Các địa phương cần vào cuộc để hạn chế tai nạn đường sắt

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/9/2017 | 12:36:14 PM

Tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), riêng tháng 8-2017 đã xảy ra 25 vụ TNGTĐS, trong đó do chủ quan 3 vụ.

Tai nạn ở khu vực đường dân sinh.
Tai nạn ở khu vực đường dân sinh.

Trong nửa đầu tháng 9, các vụ TNGTĐS cũng đã xảy ra liên tiếp, mới đây nhất là vụ tàu hỏa đâm xe tải chở nước ngọt ngày 13-9 tại địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội). Vì sao TNGTĐS vẫn chưa thể kiềm chế được? Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN, về vấn đề này.

- Phóng viên: TNGTĐS vẫn là nỗi thấp thỏm hàng ngày của người dân và cả của ngành đường sắt. Xin ông cho biết, vì sao TNGTĐS vẫn xảy ra nhiều như vậy?

* Ông Vũ Anh Minh: Chúng ta chỉ có thể khắc phục được TNGTĐS khi các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ được xóa bỏ hoặc được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện trên toàn quốc còn có tới 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).

Trong số 1.516 đường ngang hợp pháp thì cũng có đến 86% không đủ tiêu chuẩn quy định theo Thông tư 62/2015/TT-BGTVT ngày 4-11-2015 của Bộ GTVT quy định về đường ngang, ví dụ như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định, trang thiết bị tại nhiều đường ngang có gác chắn lạc hậu, xuống cấp, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng sức người… Đây là một vấn đề hết sức nan giải và ngành đường sắt đang nỗ lực phối hợp với các địa phương để giải quyết nhưng phải nói thật là kết quả còn rất hạn chế.

* Như vậy, khi TNGTĐS xảy ra thì trách nhiệm các bên ra sao?

- Để xảy ra tai nạn, trách nhiệm lớn nhất là của ngành đường sắt. Tuy nhiên, các địa phương cũng chưa thực sự vào cuộc trong việc phối hợp với ngành cảnh giới, ngăn chặn lối đi tự mở.

Hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung quy chế phối hợp đã ký kết với Bộ GTVT. Đặc biệt, hiện có 10 tỉnh chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi dân sinh tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, đó là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tổ chức cảnh giới rất ít vị trí so với yêu cầu thực tế như Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa...

Ngoài ra, việc cắm biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang hoặc chưa được thực hiện đầy đủ, hoặc chưa đúng quy định. Việc giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang đường sắt ở một số địa phương thiếu quyết liệt, các hành vi vi phạm chưa được xử lý kịp thời.

Còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa là, một bộ phận người dân rất hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt khi lái xe qua đường sắt. Nhiều trường hợp tài xế thiếu quan sát, cố tình cho xe vượt qua đường ngang khi tàu đang đến, khi TNGT xảy ra, bên cạnh thiệt hại về tính mạng của người dân là không gì bù đắp được, thiệt hại về người và tài sản của ngành đường sắt cũng rất lớn. Sau mỗi vụ tai nạn, để khắc phục lại hiện trường và thông tuyến, phải chuyển tải tăng bo hành khách, sửa chữa lại toa xe, đầu máy bị hỏng… ngành đường sắt cần đến chi phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng.

* Vậy làm thế nào để hạn chế TNGTĐS trong thời gian tới, thưa ông?

- Tổng công ty ĐSVN mong muốn chính quyền địa phương tích cực vào cuộc hơn nữa trong việc phối hợp quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Về phía Tổng công ty, từ nay đến cuối năm 2017, chúng tôi sẽ chủ động tìm nguồn kinh phí để thực hiện việc cảnh giới tại các đường ngang có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt.

Tổng công ty ĐSVN cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan cắm đầy đủ các loại biển báo hiệu đường bộ, sớm triển khai xây dựng gờ giảm tốc cưỡng bức tại 97 vị trí theo danh mục phê duyệt của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành sửa chữa, cải tạo mặt đường bộ tại các đường ngang, lối đi tự mở, giải phóng tầm nhìn, mở rộng mặt cắt sang đường bộ tại các đường ngang mà đường bộ song song liền kề với đường sắt.

Tổng công ty ĐSVN cũng đang đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, sự cố do chủ quan. Trước mắt là lắp đặt camera theo dõi hành trình chạy tàu trên đầu máy. Camera này sẽ giám sát hoạt động nghiệp vụ của ban lái máy từ điều khiển tốc độ, kéo còi, hô đáp giữa lái tàu và phụ lái để lưu ý khi sắp vào vị trí nguy hiểm như đường ngang, đường dân sinh… Camera cũng đồng thời giám sát tất cả hoạt động của các thiết bị tín hiệu cũng như việc thực hiện quy trình quy phạm của các nhân viên trực ban ga, gác ghi, tuần đường, gác chắn, kể cả việc thực hiện các thao gác báo tín hiệu như vị trí đứng, tư thế cầm cờ, đèn… để có thể ngăn ngừa TNGTĐS từ xa. Mục tiêu là, trong năm 2017, chúng tôi sẽ giảm TNGTĐS từ 5%-7% so với năm 2016, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng và 7% sự cố chạy tàu do chủ quan.

* Xin cảm ơn ông!
 
(Theo SGGP)

Các tin khác
Các nạn nhân trong vụ tai nạn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang tích cực cứu chữa các nạn nhân trong vụ tai nạn trên Quốc lộ 24 khiến 1 người chết, 24 người bị thương.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè 2024 - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và nghỉ hè 2024.

Cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác từ 30/4/2023.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông vận tải về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục