truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ và để Yên Bái có thêm một điểm du lịch mới hấp dẫn cho hôm nay và cả mai sau.
Đào Minh
Các tin khác
Từ ngày 26-9, ông Bernard Weber, Chủ tịch và là người sáng lập cuộc bầu chọn toàn cầu New 7 Wonders, cùng ông Jean Paul De la Fuente, giám đốc tổ chức này, đến thăm Việt Nam.
Đất trời chuyển mùa sau những cơn mưa. Lúc này, được ngồi bên một vỉa hè của phố quen, nhấm nháp món bánh rán mặn chấm nước mắm đu đủ giòn tan, chợt thấy ấm trong chiều giao mùa Hà Nội.
Mùa thu - đông ở Việt Nam bị chi phối bởi các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nên thường xuyên có mưa, nhất là ở các vùng biển và miền Trung (Đà Nẵng, Huế, Hội An). Vì thế, các nhà làm tour gợi ý khách du lịch nghĩ đến miền Bắc trong những chuyến nghỉ ngơi thư giãn của mình.
Du khách và người dân Thủ đô sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các di sản văn hóa Việt Nam tại Lễ hội Phố hoa Hà Nội 2012.