Lúc nào cũng phải vững niềm tin

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/7/2017 | 8:27:30 AM

YBĐT -Người thương binh có thời gian dài nhất giữ chức Bí thư Đảng ủy xã trong lịch sử Đảng bộ xã Yên Thái đến thời điểm này.  Ông là Nguyễn Văn Ngọc - thương binh hạng 4/4 ở thôn Đồng Bát, xã Yên Thái, huyện Văn Yên.

Ông Nguyễn Văn Ngọc thường xuyên theo dõi tình hình thời sự địa phương qua Báo Yên Bái.
Ông Nguyễn Văn Ngọc thường xuyên theo dõi tình hình thời sự địa phương qua Báo Yên Bái.

Từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và sau hơn 21 năm công tác xã hội, ông Nguyễn Văn Ngọc - thương binh hạng 4/4 ở thôn Đồng Bát, xã Yên Thái, huyện Văn Yên trở về với cuộc sống đời thường của một công dân. Xấp xỉ tuổi 70 nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, da đỏ đắn, duy chỉ đi lại hơi khó một chút do “ảnh hưởng của vết thương ở đầu gối với lại cũng có tuổi rồi nên xương khớp dần lỏng lẻo” như ông nói.

Trong một trận chống càn tại tỉnh Long An vào tháng Tư năm 1975 ông Ngọc bị thương, ngoài đầu gối ra thì còn bị vài mảnh đạn găm vào vài nơi khác trên thân thể. Đó là thời điểm cuộc chiến đang diễn ra hết sức ác liệt nên sau một tuần nằm phẫu thuật, ông xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu và ra trận ngay.

Đầu năm 1977, ông phục viên, về quê Yên Thái nhưng đến đầu năm 1979 là tái ngũ, có mặt trong Tiểu đoàn 2 Bát Xát để tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Cuộc chiến kết thúc, ông trở lại quê hương và tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Trải qua các cương vị đảm nhiệm khác nhau, từ Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thái, ông Ngọc nghỉ chế độ tháng 4 năm 2004. “Tôi là người có thời gian dài nhất giữ chức Bí thư Đảng ủy xã trong lịch sử Đảng bộ xã Yên Thái đến thời điểm này”, ông chia sẻ thêm.

Biết thông tin ấy cũng là để hiểu hơn ông đã gắn bó cùng quê hương, cùng tập thể Đảng bộ xã lãnh đạo địa phương chung nhịp phát triển đi lên suốt một quá trình từ khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới.

Hôm nay, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của làng quê, của địa phương, của xã hội, ông khẳng định rằng: “Sự đổi thay thật sự mạnh mẽ quá, tôi muốn nói đó là một sự phát triển vượt bậc. Nếu như không có Đại hội VI của Đảng năm 1986 thì đâu chắc có được như ngày hôm nay. Mà cũng hẳn là thế hệ chúng tôi cảm nhận điều này sâu sắc hơn lớp trẻ ngày nay, đương nhiên thế rồi, nhất là khi bản thân được đi cùng, góp sức đối với sự phát triển này”. Dòng suy tưởng của ông Ngọc có cả trải nghiệm của một người thấm thía giá trị của hòa bình khi đã rất nhiều tháng ngày đối diện với sự sống luôn luôn là mong manh trong những cuộc chiến tranh.

Cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ nền độc lập của dân tộc hay cuộc chiến chống đói nghèo đều có những khó khăn riêng biệt theo quan điểm của ông. Vấn đề ở đây không phải đem ra so sánh mà để thấy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đều cần có tinh thần đoàn kết, vững vàng tư tưởng, vượt qua bản thân.

Chiến đấu chống giặc ngoại xâm được tính bằng giây bằng khắc giữa ranh giới của sự sống và cái chết bởi mũi tên viên đạn chẳng trừ một ai. Im tiếng súng nơi trận địa, cuộc sống là những khó khăn của cơm ăn áo mặc thường ngày. Điều đó cũng lâu dài lắm mà không thể nhanh chóng, vội vàng. Đích đến nào cũng đều khởi đầu từ những bước đi dù nhỏ, dù chậm nhưng quan trọng là không bỏ cuộc.

Ông kể lại câu chuyện của ngày xưa, khi Văn Yên có chủ trương đưa cây quế sang sông, Yên Thái là một trong bốn xã được lựa chọn thực hiện. “Đã có người dân trồng quế ở địa phương” - ông bảo - “Vậy nhưng bàn việc giao đất trồng quế thì lại không ai muốn nhận”.

Ông và các cán bộ xã không nản vì đã xác định rõ ràng khó giàu được cùng cây lúa, phải tận dụng lợi thế đất đồi rừng sẵn có. Thời nào cũng vậy, việc mới hay việc khó, cứ lãnh đạo chủ chốt, các đảng viên phải nêu gương, đi đầu. Ông nhận về 8 ha đất đồi rừng cho gia đình trồng quế. Đến những năm sau đó, người Yên Thái rầm rộ theo nhau trồng quế.

Bây giờ, cây quế đã có tới 1.700 ha với 80% số hộ ở địa phương trồng quế. Mỗi năm, khoảng 100 ha quế được trồng vào những diện tích quế, bồ đề khai thác. Thị trường tiêu thụ ổn định, tư thương đến tận nơi mua, giá của vụ quế tháng Ba vừa rồi vẫn được hơn 37.000 đồng một cân quế khô, hơn 17.000 đồng một cân quế tươi, lá quế có giá 2.000 đồng mỗi cân. Thấy bà con bớt đói nghèo nhờ cây quế, niềm vui của ông cũng sâu sắc hơn, tự nhủ về những tháng ngày đã qua thật sự có ý nghĩa hơn.

Ngày ngày vẫn chăn trâu, lên đồi, cho cá ăn, ông bảo còn sức là còn lao động cho mạnh khỏe, cho nhanh nhẹn. Ba người con đều sản xuất nông nghiệp, kinh tế ổn định, ông yên tâm và phấn khởi. “Mười hai năm chiến đấu, hai mốt năm công tác xã hội, tôi toại nguyện khi nhìn lại. Đến bây giờ, tôi thấy rằng dù làm việc gì, dù ở vị trí nào trong xã hội thì lúc nào cũng phải vững niềm tin. Có niềm tin, mọi khó khăn đều có thể vượt qua” - ông Ngọc chia sẻ.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục