Thị trường tăng trưởng nhờ ưu đãi và chính sách
Theo báo cáo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2023, doanh số toàn thị trường ô tô đạt 23.800 xe, tăng 15% so với tháng 5/2023. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022 thì giảm 5%.
Cụ thể, trong số 23.800 xe được bán ra trong tháng 6/2023, doanh số xe du lịch đạt 17.334 xe; 6.344 xe thương mại và 122 xe chuyên dụng,. So với tháng 5/2023, doanh số xe du lịch tăng 20%, xe thương mại tăng 4% và xe chuyên dụng giảm 17%.
Xét về nguồn gốc, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.488 xe, tăng 28% so với tháng trước; doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.312 xe, giảm 4% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu tính tổng doanh số 6 tháng đầu năm 2023 của toàn thị trường đạt 137.327 xe(giảm 32%) so với 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 37% (100.277 xe); xe thương mại giảm 11% (35.851 xe) và xe chuyên dụng giảm 65% (1.199 xe) so với năm 2022.
Cũng tính đến hết tháng 6/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 37% (77.584 xe) trong khi xe nhập khẩu giảm 25% (59.743 xe) so với cùng kì năm ngoái.
Theo giới kinh doanh, doanh số toàn thị trường ô tô trong tháng 6 khởi sắc là nhờ việc các hãng, đại lý liên tục áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá và ưu đãi cho khách hàng mua xe. Nhiều mẫu xe được giảm tới 50 - 100% phí trước bạ, cùng với đó là tặng phụ kiện hay giảm giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để kích cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tuấn Việt - chủ showroom ô tô Thăng Long (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: "Thị trường ô tô trong tháng 6/2023 có nhiều khởi sắc phần lớn là nhờ việc ưu đãi kích cầu tiêu dùng từ hãng và đại lý. Bên cạnh đó là nhờ thông tin Chính phủ giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước từ 1/7, nên nhiều người có nhu cầu mua xe đã ký hợp đồng và lấy xe ngay từ tháng 6 để vừa được hưởng "ưu đãi kép" - vừa được giảm giá lại giảm thêm phí trước bạ".
Anh Nguyễn Ngọc Anh - Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngay khi được nhân viên kinh doanh của một đại lý Honda thông báo là từ 1/7/2023 Chính phủ sẽ giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, anh đã đặt mua ngay chiếc CR-V để hưởng ưu đãi 100% phí trước bạ từ hãng; Đến sáng tháng 7 anh nhận xe và đi đăng ký thì sẽ hưởng thêm ưu đãi giảm thêm 50% phí trước bạ theo quy định, như vậy là tiết kiệm được một khoản kha khá khi mua xe rồi.
Có thể nói, việc giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước của Chính phủ là một chính sách khiến nhiều hãng kỳ vọng thúc đẩy doanh số của nhiều hãng xe sẽ khởi sắc trong 6 tháng bán hàng cuối năm.
Giảm phí trước bạ, khuyến mại nhiều nhưng khó khăn vẫn "bủa vây" thị trường ô tô
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt - chủ showroom ô tô Thăng Long (Mỹ Đình, Hà Nội), dù thị trường ô tô đã có những thay đổi tích cực từ việc giảm phí trước bạ của Chính phủ, ưu đãi từ hãng xe và đại lý; nhưng, để có thể bứt phá về doanh số thì vẫn chưa thực sự khả quan vì kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Chi tiêu cho các tài sản lớn như ô tô vẫn là điều mà nhiều gia đình vẫn phải cân nhắc rất kỹ.
"Bên cạnh yếu tố về kinh tế, tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch) khoảng thời gian trầm lắng nhất của thị trường ô tô hàng năm sắp tới cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến doanh số các hãng xe. Vì theo quan niệm của nhiều người Việt thì họ sẽ hạn chế mua sắm các tài sản có giá trị vào khoảng thời gian này. Nên dù có giảm giá, giảm phí hay ưu đãi thì việc tăng trưởng doanh số trong khoảng thời gian tháng 7 âm lịch là điều rất khó với ngành ô tô" - ông Việt cho biết.
Cũng theo khảo sát của PV VOV, hiện tại ở nhiều showroom ô tô lượng người ghé tìm hiểu và có nhu cầu mua xe là khá ít. Cả ngày cũng chỉ được vài lượt khách, mà chủ yếu là hỏi thông tin chứ chốt đặt cọc, ký hợp đồng không có.
Theo một nhân viên kinh doanh của đại lý Toyota tại Hà Nội, từ đầu năm tới nay doanh số của cá nhân anh cũng như toàn thể đại lý đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. So với tháng trước, chính sách khuyến mãi từ phía hãng cũng như đại lý trong tháng này đã được điều chỉnh lại theo hướng giảm, "bù lại” bằng phần ưu đãi trước bạ của nhà nước; đặc biệt là với mẫu xe ăn khách Toyota Vios.
Anh Nguyễn Duy Thiện - một nhân viên kinh doanh của đại lý Kia (Hà Nội) chia sẻ: "Từ đầu năm tới nay, nhà phân phối Thaco đã nhiều lần điều chỉnh giá bán lẻ của hầu hết mẫu xe Kia theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, lượng khách đến mua xe vẫn ngày một giảm. Cho tới nửa cuối tháng 6, tình hình được cải thiện đôi chút nhưng vẫn không đáng kể và khác xa so với cùng kỳ năm trước".
Cũng theo anh Thiện, tuy doanh số tháng 6 đã có khởi sắc nhưng nếu bước vào tháng 7 âm lịch thì dự báo sẽ lại sụt giảm vì nhiều người kiêng không mua xe trong khoảng thời gian này. Hy vọng, những tháng cuối năm doanh số sẽ có nhiều tăng trưởng.
Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên kinh doanh của đại lý Hyundai khu vực Hà Đông cho biết, trong thời kỳ "hoàng kim” những năm 2018 - 2019, thu nhập của anh thường xuyên vượt 20 triệu đồng. Thời đó, khách hàng muốn sở hữu xe thậm chí còn phải "tác động mềm” bằng cách mua thêm phụ kiện của đại lý để giành xuất mua sớm. Còn bây giờ thì xe sẵn, giá rẻ, khuyến mãi ngập tràn nhưng chẳng thấy khách đâu.
Từ sau khi dịch Covid-19 hoành hành, nền kinh tế kéo mọi thứ đi xuống; đến đầu năm nay sau khoảng 3 - 4 tháng "móm” không bán được một chiếc xe nào và mức thu nhập giảm xuống dưới 10 triệu đồng, anh đã buộc phải chủ động "dứt áo ra đi” tìm việc mới. Theo chia sẻ, đây là câu chuyện hiếm gặp mà là cảnh ngộ chung của "dân sale” mùa thấp điểm và đặc biệt phổ biến như trong năm nay.
(Theo VOV)