Ngày hội của non sông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/4/2013 | 8:53:05 AM

YBĐT - Xa xưa, lễ hội Đền Hùng được tổ chức với tính chất dân gian do dân làng Hy Cương, Chu Hóa đảm nhận. Thời Vua Lê Thánh Tông nhà nước phong kiến đã có những quy định khá cụ thể về Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, đặc biệt là triều Nguyễn vào năm 1917 có quy định hội chính và hội lẻ.

5 năm tổ chức hội chính vào năm chẵn, chủ tế là quan tuần phủ Phú thọ, bồi tế là quan huyện Sơn Vi (Lâm Thao), lý trưởng làng Hy Cương. Sau khi đất nước giành được độc lập, Giỗ Tổ Hùng Vương được duy trì song vẫn giới hạn phạm vi tổ chức ở địa phương. Những năm gần đây, Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng được tổ chức đúng với tầm vóc quốc lễ trang trọng và thành kính với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong một không gian trải rộng từ Đền Hùng đến Việt Trì và các huyện lân cận như Lâm Thao, Phù Ninh. 

Năm 2000 đã có 3 triệu lượt người về dự, 2005 con số này tăng lên 5 triệu lượt. Năm 2010 là 6 triệu lượt. Không chỉ kết tinh nét đẹp hội làng trong hội nước mà công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng được nâng lên một bước là hội tụ được những nét tiêu biểu văn hóa các vùng trong cả nước, kết hợp một cách hài hòa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại tạo nên bức tranh lễ hội đa mầu sắc, trong đó có những điểm nhấn để khẳng định đây là bản sắc của một lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội truyền thống Việt Nam.

 Năm 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng tuy là năm lẻ do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của 8 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu theo Đề án đóng góp các nguồn lực tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song đây là kỳ Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt gắn với việc tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên quy mô tổ chức lớn, thời gian kéo dài trong 7 ngày từ mồng 4/3 đến mồng 10/3 Âm lịch.

Ý nghĩa lớn nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là có giá trị nổi bật toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc thể hiện lòng tôn kính tổ tiên theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và trong việc thúc đẩy giá trị đó. Và khi di sản đã được UNESCO công nhận nó sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đồng thời khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hoá độc đáo, trường tồn cùng dân tộc.

Trong những ngày tổ chức Lễ hội Đền Hùng, có lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức trọng thể tại Đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào sáng mồng 10/3 Âm lịch. Phần hội sẽ có nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Diễn trường hoạt động hội trải dài từ thành phố Việt Trì đến Trung tâm lễ hội Đền Hùng và các huyện lân cận như: Phù Ninh, Lâm Thao.

 Đặc biệt năm nay lần đầu tiên các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh Hùng Vương không chỉ ở Phú Thọ mà ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng vào 7h00 ngày 10/3 Âm lịch.

Trong phần hội, ngoài hoạt động rước kiệu truyền thống các xã vùng ven di tích, còn có diễn xướng dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ, hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh dày, triển lãm ảnh với chủ đề : “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng”. Nhiều hoạt động thể thao: Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2013, Giải quần vợt Hữu Nghị Hùng Vương, thi bơi chải trên sông Lô, thi đấu cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, thi bóng chuyền nam của tỉnh Phú Thọ… được diễn ra.

Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với nghi lễ trang trọng, thành kính theo truyền thống dân tộc, bảo tồn gìn giữ có chọn lọc những phong tục đẹp của dân tộc, gắn kết các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống, các trò diễn đặc sắc của hội làng xung quanh Đền Hùng với các hoạt động văn hóa mang bản sắc của các vùng miền, quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, quê hương và con người Đất Tổ nói riêng… đã và đang đi vào chiều sâu trong ý thức của những người tổ chức lễ hội, trong tâm niệm của người dân Phú Thọ.

Trong sâu thẳm tâm khảm của người dân đất Việt, được về dự ngày Giỗ Tổ con người cảm thấy lòng mình thanh thản, thực hiện được chữ hiếu với tổ tiên. Hành hương về Đền Hùng  là hành hương về cội nguồn dân tộc. Đền Hùng từ xa xưa, hiện tại và tương lai không chỉ là di tích lịch sử văn hoá mà chính là biểu tượng thiêng liêng cho thời lập nước mở nghiệp sơn hà của tổ tiên, là điểm tựa văn hoá tâm linh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

T.V.Q

Các tin khác

YBĐT - Chiến khu 10 được thành lập theo chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ năm 1946, xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Sau hơn 6 thập kỷ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện di tích này không còn vẹn nguyên như xưa.

Các đội dự thi gói bánh chưng.

Ngày 17/4, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy dâng lên các Vua Hùng.

Một cảnh rước Vua Hùng tại lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên năm 2012.
 (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Tổ chức lễ Giổ Tổ Vua Hùng tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên được tổ chức quy mô lớn hơn mọi năm với các nghi thức dâng hương, dâng lễ vật diễn ra tại Đền thờ Vua Hùng.

Đảo núi lửa Aogashima, Nhật Bản

Nếu nhìn từ xa, bạn sẽ tưởng rằng Aogashima chỉ là một hoang đảo. Nhưng thực chất nơi đây lại có một ngôi làng tràn trề sức sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục