Vẻ đẹp huyền bí của bình nguyên có hơn 2000 ngôi đền
- Cập nhật: Thứ năm, 9/5/2013 | 8:24:11 AM
Bình nguyên Bagan ở miền trung đất nước Myanmar từng là một trung tâm Phật giáo phát triển cực thịnh. Ước đoán nơi đây từng có hơn 10.000 ngôi đền, chùa, tu viện Phật giáo, trở thành điểm hành hương linh thiêng của những tín đồ đạo Phật.
|
Kinh đô cổ xưa Bagan nằm trên bờ sông Ayeyarwady, ngày nay thuộc địa phận thành phố Mandalay của Myanmar. Từ thế kỷ 9 - 13, Bagan là kinh đô của vương quốc Pagan, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của đế chế Pagan.
Trong thời kỳ phát triển cực thịnh của vương quốc Pagan từ thế kỷ 11 - 13, tầng lớp thượng lưu đã cho xây dựng hàng ngàn đền thờ, miếu mạo trên bình nguyên Bagan. Ước đoán có tới hơn 10.000 ngôi đền, chùa, tu viện Phật giáo từng hiện diện trên bình nguyên có diện tích 100 km vuông này.
Ngày nay, bình nguyên Bagan nằm ở miền trung đất nước Myanmar. Nhiều ngôi đền, chùa đã sụp đổ, chỉ còn lại hơn 2.200 ngôi vẫn còn khá nguyên vẹn cho tới hôm nay.
Bagan từng là một trung tâm phát triển Phật giáo cực thịnh. Kể từ giữa thế kỷ thứ 9, dưới thời vua Anawratha - người đã có công thống nhất lãnh thổ Myanmar, nhà vua đã cho phát triển nhánh đạo Phật Theravada - một nhánh lâu đời, cổ xưa nhất còn tồn tại cho tới hôm nay.
Trong hơn 250 năm, các vị vua Pagan thực hiện chính sách phát triển Phật giáo, vì vậy, người dân Pagan rất sùng đạo Phật. Kinh đô Bagan trong thời điểm đó phát triển thịnh vượng, ngày càng mở rộng và trở thành trung tâm tôn giáo tín ngưỡng, là nơi tìm đến của những học sĩ Pagan và các nước lân cận.
Các nhà tu hành và học giả của các nước như Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia… đều tìm tới kinh đô Bagan để học tập về văn chương, ngôn ngữ, chiêm tinh, giả kim, dược học, luật học…
Thời đại hoàng kim của kinh đô Bagan chấm dứt vào năm 1287 khi vương quốc Pagan bị xâm lăng và cướp phá bởi đội quân Mông Cổ. Dân cư nơi đây bắt đầu ly tán và chỉ còn lại một nhóm nhỏ vẫn ở lại định cư.
Những công trình đền đài tôn giáo sau này vẫn tiếp tục mọc lên nhưng với số lượng khá ít ỏi, chỉ khoảng 200 đền đài được xây dựng trong thời kỳ từ thế kỷ 15 - 20. Tuy vậy, kinh đô cổ Bagan vẫn luôn là điểm hành hương của những tín đồ đạo Phật.
Cho tới hôm nay, nhiều công trình đền đài ở nơi đây đã không chịu nổi sự thử thách của thời gian, chỉ còn lại là những đống đổ nát. Vì số lượng đền đài quá lớn nên chỉ có khoảng vài chục công trình nổi bật được thường xuyên quan tâm chăm sóc.
Vào thập niên 1990, chính phủ Myanmar cố gắng khôi phục những công trình sụp đổ nhưng để có thể phục dựng trung thành theo thiết kế ban đầu trong khi sử dụng toàn chất liệu xây dựng hiện đại là một điều bất khả thi. Việc phục dựng này ngay lập tức đã gặp phải phản ứng từ phía các nhà nghiên cứu lịch sử và những nhà bảo tồn di sản trên thế giới.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Vào ngày 11/05 tới, Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 với chủ đề "Văn minh sông Hồng" sẽ chính thức được khai mạc.
Được xây dựng vào năm 1899, trải qua 114 năm và không ít thời điểm bị rơi vào quên lãng, nghĩa trang “Le cimetiere des chiens et Autres Animaux Domestiques” (tạm dịch: Nghĩa trang của chó và các loại động vật nuôi trong nhà) là một điểm đến thu hút 3.500 khách tham quan mỗi năm ở Pháp).
Tuần Văn hóa, Du lịch Lễ hội “Chợ tình” Khau Vai nhằm giới thiệu cho du khách cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Khách du lịch khi đến Ai Cập sẽ thoải mái hơn khi uống rượu và mặc bikini - đó là nhờ nước này cởi mở hơn theo tuyên bố mới đây nhằm cứu ngành du lịch.