Văn Chấn: Đoàn kết- tiền đề của mọi thành công

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/11/2020 | 2:07:17 PM

YênBái - Với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 24 xã, thị trấn, Văn Chấn hình thành 3 vùng kinh tế riêng biệt gắn với địa hình, đặc thù dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Không chỉ đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà cộng đồng các dân tộc trên địa bàn còn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Người dân Văn Chấn tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân Văn Chấn tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã kế thừa và phát huy xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và mọi mặt đời sống của nhân dân, góp phần cùng Đảng bộ huyện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết đề ra.

Đoàn kết nhân lên niềm vui

Những ngày này, sự vui tươi, phấn khởi đang hiện hữu trên từng khuôn mặt của bà con nhân dân thôn Cướm, xã Thượng Bằng La. Không khí hăng say lao động sản xuất tràn ngập khắp các cánh đồng, cùng nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020). 

Niềm vui càng được nhân đôi khi thôn Cướm được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí xây dựng 500 triệu đồng, diện tích sử dụng gần 200 m vuông. 

Với sự đoàn kết, thống nhất, người dân trong thôn đã đóng góp tiền mặt hơn 100 triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động làm sân phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân trong thôn. Đồng thời, thôn Cướm cũng là 1 trong 2 thôn của huyện Văn Chấn được lựa chọn tổ chức điểm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2020. 

Đảng viên 50 năm tuổi Đảng Hoàng Công Lệnh chia sẻ: "Thôn có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, chúng tôi xác định đoàn kết và thống nhất trong các dân tộc sẽ là chìa khóa giúp người dân vượt qua mọi khó khăn đi đến thành công. Nhờ đó, từ một thôn tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống chủ yếu dựa vào phát triển nông lâm nghiệp, đến nay, thôn từng bước thay da đổi thịt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm”.

Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: Xã đang dồn sức để cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm nay. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần sự chung tay của toàn thể nhân dân, Đảng bộ xã đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp, hoàn thành 5/5 nhóm tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. 

Nhân dân tập trung chăm sóc hơn 500 ha cây ăn quả hiện có, duy trì 38 mô hình chăn nuôi từ 10 con lợn nái và 50 con lợn thịt, nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất lúa hàng hóa, trồng cây dược liệu, đa dạng hóa sinh kế. Thu nhập bình quân tăng từ 10-15%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,89%… 

Đoàn kết để phát triển kinh tế 

Với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 24 xã, thị trấn, Văn Chấn hình thành 3 vùng kinh tế riêng biệt gắn với địa hình, đặc thù dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. 

Không chỉ đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Chấn còn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn với trên 90% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nhờ phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng dân cư mà Nậm Lành đã dần thay da đổi thịt. Sự đoàn kết, gắn bó đã mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi người dân nơi đây. 

Những con đường bê tông sạch đẹp đang tiếp tục được hình thành và hoàn thiện nhờ vào công sức của người dân; những đồi quế xanh ngút báo hiệu cuộc sống ấm no, đủ đầy. 

Tinh thần đoàn kết trong phát triển kinh tế, duy trì các đồi quế tập thể gần 50 năm với tổng diện tích trên 160 ha, chiếm trên 10% diện tích quế toàn xã, bình quân mỗi năm khai thác một lần, số tiền thu được sẽ đóng góp vào các loại quỹ của xã, phần còn lại sẽ chia đều cho các hộ dân tính theo ngày công lao động, đảm bảo công bằng, minh bạch. 

Ông Phùng Sinh Xương - thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành phấn khởi: "Việc duy trì đồi quế tập thể tại các thôn không chỉ giúp gắn kết giữa các hộ mà còn góp phần bảo vệ các giống quế đầu dòng có chất lượng cao để tiếp tục trồng dặm vào các diện tích đã khai thác”.

"Sự đoàn kết, thống nhất trước hết phải được thể hiện trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của Đảng bộ xã, sau đó được triển khai nhân rộng trong nhân dân, tinh thần đoàn kết còn được thể hiện trong từng công việc của xã, người dân đều được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra. 

Có như vậy, sự đoàn kết mới thật sự lâu dài và cũng chính sự đoàn kết đã giúp địa phương ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, các hủ tục được đẩy lùi, xây dựng đời sống văn hóa mới góp phần xây dựng Đảng bộ xã Nậm Lành phát triển vững mạnh toàn diện” - ông Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành khẳng định. 



Người dân huyện Văn Chấn phát triển cây ăn quả có múi, cho thu nhập cao. 

Đại đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp

Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết đã trở thành truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, chuyên đề năm 2020 về "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Phương châm, phong trào hướng mạnh về cơ sở địa bàn khu dân cư, triển khai sâu rộng các phong trào: "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được chú trọng thực hiện… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đặc biệt những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các tổ chức thành viên, triển khai tuyên truyền, vận động, giáo dục đến từng thôn, bản, tổ dân phố, đến mọi nhà, để mỗi người dân đều ý thức và chủ động, tự giác phòng, chống dịch bệnh; tiếp nhận ủng hộ trên 600 triệu đồng tiền mặt, hàng trăm mặt hàng, như: gạo, mì tôm, xà phòng, mặt nạ chống giọt bắn, khẩu trang… với trị giá trên 400 triệu đồng. 

Thời điểm này, chung tay giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, hiện nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đang tiếp tục kêu gọi ủng hộ, tiếp nhận trên 180 triệu đồng ủng hộ từ cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn huyện đến hết ngày 28/10.

Bà Dương Thị Ngân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Chấn khẳng định: Vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mọi mặt đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Chấn có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2020 và đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cùng Đảng bộ huyện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra”. 

 Ngọc Thúy - Quang Sơn  (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)

Tags Văn Chấn đoàn kết Mặt trận Tổ quốc huyện

Các tin khác
Cô giáo Lê Thị Bích Thủy (thứ 2, bên trái) tại lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và nhận giải thưởng “Cánh cung đỏ” năm 2024.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tặng bằng khen vì đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, năm học 2021-2022; được UBND huyện Văn Yên trao tặng giải thưởng “Viên phấn vàng”…, cùng hàng loạt sáng kiến trong công tác giáo dục, sôi nổi trong phong trào, hoạt động Đoàn, cô giáo Lê Thị Bích Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Tổ phó chuyên môn Tổ Hóa - Sinh - Công nghệ, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên vừa trở thành một trong 10 gương mặt tiêu biểu được Tỉnh đoàn Yên Bái tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và trao giải thưởng “Cánh cung đỏ” năm 2024…

Chi bộ Công an xã Yên Thắng phối hợp Đoàn thanh niên Công an huyện Lục Yên tổ chức ra mắt mô hình “Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó” trên địa bàn xã Yên Thắng.

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã giúp cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lục Yên phát huy vai trò quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ đó, xây dựng Đảng bộ, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.

Huyện ủy Văn Yên tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập Chỉ thị 05 chuyên đề năm 2024.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị chuyên đề năm 2024, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, cùng với triển khai các nhiệm vụ chính trị theo Chương trình hành động 188 của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Văn Yên đã triển khai học tập nội dung chuyên đề năm 2024 tới 100% tổ chức cơ sở đảng bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Học, làm theo và noi gương Bác, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Toàn Đảng bộ có 371 mô hình, 706 điển hình tiên tiến các cấp học và làm theo Bác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục