Còn phân loại theo Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017, có tới 22 vị trí là điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) và hơn 1.200 vị trí là điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt.
Liên quan đến đường ngang, hiện có hơn 30 điểm là điểm đen và 645 đường ngang là điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt trên tổng số 1.514 đường ngang toàn hệ thống.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sau hàng loạt vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng xảy ra hồi tháng 5, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì xây dựng đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông đường trên tuyến đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần kinh phí rất lớn, đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, theo dự thảo đề án, khái toán kinh phí thực hiện xử lý lối đi tự mở lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần hơn 4.000 tỷ đồng và giai đoạn năm 2020-2025 cần gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, rào ngay các lối đi tự mở mà không cần phải xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt, mở đường ngang, xóa bỏ 3.233 lối đi tự mở, xây dựng khoảng 700 km hàng rào, đường gom, xây dựng mới hơn 300 đường ngang, xây dựng 153 hầm chui.
Còn khái toán kinh phí thực hiện xử lý các đường ngang là vị trí nguy hiểm (không bao gồm các dự án thuộc Quyết định số 994/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn năm 2014-2020) cũng mất khoảng gần 900 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn. Trong đó, giải tỏa tầm nhìn tại 137 đường ngang, nâng cấp thành đường ngang có gác tại 15 đường ngang, xây dựng gồ giảm tốc, xác định ranh giới đất dành cho đường sắt...
Ngoài ra, còn cần khoảng 5.800 tỷ đồng cho các dự án theo kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn năm 2014-2020 (Quyết định số 994/QĐ-TTg) chưa thực hiện vì chưa có vốn. Trong đó, riêng kinh phí dành cho xây hàng rào, đường gom để đóng lối đi tự mở đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác huy động nguồn vốn này, ông Đới Sỹ Hưng, Kiểm soát viên chuyên trách Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, với khái toán kinh phí mà dự thảo đề án đưa ra thì cần có các giải pháp cụ thể về nguồn vốn, nếu không sẽ không khả thi.
Trước mắt nên ưu tiên vốn lắp cần chắn tự động cho 34 đường ngang cảnh báo tự động chưa lắp cần chắn tự động đã được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2016. Nếu Bộ cho phép Tổng công ty thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế là có thể thực hiện được ngay trong năm 2018. Tổng công ty có thể ứng kinh phí và ghi vốn năm sau vì mỗi đường ngang chỉ cần khoảng trên 500 triệu đồng.
Cùng đó, nên ưu tiên hạng mục nâng cấp 452 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang có gác, kế hoạch tiến độ thực hiện đến năm 2020, hiện mới có vốn cho 100 đường ngang. Với 352 đường ngang còn lại, kinh phí dự kiến 646 tỷ đồng.
Theo ông Hưng, Bộ GTVT cần cho lập thành một dự án và bố trí vốn luôn từ nguồn vốn sửa chữa lớn định kỳ kết cấu hạ tầng đường sắt thay vì bố trí vốn năm một, như vậy năm 2019 có thể hoàn thành.
Còn với 849 lối đi tự mở có ô tô đi qua - đây là những vị trí nguy cơ xảy ra TNGT cao nhất, địa phương cần bố trí vốn để cử người cảnh giới trong khi chờ các dự án hàng rào, đường gom hay mở đường ngang.
Ông Vũ Quang Khôi cũng cho biết, để giải bài toán về vốn, dự thảo đề án đã xác định rõ nguồn vốn và trách nhiệm của các chủ thể, thay vì tập trung vốn từ Trung ương như trước đây.
Theo đó, kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở thuộc trách nhiệm của địa phương, có thể sử dụng nguồn ngân sách địa phương hoặc ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương. Kinh phí thực hiện xử lý các vị trí đường ngang sử dụng nguồn vốn trung hạn giai đoạn năm 2016-2020, vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016-2020 trong lĩnh vực đường sắt bố trí cho Bộ GTVT và các nguồn khác.
(Theo chinhphu.vn)