Cần phải hiểu đúng về lỗi “không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự"

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/6/2020 | 8:14:22 AM

YênBái - Thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi lực lượng cảnh sát giao thông ra quân đồng loạt tổng kiểm tra các phương tiện giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó có lỗi “không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (BHTNDS)”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Đã có nhiều bài viết, ý kiến ủng hộ chủ trương đúng đắn của lực lượng công an, coi việc tổng kiểm tra, xử lý nghiêm là rất cần thiết, qua đó góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn tình trạng mất an toàn giao thông, giảm số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông sau khi hết giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19… 

Tuy nhiên cùng với đó vẫn có luồng ý kiến không đồng tình; đặc biệt, có những ý kiến cho rằng: "Công an đi làm thuê cho bảo hiểm”, "Bảo hiểm là thứ không cần thiết, không nên bắt buộc”; "Rất khó lấy được tiền bảo hiểm dù đã mua bảo hiểm đầy đủ”, "Mua bảo hiểm chỉ để đối phó với công an”…

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, quá trình tham gia giao thông chẳng ai mong muốn tai nạn xảy ra. Tuy vậy, điều chẳng mong muốn ấy vẫn cứ đến. Thực tiễn cho thấy, người điều khiển phương tiện mô tô xe máy trực tiếp gây tai nạn chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số vụ tai nạn. 

Nhằm giúp người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy có điều kiện khắc phục hậu quả mà mình gây ra, góp phần ổn định xã hội, ngày 16/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số số 103, quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; tiếp đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 22, quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. 

Theo đó, chủ phương tiện, trong đó có mô tô, xe máy, bắt buộc phải bỏ một khoản tiền là 66.000 đồng/năm để tham gia BHTNDS, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm (bán bảo hiểm cho chủ phương tiện) có trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện đã mua bảo hiểm nếu chủ phương tiện gây tai nạn cho bên thứ ba (tức người bị phương tiện đã mua bảo hiểm gây tai nạn). 

Đến đây, có thể khẳng định: pháp luật đã quy định, phương tiện cơ giới, trong đó có mô tô, xe máy phải tham gia BHTNDS; việc phát hiện chủ phương tiện tham gia giao thông không có BHTNDS và xử lý vi phạm này là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông. 

Không có chuyện ai làm thuê cho ai. Chúng ta phải khẳng định bản chất tốt đẹp, tính nhân văn của loại hình BHTNDS bắt buộc đối với phương tiện cơ giới, trong đó có ô tô, xe máy, giúp chủ phương tiện có điều kiện khắc phục hậu quả mà mình gây ra, không đẩy mình vào hoàn cảnh khốn khó. Đối với người bị nạn (tức bên thứ ba), trong cái không may, cũng có một phần may mắn khi người gây tai nạn cho mình đã có một doanh nghiệp bảo hiểm "đứng đằng sau” hỗ trợ về mặt tài chính! Chúng ta có thể hình dung, một người nghèo khó, không mua BHTNDS cho chiếc xe máy của mình bỗng dưng gây tai nạn cho người khác mà không có khả năng về tài chính để khắc phục hậu quả… Kết quả là, tất cả đều trong vòng khốn khó!

Trao đổi với ông Ngô Đức Hiếu - Giám đốc Bảo Minh Yên Bái, một doanh nghiệp có thị phần khá lớn trên lĩnh vực bảo hiểm phi nhận thọ trên địa bàn được biết, tổng doanh thu cả BHTNDS và tự nguyện đối với mô tô, xe máy của đơn vị này trong năm 2019 là 93 triệu đồng, tương đương với 1.550 xe, tổng số tiền bồi thường thiệt hại là 72,5 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng tiền bồi thường BHTNDS cho chủ phương tiện mô tô gây tai nạn cho bên thứ ba. Từ đầu năm đến nay, Công ty Bảo Minh đạt doanh thu 74,97 triệu đồng. 

Từ những con số kể trên cho thấy: tỷ lệ phương tiện mô tô xe máy không chấp hành quy định pháp luật (không tham gia BHTNDS) chiếm tỷ lệ rất lớn; doanh thu từ sản phẩm dịch vụ này là rất nhỏ (93 triệu đồng/năm) và lợi nhuận của doanh nghiệp gần như bằng không (bồi thường hết 72,5 triệu đồng, cộng với các khoản in ấn hóa đơn, giấy tờ, chi phí quản lý, chiết khấu cho đại lý, nộp thuế, trả lương cho nhân viên…). 

Về thủ tục để được bồi thường bảo hiểm, căn cứ theo Thông tư số 22 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đều có quy định cụ thể và niêm yết công khai các thủ tục cần thiết. Theo đó, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải giữ nguyên hiện trường, thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm; tiếp đó, trong vòng không quá 5 ngày phải mang hợp đồng bảo hiểm, giấy tờ xe, giấy phép lái xe đến công ty bảo hiểm để hoàn thiện các thủ tục theo hướng dẫn. 

Người tham gia bảo hiểm phải cung cấp hồ sơ theo yêu cầu bồi thường bao gồm: thông báo tai nạn, tờ khai tai nạn và yêu cầu bồi thường (có mẫu in sẵn); bản sao giấy tờ đăng ký xe, bản sao có xác nhận của cảnh sát giao thông các biên bản khám nghiệm hiện trường, phương tiện, sơ đồ hiện trường, kết luận điều tra, biên bản giải quyết tai nạn, hình ảnh hiện trường tai nạn; biên bản hòa giải hoặc bản án của tòa án về bồi thường trách nhiệm dân sự nếu có; chứng từ y tế của người bị thương tật hay giấy chứng tử của người chết. 

Có thể nói, thủ tục, giấy tờ trong hồ sơ giải quyết bồi thường bảo hiểm tai nạn giao thông là không ít. Tuy nhiên, việc người tham gia bảo hiểm có được những loại giấy tờ này không quá khó khăn, không phải "khó như tìm đường lên trời” mà người ta vẫn nói mà được quy định cụ thể, chi tiết (đã và đang được cắt giảm thủ tục hành chính rất nhiều theo yêu cầu của Chính phủ) tại các cơ quan Nhà nước. Chúng ta cũng cần phải hiểu thêm rằng, số tiền bảo hiểm tối đa lên đến 100 triệu đồng/nạn nhân là số tiền không nhỏ, vì vậy, thủ tục, hồ sơ phải đầy đủ và chặt chẽ, nhằm tránh hiện tượng trục lợi bảo hiểm diễn ra.

Lê Phiên

Các tin khác
Các nạn nhân trong vụ tai nạn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang tích cực cứu chữa các nạn nhân trong vụ tai nạn trên Quốc lộ 24 khiến 1 người chết, 24 người bị thương.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè 2024 - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và nghỉ hè 2024.

Cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác từ 30/4/2023.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông vận tải về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục