Tránh bị sốc nhiệt
Hiện tượng sốc nhiệt thường xảy ra khi khoang cabin có nhiệt độ chênh lệch với các môi trường bên ngoài. Để tránh việc bị sốc nhiệt do bên trong xe quá nóng, khi khởi động xe, chủ sở hữu nên bật chế độ quạt thông gió, mở cửa kính để thổi bớt khí nóng ra ngoài khoang hành khách, đóng cửa kính rồi mới bật điều hòa.
Ngược lại, trong trường hợp muốn dừng xe hay tắt máy thì phải tắt điều hòa A/C trước, tắt quạt rồi hãy mở cửa và bước ra ngoài. Nhiều lái xe kinh nghiệm còn tăng nhiệt độ lên khi sắp tới điểm đến để cơ thể thích nghi dần trước khi bước ra bên ngoài có nền nhiệt độ cao, nhằm tránh tình trạng sốc nhiệt.
Ổn định tốc độ khi chạy xe
Khi điều khiển xe hơi dưới trời nắng, các tài xế đều có nguy cơ bị ánh sáng gay gắt chiếu vào mắt, gây lóa. Do đó, cần giữ vững tốc độ ổn định và khoảng cách an toàn khi điều khiển phương tiện. Đồng thời, người lái tuyệt đối không dừng, đỗ đột ngột vì lái xe phía sau có thể không kịp phản ứng bởi bị giảm tầm nhìn và khả năng lái do ánh sáng chói.
Thương xuyên kiểm tra lốp xe
Nếu sử dụng lốp xe quá cũ hoặc bơm quá căng, gặp nhiệt độ cao vào mùa hè sẽ tăng nguy cơ bị nổ bánh. Vì vậy, chủ sở hữu cần kiểm tra lốp xe thường xuyên, thay thế khi cần thiết, nhất là trước các chuyến đi đường trường trong ngày nắng gắt. Cùng với đó, chúng ta có thể trang bị thêm cảm biến áp suất lốp để dễ dàng theo dõi tình trạng bánh xe trong quá trình di chuyển.
Dùng các biện pháp tránh ánh nắng khi đỗ xe
Với cấu trúc vỏ kim loại, nếu đỗ ô tô dưới trời nắng trong thời gian dài, nhiệt độ bên trong khoang cabin sẽ tăng cao. Thậm chí, điều này còn làm giảm chất lượng của các bề mặt bên trong nội thất. Do đó, trong mùa nắng nóng, chủ sở hữu nên tìm nơi đỗ xe có mái che, bóng mát. Nếu điều kiện không cho phép, chúng ta có thể sử phủ bạt, hoặc ô kính lái để bảo vệ bề mặt táp lô khỏi ánh nắng.
Lưu ý, tài xế không để các vật dụng dễ gây cháy nổ khi gặp nhiệt độ cao như các loại bình xịt, bật lửa, chai nước, kính mắt, đồ điện gia dụng.
Vệ sinh kính lái sạch sẽ
Bụi bẩn và các mảnh li ti trên kính lái có thể làm phân tán ánh sáng mặt trời, khiến nguy cơ bị chói mắt cao hơn. Do đó, trước khi bắt đầu chuyến đi, người lái nên lau sạch, vệ sinh kính chắn gió cả bên trong lẫn bên ngoài, tránh để lại các vết mờ trên kính.
(Theo TPO)