Biển đảo là sản phẩm du lịch chủ đạo
- Cập nhật: Thứ hai, 10/6/2013 | 8:22:32 AM
Sáng 9-6 tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung” với sự tham dự của nhiều chuyên gia về du lịch trong, ngoài nước và đại diện chín tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận.
Một nhóm nữ du khách Nga nghỉ mát trước quảng trường 2-4, TP Nha Trang chiều 9-6.
|
Tiến sĩ Trần Du Lịch - đại biểu Quốc hội, trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển thuộc Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung - cho rằng thiên nhiên ban tặng duyên hải Nam Trung bộ biển đảo đẹp và độc đáo, thế nhưng việc khai thác du lịch chưa đáng kể so với tiềm năng.
Hầu hết địa phương đều có sản phẩm du lịch trùng lắp hoặc na ná nhau, gần nhau về thời gian và không gian nên không thu hút du khách. Mối liên kết vùng trong phát triển du lịch tại chín tỉnh còn mang tính hình thức, chưa tạo được sản phẩm du lịch vùng ấn tượng đối với khu vực và quốc tế...
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - thẳng thắn nói không ít địa phương tạo ra điểm đến nhưng không biết cách xây dựng sản phẩm độc đáo, không quan tâm marketing, quản lý điểm đến kém khiến du khách không muốn quay lại. Ông Mikhail Siminov, tổng giám đốc Công ty sản xuất - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Ánh Dương, nói thời gian qua du khách Nga rất thích đến miền Trung vì mê biển đảo nơi này, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề làm họ lo ngại như cướp giật, trộm cắp, chào bán tour dạo ngoài phố, chèo kéo...
Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Tổng cục Du lịch xác định du lịch biển đảo là dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch VN trong thời gian tới cùng với du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Các địa phương nên tập trung khai thác các bãi biển nổi tiếng, có tiềm năng và khả năng tạo ra các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao. Đồng thời khai thác mạnh mẽ du lịch tuyến đảo ven bờ để tạo sự trải nghiệm khác biệt, ấn tượng đối với du khách; gắn phát triển du lịch biển đảo với du lịch tàu biển. Khai thác du lịch biển đảo gắn với bảo vệ môi trường và bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới biển đảo quốc gia”. Trao đổi với Tuổi Trẻ về khả năng phát triển du lịch ở huyện đảo Trường Sa, ông Trần Du Lịch nói: “Tôi ủng hộ tư duy chiến lược của Tổng cục Du lịch là khai thác du lịch cả biển và đảo. Tùy theo từng vị trí, đặc điểm của từng vùng mà khai thác, tận dụng gắn với toàn bộ biển, đảo VN. Du lịch Trường Sa là điều cần nghĩ đến vì mục tiêu phát triển về kinh tế”.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN, các tỉnh duyên hải miền Trung cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo đặc trưng thành sản phẩm có thương hiệu quốc gia, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế. “Thứ tự ưu tiên phát triển du lịch trong vùng là du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội thảo, tổ chức sự kiện...). Cần hình thành các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trong khu vực để có sản phẩm mang tính liên kết vùng, hỗ trợ cho nhau, tránh trùng lắp” - ông Thiên đề xuất.
(Theo TTO)
Các tin khác
Cứ vào Chủ nhật đầu tiên trong tháng 6, người dân thành phố Kazanluk (Bulgaria) lại bận rộn để tổ chức lễ hội hoa hồng - “đặc sản” của vùng đất thiên đường hoa.
Trà chanh, chè khúc bạch, bún đậu mắm tôm hiện đang tạo cơn sốt trong giới trẻ Sài Thành trong mùa hè này.
Trong quá trình diễn ra lễ hội, nếu xảy ra tình trạng “chặt, chém”, du khách có thể gọi đường dây nóng.
YBĐT - Ngày 6/6, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam.