Bảo tàng “3 không” độc nhất vô nhị
- Cập nhật: Thứ tư, 7/8/2013 | 8:23:33 AM
Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận có thể được xem là độc nhất vô nhị vì không có lối vào cổng, không có bãi giữ xe và không trưng bày hiện vật. Hơn một năm nay, kể từ khi khánh thành, bảo tàng này rơi vào cảnh "vắng như chùa Bà Ðanh".
Bảo tàng Ninh Thuận không có lối đi vào, không có nơi giữ xe và không trưng bày hiện vật.
|
Bảo tàng Ninh Thuận được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 3-2012 tại khu đất trống đối diện quảng trường 16-4 (TP Phan Rang - Tháp Chàm), gồm bốn tầng, được xây dựng trên diện tích 32.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 40 tỉ đồng.
Ông Trần Hữu Long, phó giám đốc bảo tàng, cho biết khi bảo tàng mới đưa vào hoạt động, UBND tỉnh có ý bàn giao khu công viên bao quanh cho bảo tàng quản lý nhưng giám đốc cũ không dám tiếp nhận vì không đủ nhân viên và kinh phí chăm sóc. Sau đó, UBND tỉnh bàn giao việc quản lý công viên và hai hồ nước tiếp giáp bảo tàng cho UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm. UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm lại giao tiếp cho Công ty TNHH Thành Tài. Và từ đó, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận bị cô lập ở giữa, không có lối ra vào.
Mới đây, bà Lê Thị Tuyết Ánh - giám đốc Bảo tàng Ninh Thuận - đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh giao lại công viên và hồ nước cho bảo tàng quản lý, sử dụng. Bà Ánh cho biết: "Ðường đi riêng vào trụ sở bảo tàng không có, lâu nay cán bộ, nhân viên bảo tàng phải đi nhờ đường qua công viên đã được giao cho Công ty TNHH Thành Tài quản lý. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn trở ngại đến mối quan hệ giữa bảo tàng với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt là khi chở hiện vật mới được sưu tầm về bảo tàng hoặc chở hiện vật từ bảo tàng đi trưng bày lưu động".
Do đất xung quanh không thuộc quản lý của bảo tàng nên bảo tàng không có nơi giữ xe cho khách tham quan. Ông Long kể: "Tháng 6 vừa qua là ngày truyền thống bảo tàng nên chúng tôi phải trưng bày hiện vật cho khách tham quan. Do không có bãi để xe nên anh em trong bảo tàng hùn tiền lại thuê một phần diện tích công viên của Công ty TNHH Thành Tài làm nơi giữ xe và thu tiền vé theo quy định của Nhà nước. Do khách ít nên tiền vé giữ xe không bù lại được tiền thuê công viên, công đoàn phải hỗ trợ bù lỗ".
Về việc trưng bày hiện vật, ông Long cho biết sau khi làm lễ khánh thành, toàn bộ hiện vật đều được đem vào kho bảo quản (trên 30.000 hiện vật). Hiện nay phòng trưng bày ở tầng hầm trở thành kho chứa đồ, còn phòng trưng bày ở tầng trệt thì bỏ trống.
"Phải có khoảng 30 tỉ đồng để chúng tôi sắm các thiết bị mới có thể thực hiện việc trưng bày theo đúng chức năng nhiệm vụ của bảo tàng. Hiện tại nếu trưng bày hiện vật sẽ hư hỏng, bị mất trộm..." - ông Long phân trần.Về vấn đề này, theo ông Phan Quốc Anh - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận, trong thiết kế của bảo tàng có phần đầu tư trưng bày hiện vật, nhưng do nghị quyết giảm đầu tư công của Chính phủ nên hạng mục đó phải dừng và tiếp tục chờ đợi kết luận cuối cùng của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Trong khi chờ đợi kết luận từ các buổi làm việc của lãnh đạo các cấp, bảo tàng 40 tỉ đồng lại tiếp tục "sống qua ngày" với cảnh "ba không"...
(Theo TTO)
Các tin khác
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng để khôi phục nghề truyền thống gắn với du lịch ở Huế.
Để tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của quần thể di tích Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu, tỉnh Nam Định đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Phủ Dầy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngành du lịch Indonesia đã thu hút được lượng du khách hàng tháng cao nhất từ trước đến nay trong tháng 6/2013, chủ yếu nhờ sự gia tăng số du khách đến từ Trung Đông.
Theo quốc lộ 26 A từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, đến km 85 thuộc địa phận huyện M'Ðrắc (Ðác Lắc), du khách bắt gặp một tấm biển ghi: Thác Ðray K'nao. Ðây là khu danh thắng mang đậm vẻ đẹp hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên và là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách.