Tận cùng những nỗi đau
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2014 | 8:53:40 AM
YBĐT - Sau mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT), lại có thêm người mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con... Đó là những mất mát không gì có thể bù đắp. Trong tận cùng những nỗi đau ấy là niềm thương tiếc, nỗi ám ảnh, hối hận muộn màng, nhiều người phải gánh chịu suốt đời.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Yên Bái.
|
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, đã có hơn 120.000 người tử vong do TNGT. Như vậy, mỗi năm có tới 12.000 người chết, tương đương mỗi ngày có hơn 30 người vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống và 150 người bị thương do TNGT. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình cùng chung nỗi đau 1 ngày và cuộc sống bớt đi những niềm vui. Có những gia đình đầm ấm, hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười chỉ trong giây lát rơi vào cảnh chia ly.
Đối với tỉnh Yên Bái, theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh (từ ngày 16/12/2013 - 15/10/2014) đã xảy ra 209 vụ TNGT, làm 48 người chết, 266 người bị thương (so với cùng kỳ giảm 45 vụ, 4 người chết, 64 người bị thương). Chừng ấy vụ tai nạn, người thiệt mạng và bị thương do TNGT đã nói lên tận cùng nỗi đau do TNGT gây ra. Đã hơn 9 tháng trôi qua, ngôi nhà của 3 mẹ con chị Đinh Thị Thủy, thôn Tân An (xã Minh An, huyện Văn Chấn) vắng bóng hình bóng quen thuộc của người chồng, người cha.
Trong buổi chiều định mệnh ngày mùng 6 tết Giáp Ngọ, anh Trần Văn Độ, chồng chị Thủy, cùng con trai 4 tuổi trên đường từ trụ sở UBND xã về nhà đã va chạm với một xe máy khác khiến anh Độ tử vong. Mắt rớm lệ, chị nói: “Ngày xưa, mọi việc to nhỏ đều do chồng tôi gánh vác. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đồi chè, nay anh ấy đi rồi, tôi và 2 đứa con nhỏ chẳng biết trông cậy vào đâu”.
Chị Sùng Thị Sa, thôn Làng Hua (xã Suối Bu, huyện Văn Chấn) một mình nuôi 3 con nhỏ trong ngôi nhà tuềnh toàng chỉ có chiếc giường và vài cái ghế dùng để tiếp khách. Chị cho biết: “Giữa tháng 3, chồng tôi lên xã Phình Hồ lấy thóc giống của một người em cậu cho. Về đến cầu Nhì, bị tai nạn giao thông và mất”. Cũng theo chị Sa, từ khi chồng mất, một mình chị đứng ra gánh vác mọi việc từ trồng lúa, trồng ngô đến nuôi con trâu, con lợn. Cuộc sống đã khó khăn nay càng khó hơn.
Sau mỗi vụ TNGT, những người ở lại luôn phải gánh chịu mất mát to lớn về tinh thần, nhất là khi “người đầu bạc” phải đưa tiễn “người đầu xanh”. Từ khi người con trai cả sinh năm 1993 bị tai nạn và mất vào buổi tối tang thương ngày 5/5/2013, ngôi nhà sàn của gia đình chị Lò Thị Thân, bản Sang Thái (xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ) càng trở nên hiu quạnh. Chồng chị, anh Hoàng Văn Viện thường xuyên đi làm ăn xa, mọi việc ở nhà đều do chị và con trai gánh vác. Thế nhưng, TNGT đã cướp đi niềm hạnh phúc, cướp đi người con thân yêu của chị.
Nhiều nạn nhân của các vụ TNGT tuổi đời còn rất trẻ. Họ đang ở thời kỳ đẹp nhất, sung mãn nhất của cuộc đời. Vậy mà, vì một giây bất cẩn, không chấp hành luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia... mà người phải nhập viện, bị di chứng cả đời; người ra đi mãi mãi, để lại nỗi đau cho người thân và gia đình. Từ nỗi đau dự báo trước mỗi chúng ta, khi tham gia giao thông hãy luôn ghi nhớ chấp hành luật giao thông “nói không với rượu, bia trước khi lái xe”, “lái xe bằng cả trái tim”...
Hùng Cường
Các tin khác
Sáng 13/11, Ủy ban ATGTQG họp báo thông tin về hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm ATGT cho người đi mô tô, xe máy” và công bố chương trình “Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam năm 2014”.
Đang lưu thông qua đoạn đèo hiểm trở, chiếc xe tải chở gỗ bất ngờ bị lật nghiêng xuống vực khiến 3 người thương vong.
Trên đường làm nhiệm vụ thụ lý một vụ tai nạn giao thông, Thiếu úy Đào Văn Đồng (sinh năm 1989), hiện là cán bộ Đội CSGT -Trật tự cơ động huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đã gặp nạn.