Cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ
- Cập nhật: Thứ ba, 2/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề rộng lớn, thuộc nhiều lĩnh vực: văn học nghệ thuật, kiến trúc, sản xuất nông lâm nghiệp, trong bài viết này chỉ đề cập đến SHTT liên quan tới các doanh nghiệp được quy định trong Luật SHTT đó là quyền sở hữu công nghiệp (SHCN).
Công nhân Công ty Cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đang tạo hình sản phẩm. (Ảnh: Quang Thiều)
|
*Để thống nhất trong nhận thức, xin giới thiệu những từ ngữ (định nghĩa) liên quan tới SHCN:
- Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau.
- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với nhãn hiệu của tổ chức cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
- Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
- Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
- Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…
* Chính sách của Nhà nước về SHTT:
- Công nhận và bảo hộ quyền SHTT của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền SHTT với lợi ích công cộng, không bảo hộ các đối tượng SHTT trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
- Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền SHTT phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền SHTT.
- Ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền SHTT và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật về quyền SHTT.
* Thực trạng hiện nay về SHCN ở Yên Bái:
Cách đây hơn mười năm vấn đề quyền SHCN đã được quy định trong Bộ Luật dân sự (1995), trong nghị định của Chính phủ (Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 ) và một số văn bản quy phạm pháp luật khác quy định chi tiết về SHCN. Song, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp địa phương chưa quan tâm tới vấn đề này, điều này được thể hiện qua số lượng đơn đăng ký của các doanh nghiệp ở Yên Bái. Tính từ năm 1994 đến hết năm 2007, toàn tỉnh Yên Bái mới có 97 đơn đăng ký bảo hộ SHCN trong đó có 77 đơn đăng ký nhãn hiệu, 16 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 2 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích. Số văn bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ tính đến nay là 44 văn bằng trong đó có 38 văn bằng nhãn hiệu, 4 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 2 văn bằng sáng chế và giải pháp hữu ích nếu so sánh với các tỉnh số văn bằng SHCN của tỉnh ta còn quá ít.
Người nước ngoài rất quan tâm đến quyền SHCN, họ đầu tư các nhà máy và buôn bán ở Việt Nam là nghĩ tới ngay việc đăng ký quyền SHCN để chống việc tổ chức, cá nhân khác làm hàng giả, hàng nhái các sản phẩm của họ trên thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài.
WTO là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới. Một trong những điều kiện để Việt Nam trở thành viên chính thức của WTO là phải có Luật SHTT. Luật SHTT của Việt Nam đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2006, muốn tồn tại và phát triển thì doanh nghiệp Việt Nam phải tạo lập cho mình có nhiều tài sản trí tuệ, quyền SHTT cho sản phẩm của mình được bảo hộ ở trong nước và nước ngoài. Thực thi quyền SHTT là đòi hỏi của nhiều đối tác trong buôn bán ở thị trường WTO. Đến thời điểm này so với trước đây các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Yên Bái nói riêng đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề SHTT, nhưng đối chiếu với yêu cầu và sự đòi hỏi của thị trường WTO thì sự quan tâm ấy chưa đầy đủ, chưa thoả đáng, một số doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc.
Để giúp đỡ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình tham gia hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định :Quyết định số 1810/2007/QĐ-UBND về “Cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và xác lập quyền SHCN”;Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND về “Quy chế quản lý Nhà nước về hoạt động SHCN trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, hai quyết định này nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và khuyến khích các hoạt động về SHTT (SHCN). Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp ở Yên Bái phát triển SHTT, tạo tiền đề cho xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp ra khu vực và thế giới.
Chớ coi thường quyền SHTT, có đăng ký quyền SHTT mới bảo vệ được thành quả đầu tư của doanh nghiệp, mới chống được việc làm hàng giả, hàng nhái của các tổ chức, cá nhân khác khi họ sản xuất cùng loại sản phẩm. Khi chúng ta vào sân chơi chung của quốc tế buộc phải nâng cao nhận thức toàn diện về SHTT, phải hiểu luật và làm theo luật. Các doanh nghiệp hãy trang bị cho mình về luật pháp quốc tế, nhất là luật sở hữu trí tuệ để vững tâm bước vào hội nhập WTO.
Nguyễn Quang Bản
Các tin khác
Một nhóm bác sỹ và chuyên gia gen Mỹ, Bỉ và Ý vừa công bố đã xác định được một gen có tên "bạch huyết bào kinaza tự ghép" - gen trực tiếp gây viêm phôi bào thần kinh (một loại u ác tính) ở trẻ dưới 5 tuổi.
Mật độ điện thoại đạt 12,27 máy/100 dân Yên Bái/ Chuyển giao phần mềm Office bản quyền cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh
Dù mới chỉ học đến lớp 11 nhưng với niềm đam mê khoa học, anh Đỗ Văn Trán (Q.8, TP.HCM) đã chế tạo thành công bếp nấu thức ăn bằng năng lượng mặt trời.
Các nhà thiên văn học vừa tuyên bố phát hiện một hành tinh nhỏ có bề ngoài giống sao chổi, đang quay theo một quĩ đạo lạ, cách xa Trái đất 3 tỉ km.