Hệ lụy sau chén rượu nồng
- Cập nhật: Thứ tư, 2/5/2012 | 9:37:56 AM
YBĐT - Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho thấy, có tới 60 - 70% số vụ tai nạn giao thông mà bệnh viện tiếp nhận đều có nguyên nhân do sử dụng rượu, bia.
Đa số các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.
|
Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành tình trạng sử dụng rượu, bia trong giờ và ngày làm việc của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, thực trạng lạm dụng rượu, bia vẫn diễn ra khá phổ biến.
Dạo quanh khu vực Km 5, thành phố Yên Bái không khó để nhận ra những tiếng chạm cốc, tiếng hô hào, cười nói và cả những khuôn mặt phừng phừng hơi men. Để rồi sau cuộc vui nhiều người loạng choạng phóng xe ra đường mà không nghĩ rằng nguy hiểm đang rình rập họ phía trước.
Hiện nay, người ta uống rượu bất kể giờ giấc. Chào buổi sáng ít thì đôi ba chén, nhiều thì năm, bảy, có khi cả chai, không hiếm trường hợp ngồi ăn sáng, rồi nhâm nhi rượu đến tận trưa. Nhiều người đã phải kêu lên rằng: "Uống rượu buổi sáng mệt thật! Chóng say lắm!" nhưng rồi vẫn thi nhau uống.
Giữa trưa, quán nhậu nào cũng đông nghịt người. Sau những tiếng hô "Zô! Trăm phần trăm!" thì dù không say ngất ngây nhưng nồng độ rượu trong khí thở chắc chắn đã gấp nhiều lần cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông.
Theo nghiên cứu, ở Việt Nam lượng sử dụng rượu bình quân 6,4 ly/ngày và 26,1 ly/tuần đã vượt quá xa ngưỡng an toàn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới và tình hình lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đã đến mức báo động. Ở Yên Bái dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng chắc chắn tỷ lệ trên là không nhỏ.
Người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường di chuyển với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu, bia thường liên quan với những vi phạm về tốc độ, tránh, vượt sai quy định… Bất cứ ai khi uống rượu đều sẽ cảm nhận được sự thay đổi của bản thân ở từng mức độ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là trước khi cầm chén rượu, cốc bia không mấy người nghĩ rằng mình sẽ "quá chén", lại càng ít người nghĩ đến những hậu quả khôn lường sau những cuộc vui bên mâm rượu.
Trong khi đó, tai nạn giao thông vẫn luôn thường trực hàng ngày, hàng giờ. Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động. Đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời nhưng L.X.P, trú tại tổ 8B, thị trấn Yên Bình đã ra đi mãi mãi trong đêm sinh nhật định mệnh của mình.
Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1 lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều. Với mức 0,1mg/1 lít khí thở, người uống đã gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về… Ở mức 0,2mg/1 lít khí thở, người uống dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Và nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh. |
Bác sỹ Nguyễn Văn Chúc - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Thời gian qua, Bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp chấn thương như: gẫy chân, tay, chấn thương ổ bụng, ngực và chấn thương sọ não mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông".
Sử dụng nhiều rượu, bia sẽ khiến cơ thể con người trở nên thiếu minh mẫn. Chính vì vậy, việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông là hết sức nguy hiểm và được xem là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt, với những trường hợp bị chấn thương sọ não nếu người bệnh có qua khỏi thì cũng sẽ để lại những di chứng rất nặng nề. Nhẹ thì mất khả năng lao động, nặng thì không tự chăm sóc được bản thân, sống thực vật trong suốt quãng đời còn lại.
Theo bác sỹ Chúc, việc cứu chữa, đánh giá tình trạng bệnh nhân cho những trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của nồng độ cồn trong cơ thể họ. Hơn thế nữa, người bị tai nạn giao thông khi sử dụng rượu, bia còn phải thực hiện hàng loạt những chi phí rất tốn kém như: chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu…
Không chỉ gây tai nạn cho bản thân, người say rượu, bia cũng có thể trực tiếp hay gián tiếp gây tai nạn cho người khác. Để rồi sau đó bị ám ảnh và hối hận mãi về hành vi sai trái cuả mình. Đã nhiều ngày trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại vụ việc xảy ra vào chiều ngày 24/3, anh Lý Hữu Hoan, sinh năm 1992, trú tại tổ 10, phường Nguyễn Thái Học (là nhân viên rửa xe cho cơ sở Phúc Duy) vẫn chưa hết sợ hãi khi chiếc xe mang biển kiểm soát 29K - 4400 do anh Lê Thạch Tú, sinh năm 1971, trú quán tại tỉnh Thanh Hóa điều khiển đâm vào chiếc Toyota - Yaris khi anh đang rửa chiếc xe này.
Sau đó chiếc xe còn đâm vào phía sau xe ô tô nhãn hiệu CRV, biển kiểm soát 29A - 42190 do chị Phạm Thị Thanh Hiền, sinh năm 1989, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội điều khiển cùng chiều. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn ngay tại hiện trường vụ tai nạn đối với lái xe Lê Thạch Tú là 0,44ml. Rất may vụ tai nạn không làm ai bị thương nếu không lái xe Lê Thạch Tú sẽ phải ân hận cả đời.
Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông không chỉ gây nên những mất mát cho mỗi người, mỗi gia đình mà còn làm thiệt hại lớn cho toàn xã hội. Mỗi người tham gia giao thông phải có ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tự nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia, phải luôn tuân thủ nguyên tắc đã uống, rượu bia thì không lái xe hoặc nếu lái xe thì tuyệt đối không uống rượu, bia.
Hùng Cường
Các tin khác
Báo cáo nhanh từ các địa phương, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ năm nay giảm mạnh.
YBĐT - Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ban ATGT tỉnh Yên Bái cùng các ngành chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT nhằm đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong dịp nghỉ lễ.
Ngày 26-4, liên bộ Công an, Khoa học & công nghệ, Công thương, Giao thông vận tải họp báo công bố việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ xe cơ giới.
Sáng 26/4, Bộ Công an và Bộ Khoa học sẽ báo cáo kết quả chính thức về nguyên nhân cháy xe và chất lượng xăng dầu.