Đứt cáp viễn thông quốc tế AAG
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2015 | 7:37:10 AM
Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ bị ảnh hưởng trong những ngày tới do sự cố đứt cáp sáng 23/4.
Theo thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), sáng 23/4, tuyến cáp quang biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gặp sự cố.
Cụ thể, phân đoạn cáp SH1 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hong Kong (Trung Quốc) bị đứt, gây ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên tuyến cáp này. Trung tâm điều hành mạng đang phối hợp với các đài trạm xác định vị trí đứt cáp.
Do sự cố, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, email, thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng, do lưu lượng phải chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
FPT Telecom cho biết Công ty đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. Hãng khuyến cáo khách hàng chỉ nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (trực tiếp là Công ty Viễn thông Quốc tế -VNPT-I) cũng đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp để xác định được khu vực sự cố ngoài khơi Vũng Tàu. Sự cố này sẽ đòi hỏi phải sử dụng tàu cáp chuyên dùng của quốc tế để tiến hành khắc phục. Công ty VNPT-I đang tích cực làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG, các công ty tàu cáp quốc tế và với các thành viên của các hệ thống khác để ưu tiên cho việc sửa chữa tuyến AAG một cách sớm nhất.
Để đảm bảo chất lượng các dịch vụ, VNPT-I đã phối hợp cùng các bên liên quan nhanh chóng định tuyến liên lạc qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, cáp đất liền và thông tin vệ tinh, đồng thời bổ sung dung lượng qua các hệ thống này.
Đại diện của Viettel cũng cho biết đã có ngay phương án bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và 2 hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom. Cụ thể, trong ngày hôm nay, Viettel bổ sung thêm 60Gbps (30Gbps trước 12h trưa và tiếp tục bổ sung 30Gbps vào buổi chiều cùng ngày).
Dự tính thời gian sửa chữa đường cáp biển có thể kéo dài từ 3 tuần đến một tháng.
Lần gần đây nhất tuyến cáp quang AAG bị đứt là hôm 5/1 và mất hơn hai tuần để sửa chữa xong. AAG là một trong 4 tuyến cáp quang biển của Việt Nam hiện nay và là tuyến lớn nhất. Nguyên nhân đứt cáp khá đa dạng, như cá mập cắn, tàu bè qua lại.
AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Số tiền đầu tư xây dựng tuyến cáp là 500 triệu USD do 19 công ty sử dụng tuyến cáp đóng góp. Có 4 công ty Việt Nam cùng tham gia đầu tư vào dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp đã nhiều lần gặp sự cố. Trong đó, đứt cáp hay xảy ra nhất tại đoạn Hong Kong (Trung Quốc) đến Singapore. Các phân đoạn Hong Kong đi Philippines và Philippines đi Mỹ ổn định hơn. Trong năm 2014, tuyến cáp quang bị đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9. Kể từ năm 2011 đến nay, có ít nhất 7 lần tuyến cáp bị đứt, trong đó có nhiều lần ở phân đoạn Vũng Tàu đi Hong Kong. |
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Người sử dụng sẽ không còn thấy những nội dung mà bạn bè họ thích (like) hay bình luận (comment) trên News Feed nữa.
Đồng hồ Apple được thiết kế trên cơ sở mở rộng tính ưu việt của các dòng điện thoại iPhone với hệ điều hành iOS 8, màn hình cảm ứng 38mm…
Sáng nay (10/4), lễ khai mạc vòng loại Robocon Việt Nam 2015 khu vực phía Bắc đã diễn ra tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ngày 9/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo công bố giải thưởng công nghệ thông tin – truyền thông Đông Nam Á 2015 (Asean ICT Awards 2015 - AICTA).