Để xe đạp điện không là nỗi lo

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/3/2017 | 8:08:45 AM

YBĐT - Thiết kế nhỏ gọn, giá cả vừa phải phù hợp với túi tiền, trong khi đó, tốc độ lại được cho là không kém gì xe máy, lại không tốn xăng, không cần bằng lái, hợp thời trang nên xe đạp điện đang được học sinh, sinh viên lựa chọn làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, loại phương tiện này đang tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông.

Học sinh sử dụng xe đạp điện thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Học sinh sử dụng xe đạp điện thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Dạo qua các trường THPT ở thành phố Yên Bái như: Nguyễn Huệ, Chuyên Nguyễn Tất Thành, Lý Thường Kiệt..., có thể thấy, xe đạp điện giờ đã được đa phần học sinh sử dụng. Đối với các trường THCS, tuy ít hơn nhưng số lượng học sinh sử dụng xe đạp điện cũng chiếm phần không nhỏ. Không thể phủ nhận những tiện ích do xe đạp điện mang lại nhưng loại phương tiện này đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nhiều người tham gia giao thông trên đường rất bức xúc với những vi phạm của các em khi đến lớp, đến trường hay đi chơi, anh Lê Thành Long - một người dân ở thành phố Yên Bái cho biết: “Tôi thường xuyên đi lại trên tuyến đường Yên Ninh, Điện Biên, khó chịu nhất là khi gặp cảnh học sinh đầu trần, điều khiển xe dàn hàng bốn, hàng năm, vừa đi vừa nói chuyện, thậm chí nhắn tin điện thoại... Nguy hiểm hơn, nhiều cháu phóng nhanh, vượt ẩu, không cần biết tín hiệu đèn giao thông, điều này tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn giao thông cho các cháu cũng như các phương tiện cùng tham gia giao thông. Tôi nhiều lần suýt đâm vào các cháu vì chúng đi ẩu và có lần các cháu cũng đâm vào xe tôi vì không làm chủ tốc độ nhưng cũng may chỉ bị sứt sát nhẹ!”.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối. Theo quy định trên, tất cả những xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối thì người điều khiển phải đủ 16 tuổi.
Thực tế, vì đi nhanh, đi ẩu mà đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, liên quan đến xe đạp điện xảy ra. Điển hình là vụ tai nạn ngày 27/1/2013, trên đường Hoàng Hoa Thám, thuộc tổ 6, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái làm chết và bị thương hai học sinh. Hay vụ tai nạn xảy ra vào ngày 6/7/2013, tại Km 84+800, quốc lộ 32C, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên làm một học sinh tử vong. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do người điều khiển xe đạp điện đi nhanh, không chú ý quan sát.  

Có thể thấy, việc gia tăng sử dụng xe đạp điện là điều phù hợp với sự phát triển bởi với thiết kế hợp thời trang, giá cả không quá đắt, từ 6 đến dưới 20 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe, tốc độ lại không kém gì xe máy. Với điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu đi lại do học hành nhiều như hiện nay có lẽ xe đạp điện là lựa chọn tối ưu nhất của các ông bố, bà mẹ dành cho các con. Hơn thế, như một xu thế của giới trẻ, xe đạp điện hiện lại đang là “mốt” của học sinh. Nhiều ông bố, bà mẹ đã phàn nàn với tôi vì chuyện con đòi mua xe đạp điện để đi học.

Anh bạn tôi có cô con gái học lớp 8 ở một trường THCS ở thành phố Yên Bái bức xúc: “Khổ quá ông ạ, mình giải thích con chưa đến tuổi, nhà gần trường, con chịu khó đạp xe đạp vừa khỏe người vừa an toàn nhưng nó cứ mè nheo mãi, bảo các bạn ở lớp có hết rồi bố không mua thì con đi bộ. Và nó giận, sáng đi bộ đến trường, chiều đi học thêm thì chờ bạn có xe đạp điện đến đón. Thậm chí, nó lôi kéo cả bà nội, bà ngoại để cùng vận động mình. Lúc đầu thì hai vợ chồng kiên quyết nhưng đến giờ vợ cũng xiêu rồi”.

Từ tính hữu dụng và “mốt” như hiện nay, xe đạp điện có thể coi là một tất yếu như từng diễn ra với xe máy, ô tô. Tuy nhiên, để loại phương tiện này được sử dụng an toàn trong bối cảnh an toàn giao thông có những diễn biến phức tạp như hiện nay mới là điều cần bàn.

Có lẽ để xe đạp điện không là loại phương tiện tiềm ẩn mất an toàn giao thông, đối với gia đình, không nên chiều các con khi chưa đến tuổi sử dụng và khi đến tuổi sử dụng thì phải hướng dẫn cách sử dụng xe, đồng thời yêu cầu chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện.

Đối với các em học sinh, khi điều khiển xe đạp điện phải hiểu, đây là loại xe thiết kế nhẹ (dưới 50 kg) độ an toàn không cao nhưng có thể đạt vận tốc vài chục kilômét/giờ, vì vậy, dễ mất lái. Cùng với những kiến thức thông thường khi sử dụng xe, các em phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, điều khiển xe phải đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, không đi hàng ngang, không vượt đèn đỏ hay sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện...

Đối với nhà trường và cơ quan chức năng, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức và ý thức đi lại cho học sinh, sinh viên qua nhiều hình thức phong phú, cần đẩy mạnh kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm để có tác dụng răn đe các em.

Với sự quan tâm của gia đình, sự vào cuộc của nhà trường và cơ quan chức năng, xe đạp điện không còn là mối lo mất an toàn giao thông mà sẽ là phương tiện hữu ích để chắp cánh ước mơ cho các em khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Điều 8 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt đối với người điều khiển, theo đó, người ngồi trên xe đạp máy (điện) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu không đội mũ bảo hiểm và cài dây mũ đúng cách (trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi và các trường hợp đặc biệt).

Mức phạt này cũng được áp dụng cho trường hợp điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường hoặc đi xe bằng một bánh.

Đặc biệt, trường hợp được coi là hành vi đua xe này còn có mức phạt bổ sung đến mức tịch thu phương tiện nếu tái phạm nhiều lần.

Ngoài ra, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP còn đề ra mức phạt đối với hành vi sử dụng ô, điện thoại di động khi điều khiển hoặc ngồi trên xe đạp, xe đạp máy tham gia giao thông.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Hiện trường vụ tai nạn sáng 28/3.

Va chạm với xe tải chạy cùng chiều trên quốc lộ 1, ôtô bán tải chở 5 người xoay nửa vòng tròn rồi lật nghiêng giữa đường, sáng 28/3.

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, tạo chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông.

Giờ đây các tài xế trên địa bàn tỉnh Yên Bái dường như đã quá quen thuộc với việc lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh dừng xe, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông tỉnh Yên Bái tiến hành lập biên bản, xử lý sự việc.

Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1, Phòng CSGT, Công an tỉnh Yên Bái vừa xử lý trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô lạng lách trên quốc lộ 70.

Vụ tai nạn giao thông trên đèo Tằng Quái khiến lái xe kẹt cứng trong cabin. Ảnh: Người dân cung cấp

Một vụ tai nạn giao thông lật xe tải xảy ra trên đèo Tằng Quái thuộc huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên khiến tài xế bị kẹt cứng trong cabin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục