Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều quy định liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người bệnh và người già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự tham gia giao thông đường bộ.
Trong Luật, cơ quan chức năng đã đề xuất những quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em, ưu tiên trợ giúp khi xảy ra tai nạn giao thông đối với nhóm yếu thế tương thích với Công ước Viên mà Việt Nam là thành viên và dựa vào những nghiên cứu của các tổ chức xã hội, các cơ quan y tế trong và ngoài nước đối với sự an toàn cho trẻ em trên xe ô tô và khi tham gia giao thông.
Tại khoản 4 Điều 4 quy định bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
Khoản 2 Điều 10 quy định người ngồi trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Còn tại khoản 3 Điều 10 quy định về thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Theo Cục CSGT (Bộ Công an) để đưa quy định này vào thực tiễn, trong thời gian tới còn có nhiều yếu tố cần chuẩn bị về phương án và các quy định đi kèm để việc thực thi Luật tốt hơn. Đồng thời cần thời gian để đưa ra các quy chuẩn chất lượng cho thiết bị an toàn dành cho trẻ em; xây dựng hệ thống kênh phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.
Mặt khác, người dân cũng cần có thời gian chuẩn bị để tiếp nhận và đáp ứng những quy định mới của Luật, nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị an toàn dành cho trẻ em đạt chuẩn và cách sử dụng đúng trên ô tô... Người dân phải thực hiện tốt quy định này để bảo vệ trẻ em trên mỗi hành trình. Vì vậy, riêng khoản 3 Điều 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Ngoài ra, điểm a khoản 3 Điều 23 bổ sung thêm việc trẻ em, phụ nữ mang thai được ở lại trên xe khi xe xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến.
Khoản 2 Điều 30 quy định trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự tham gia giao thông đường bộ được ưu tiên, như: Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt. Người khiếm thị, người mất năng lực hành vi dân sự khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt.
Người khuyết tật sử dụng xe lăn có động cơ hoặc không có động cơ phải đi trên vỉa hè, lề đường và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự khi qua đường.
Điều 33 quy định hạ độ tuổi từ 14 xuống 12 tuổi đối với trường hợp người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa 2 người và thêm đối tượng được chở là người già yếu hoặc người khuyết tật.
(Theo TPO)