Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Hé mở cơ hội phát triển kinh tế du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/5/2013 | 2:28:57 PM

YBĐT - Là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống nên Yên Bái sở hữu một kho tàng đa dạng vốn văn hóa dân gian của nhiều tộc người. Nhưng nhiều năm trước, hầu hết các loại hình văn hoá dân gian các dân tộc ở Yên Bái đều có dấu hiệu mai một.

Hàng ngàn người dân và  du khách tham dự lễ hội đền đông Cuông, huyện Văn Yên.
Hàng ngàn người dân và du khách tham dự lễ hội đền đông Cuông, huyện Văn Yên.

Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành như một đòn bẩy vững chắc để Yên Bái trở thành điểm sáng về bảo tồn văn hóa dân gian các tộc người.

Nhìn lại lộ trình 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), riêng ở lĩnh vực bảo tồn văn hóa dân gian, thật khó có thể liệt kê được những việc mà Yên Bái đã làm. Có thể nói một cách khái quát rằng Yên Bái đã làm rất tốt việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục của các tộc người đang cư trú tại tỉnh.

Ngoài ra, Yên Bái đã đi sâu vào bảo tồn các nghi lễ truyền thống các tộc người. Điển hình như ở tộc người Mông đã tập trung bảo tồn được nghi lễ cưới hỏi theo nghi thức truyền thống; nghi lễ Cúng rừng, cúng đá thiêng; phục dựng bảo tồn lễ hội Gầu tào; bảo tồn các làng nghề truyền thống.

Ở tộc người Dao đã bảo tồn nghi lễ Cấp sắc, lễ cưới, lễ cúng ra mùa, tết cơm mới. Người Tày, Nùng bảo tồn được các nghi lễ như nghi lễ làm Then, làm Pụt, nghi lễ Khảm hải, lễ hội Tăm khảu mảu (giã cốm); lễ hội xuống đồng, nghi lễ Cầu đình. Người Thái thì bảo tồn lễ hội Xên bản, xên mường, lễ mừng nhà mới, lễ hội cầu mưa, hội Lồng tồng “xuống đồng”, hội Hạn khuống…

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể sau khi được khôi phục, bảo tồn đều được duy trì tốt trong đời sống thường nhật. Qua đó, đặc thù văn hóa của từng vùng tiếp tục được hiện hữu với những nét riêng độc đáo và sinh động như vùng văn hóa dọc lưu vực sông Chảy; vùng văn hóa dọc lưu vực sông Hồng; vùng văn hóa Mường Lò; vùng văn hóa của người Mông với đặc thù canh tác ruộng bậc thang.

 

Hội chọi trâu ở thị xã Nghĩa Lộ.

Điểm đáng mừng hơn cả là những nỗ lực trong bảo tồn văn hóa dân gian không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn được các giá trị văn hóa mỗi tộc người phải trải qua hàng nghìn năm mới tạo nên mà nó còn hé mở những cơ hội phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch. Chẳng hạn, ở vùng người Mông, với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đang trở thành điểm đến của rất đông khách du lịch trong những mùa cấy và mùa thu hoạch. Nhờ có khách du lịch mà nhiều hộ dân ở vùng này có thêm thu nhập từ nghề rèn thủ công, nghề đan ghế mây, lù cở, nghề làm khèn, sáo Mông, nghề nuôi ong mật, nghề nấu rượu thóc.

Vùng Mường Lò nổi tiếng với ẩm thực Thái, Mường, các mặt hàng thổ cẩm, nông lâm sản của nhiều dân tộc. Đồng thời, ở đây cũng đang tạo được những bước đi ban đầu trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Điển hình như ở xã Nghĩa An đã có những gia đình người dân tộc mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ vào dịch vụ ăn nghỉ tại nhà sàn mang đặc trưng văn hóa Thái. Nhiều nghệ nhân, thanh niên dân tộc Thái có việc làm từ biểu diễn văn nghệ truyền thống, chế biến món ăn mỗi khi tiếp đón các đoàn khách thăm quan.

Ở xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) có làng văn hóa Ngòi Tu của người Dao đã được một số đối tác nước ngoài đến đây hợp tác phát triển du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay. Đồng thời, Vũ Linh đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho du khách trong, ngoài nước theo tuyến: Hà Nội-Hoà Bình-Phú Thọ-Yên Bái-Tuyên Quang-Bắc Kạn và tuyến Hà Nội-Phú Thọ-Yên Bái-Lào Cai.

Ngoài các điểm du lịch cộng đồng thì du lịch tâm linh với các địa chỉ như đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên; lễ hội đền Đại Cại kết hợp với Hội chọi trâu ở Lục Yên… mỗi mùa lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách mang lại cho nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

Điều quan trọng là từ những thành công ban đầu ấy đã cổ vũ động viên tinh thần cho toàn dân, các ngành chức năng tích cực tập trung vào bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian ở Yên Bái, đồng thời kinh tế du lịch cũng được tỉnh chú ý xây dựng chiến lược để phát triển.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Từ trái qua phải: L.Nys, J.Berrnad, F.Timmermans bên hồ Hoàn Kiếm

Khởi hành từ ngày 30-9-2012, 3 sinh viên ngành kiến trúc người Bỉ bắt đầu chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe đạp. Theo kế hoạch, hành trình của họ sẽ kết thúc ngày 30-8 tới sau khi đã đi 17.000km, qua 26 quốc gia, trong đó khoảng thời gian ở Việt Nam kéo dài 1 tuần, từ ngày 26-4 đến 3-5.

Tại khu du lịch này có khá nhiều điểm tắm nước nóng cho du khách lựa chọn.

Nhắc đến Tuyên Quang, ta thường nhớ ngay đến đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, đến lán Nà Lừa… Song không mấy người biết đến suối khoáng Mỹ Lâm, một trong số ít những mỏ nước khoáng tốt nhất miền Bắc, Việt Nam.

Bãi biển Cửa Lò đang ngày càng phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch.

Tại tỉnh Nghệ An, lễ khai mạc du lịch Cửa Lò 2013 đã diễn ra với chương trình văn nghệ đặc sắc mang chủ đề: Cửa Lò biển gọi và màn pháo hoa rực rỡ sắc màu.

Trong dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay, khách du lịch trong nước đến Mỹ Sơn tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 1.5, ông Nguyễn Công Hường, Trưởng ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, trong những ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5, lượng khách tham quan trong nước đến khu di tích này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục