Lên xe là không bia, rượu

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/4/2012 | 3:00:11 PM

YBĐT - Yên Bái là 1 trong 9 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm trên 40% vừa được Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Tuy nhiên, thực tế số người tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia vẫn khá phổ biến.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo và Chính phủ đã có chỉ thị quy định cán bộ, công chức không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc. Song việc lạm dụng bia, rượu trong bữa ăn hàng ngày của người dân cũng như các dịp lễ, tết, liên hoan của không ít cán bộ, công chức gây tác hại lớn cho sức khỏe và đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây khó khăn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

 

Kiềm chế lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

 

Yên Bái là 1 trong 9 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm trên 40% vừa được Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Tuy nhiên, thực tế số người tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia vẫn khá phổ biến, thậm chí nhiều người còn tỏ ra coi thường, chống đối khi bị xử lý, trốn tránh sự kiểm tra. Theo ông Mai Văn Bộ, Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông - Vận tải, để kiềm chế tình trạng lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

 

Theo đó, mỗi người tham gia giao thông phải có ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tự nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia, phải luôn tuân thủ nguyên tắc đã uống, rượu bia thì không lái xe hoặc nếu lái xe thì tuyệt đối không uống rượu, bia. Trong trường hợp đã uống rượu, bia thì nên sử dụng các phương tiện công cộng hoặc nhờ người khác chở và nếu người thân của chúng ta uống rượu, bia hãy kiên quyết không để họ tự lái xe, điều này sẽ ngăn ngừa được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu: phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; phạt từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở.
 Để ý thức của mỗi người tham gia giao thông được nâng cao, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc uống rượu, bia đối với an toàn giao thông. Song song với đó cần phổ biến sâu rộng hơn nữa các quy định về nồng độ rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

 

Ngoài việc đổi mới các hình thức tuyên truyền, cần có sự hưởng ứng, tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, để văn hóa giao thông "ăn sâu" vào quần chúng nhân dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, có thể lồng ghép tuyên truyền "Không uống rượu, bia khi tham gia giao thông" trong các buổi giao ban hàng tháng, hàng quý và đưa vào nội quy, tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm.

 

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh thông qua các buổi họp, sinh hoạt tại các thôn, bản, tổ dân phố và đưa tiêu chí "Nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông" vào một trong những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức đơn vị tiên tiến...

 

Sử dụng rượu, bia khiến người tham gia giao thông không làm chủ được tay lái. (Trong ảnh: Một vụ tai nạn giao thông liên hoàn tại Yên Bái).

 

Với học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Ngoài việc tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, chào cờ, các cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông (ATGT) thì việc đưa vào làm tiêu chí xếp loại hạnh kiểm, đạo đức trong các kỳ học là cần thiết. Cùng với đó, từng gia đình cần nghiêm khắc giáo dục, kiên quyết không cho con, cháu sử dụng xe máy khi đã uống rượu, bia, hạn chế tình trạng thanh thiếu niên tham gia giao thông khi trong người "đã có hơi men".

 

Ông Đỗ Xuân Hồng - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội và giao thông trật tự huyện Yên Bình cho rằng: "Để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, các lực lượng chức năng có thể tăng cường việc tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông".

 

Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/7/2009 quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Đặc biệt là sau khi thực hiện Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái về việc vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc đã hạn chế rất nhiều những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả điều này, lực lượng cảnh sát giao thông cần được trang bị thiết bị đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, Nhà nước ta đã có chế tài xử phạt đối với người tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia nhưng để tăng tính răn đe, giáo dục thì các cấp chính quyền cũng cần kiến nghị, đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

 

Ở một số nước phát triển nếu người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia thì sẽ bị phạt tiền nặng hoặc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, thậm chí còn bị khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp gây TNGT khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức cho phép.

 

Trong khi ý thức của người dân còn hạn chế thì việc tăng cường các biện pháp cưỡng chế là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia. Các ngành chức năng cần có quy định cấm và có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với việc bán rượu, bia tại các điểm bến xe, trạm dừng nghỉ, các điểm vui chơi cho trẻ em; nghiên cứu và xây dựng quy định bắt buộc cơ sở sản xuất rượu, bia, các nhà hàng sử dụng, tiêu thụ rượu, bia phải khuyến cáo trên các chai rượu, bia…

 

Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để giáo dục, quản lý và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề này chủ yếu vẫn là ý thức người tham gia giao thông. Đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm  tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.

 

Ông  Đào Ngọc Anh - Phó công an xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái:

 

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền không uống rượu, bia khi tham gia giao thông trong các buổi họp thôn và ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an xã sẽ lồng ghép tuyên truyền "Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông" vào phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
 

 

Anh Đỗ Minh Huấn - Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân viên chức & Đô thị Tỉnh đoàn Yên Bái:

 

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung tuyên truyền các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông và quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

 

Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm; tổ chức cho 100% đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT.

 

Đồng thời, xây dựng tiêu chí cụ thể cho đoàn viên và chi đoàn trong việc chấp hành ATGT, coi đây là tiêu chí để hàng năm đánh giá phân loại đoàn viên.

 

Trung tá Hà Trung Viển - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính - giao thông trật tự Công an huyện Văn Chấn:

 

Hiện nay số đối tượng vi phạm các quy định về ATGT phần lớn là thanh, thiếu niên. Qua kiểm tra, xử lý có nhiều trường hợp chưa đủ tuổi hoặc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đối tượng này. Chúng tôi cũng kiên quyết xử phạt những trường hợp thanh, thiếu niên uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

 

Ông Hoàng Văn Tính - Bí thư Chi bộ khu dân cư Trần Phú, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái:

 

Tổ chức các hội nghị tuyên truyền về ATGT tại các tổ, các khu dân cư, trong đó tập trung vào chủ đề đã uống rượu, bia thì không lái xe, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; tổ chức ký cam kết với từng hộ gia đình về thực hiện ATGT, đồng thời đưa vào tiêu chí gia đình văn hóa hàng năm.

 

Hùng Cường

Các tin khác
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Khoảng 10 giờ ngày 25/4, tại đường ngang dân sinh thuộc Tổ 34B, phố Minh Hà, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, làm anh Đào Văn Thơm, SN 1983 quê ở Thuỷ Sỹ, Tiên Lữ (Hưng Yên) chết ngay tại chỗ.

Hai toa tàu bị lật.

Khoảng 10h sáng 24/4, đoàn tàu chở khách khi đi ngang qua Suối Vận (Bình Thuận) đã bị xe ben đâm. Hai toa tàu bị lật khỏi đường ray, tài xế xe ben đã tử vong sau khi bị mắc kẹt trong cabin.

Lúc 10 giờ hôm nay 24.4, tại đoạn đường sắt cách ga Mương Mán (Bình Thuận) khoảng 3 km về phía nam, đoàn tàu khách SPT chạy tuyến TP.HCM - Phan Thiết khi đến địa điểm này đã va chạm với một chiếc xe ben biển số 61P-3728 làm một người chết, nhiều người bị thương.

Xe trung chuyển bị cháy rụi hoàn toàn.

Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 22/4, xe khách 12 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 53M-7581 của nhà xe Đông Hưng (ngụ tại Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) bất ngờ bị bốc cháy dữ dội giữa đường liên xã Chí Công, Phan Rí Cửa (Bình Thuận).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục