Đền Bà Áo Trắng

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/10/2012 | 2:17:00 PM

YBĐT - Qua cầu Yên Bái đến địa bàn thôn 3 xã Hợp Minh – thành phố Yên Bái, bên bờ sông Hồng, nơi ngã ba hợp lưu với Ngòi Lâu, đối diện với bến Âu Lâu - di tích lịch sử cấp Quốc gia, có ngôi đền Bà Áo Trắng thờ Mẫu Đệ Tam - Thoải Phủ linh thiêng cai quản miền sông nước, biển cả.

Đền Bà Áo Trắng còn quá đơn giản, chưa được đầu tư đúng tầm vóc.
Đền Bà Áo Trắng còn quá đơn giản, chưa được đầu tư đúng tầm vóc.

Theo giáo sư Trần Lâm Biền: “Thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ với các nữ thần đại diện cho thiên nhiên như Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa… Hòa vào dòng chảy văn hóa tâm linh tín ngưỡng tôn thờ nữ thần, các di tích văn hóa tín ngưỡng ở Yên Bái cũng đều thờ Mẫu đệ nhị Nhạc Phủ (Thượng Ngàn) ở đền Đông Cuông, (Văn Yên) hay tục thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ ở di tích Đền Bà Áo Trắng, xã Hợp Minh, (thành phố Yên Bái)”. Còn theo dân gian, Mẫu Thoải có mặt khắp nơi, là hóa thân của Thánh Mẫu trông coi miền sông nước - Thoải Phủ.

Tương Truyền, Mẫu Thoải Phủ là con gái út của Bắc Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình rẽ nước biển lên trần dạo chơi. Một ngày kia, vua cha cho đóng cửa biển, nàng công chúa thủy phủ này không còn đường về thủy cung nên đã ở trên trần đầu thai tu nhân tích đức.

Từ cô bé, dần trưởng thành xinh đẹp được phong là công chúa thủy phủ, rồi đức hạnh ngày càng cao siêu được mệnh danh là Mẫu Thủy Phủ mẹ của người dân miền sông nước. Mẹ có thể cứu con dân miền sông nước, vớt vong, đưa vong lên bờ không để họ chịu sự lạnh giá. Bà thường hiển linh, phù hộ cho những người đi biển khỏi sóng to gió lớn nên được nhân dân biết ơn và lập đền thờ ở khắp các cửa ngòi, cửa sông, cửa biển, dân gian gọi là mẹ nước. Cùng với mẹ đất (Mẫu Địa Phủ) cai quản đất đai, mẹ rừng (Mẫu Thượng Ngàn) cai quản rừng núi, mẹ trời (Mẫu Thượng Thiên) cai quản trời còn có mẹ nước, còn gọi là Mẫu Thoải Phủ cai quản miền sông nước, biển cả.

Vì đức độ thương yêu con dân nên bà được tôn phong là Đệ tam Thánh Mẫu trong đức thờ Tam tòa thánh mẫu. Mẹ có trong nguồn nước chúng ta uống và sinh trưởng. Cây cối tươi tốt, con người khỏe mạnh, nhờ nguồn nước mẹ ban. Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người khi qua các vùng sông nước nên mỗi khi bước xuống đò, qua khúc sông rộng, người ta thường lẩm nhẩm cầu khấn, xin Mẫu phù hộ độ trì. Mỗi khi có hạn, Mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn khi bão lụt, Mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu canh chừng nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái.

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân lập nên nơi cửa sông cửa biển. Ngoài đền Bà áo Trắng ở Yên Bái thì nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kỳ Cùng.

 

Tượng Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ ở hậu cung.

Di tích đền Bà áo Trắng còn gắn liền với những sự kiện lịch sử cách mạng (1945 – 1954). Đền có nhiều dấu ấn và đóng góp quan trọng, là nơi hoạt động của du kích địa phương, nơi Bộ Tư lệnh Liên khu 10 tổ chức lớp học quân chính, năm 1948, nơi kết nạp những cán bộ ưu tú người địa phương cho Đảng xem xét kết nạp, là trạm dưỡng thương, nơi tập kết cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn như Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951), Tây Bắc (1952) và Điện Biên Phủ (1954).

Được biết đây là ngôi đền do dòng họ Hà, họ Nguyễn, họ Lý từ Thanh Hóa, Phú Thọ lên khai phá, lập làng, lập ấp tại xã Lũ Điền xưa kia (nay là xã Hợp Minh) lập nên từ thế kỷ XVII – XVIII.  Cùng với khai phá, xây dựng vùng đất này, các dòng họ Hà, Nguyễn, Lý xây dựng hệ thống cơ sở tín ngưỡng thờ tự như đình làng Bình Phượng và đền Lũ Điền (đền Bà Áo Trắng ngày nay).

Lúc đầu khởi dựng đền được dựng bằng tre, gỗ thô sơ bên hữu ngạn sông Hồng và rước chân nhang từ đền Hùng về thờ phụng. Qua thời gian, đền  hư hỏng và xuống cấp, đến năm 1936 cụ Hà Đình Đoán là lý trưởng lúc bấy giờ và cụ Trần Trung Giảng là chủ xưởng gạch gần đó (nay là xưởng gạch Hợp Minh) đứng ra huy động nhân dân công đức trùng tu, xây dựng lại đền với quy mô như ngày nay.

Năm 1945, lũ lụt đã làm hư hại một phần gian đại bái và cuốn trôi nhiều đồ thờ tự, trong đó có các đạo sắc phong của đền. Năm 1972, để đáp ứng nhu cầu thờ phụng của nhân dân và du khách thập phương. Đền được nhân dân trùng tu và phục dựng lại 3 gian đại bái, với cột gỗ, lợp cọ. Năm 2007, nhân dân địa phương và du khách thập phương đứng ra góp công xây dựng nhà đại bái với 3 gian, tường xây gạch, mái lợp ngói. Hàng năm, tại đền thường diễn ra các lễ hội vào ngày 10/1 (âm lịch) lễ chay, ngày 25/2 – 27/2 (âm lịch) chính lễ, ngày 25/8 (âm lịch) lễ chay. Chính lễ diễn ra từ ngày 25 - 27 /2 âm lịch, có khi kéo dài hết ngày 28/2 âm lịch.

Đền Bà Áo Trắng nhìn về hướng đông đền còn có tên gọi khác là đền Lũ Điền, đó là cách gọi nôm, lấy theo tên vùng đất là xã Lũ Điền, thuộc tổng Giới Phiên, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa xưa. Hậu cung còn bảo lưu được phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Di tích còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc: lá lật, trúc hóa long đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.

Hiện nay tại di tích đền Bà Áo Trắng còn lưu giữ một số cổ vật, di vật như: lư hương cổ cỡ nhỏ và rương đượng sắc phong được sơn son, thiếp vàng mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn. Trong lúc đào móng xây dựng miếu cậu, nhân dân đã phát hiện 0,5kg tiền cổ có hình tròn, lỗ vuông. Qua phân loại sơ bộ đây là tiền cổ Việt Nam, với niên đại từ thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XVIII.

Hiện nay đền Bà Áo Trắng vẫn chưa được đầu tư, tôn tạo xứng với tầm vóc lịch sử của mình. Ngày 10/10/2012, tức ngày 25/8 âm lịch sắp tới, đền Bà áo Trắng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là dịp người dân và du khách thập phương thể hiện tấm lòng với Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, công đức góp sức để trùng tu tôn tạo di tích xứng tầm với lịch sử.

Đào Minh

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết từ ngày 9 đến ngày 13/10, Hội nghị thường niên lần thứ 11 Hội đồng xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) chủ đề “Du lịch - Nguồn sức mạnh để phát triển bền vững”, sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của 8 thành phố lớn châu Á.

Quy hoạch phát triển TP Đà Lạt phải phù hợp với việc bảo tồn di sản cảnh quan thiên nhiên, nét độc đáo của Đà Lạt xưa.

Ngôi nhà sàn của gia đình được chị Phượng cải tạo để đón khách du lịch.

YBĐT - Những năm gần đây, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc nhất là dân tộc Thái.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục