Khúc ca tặng Mẹ

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2017 | 8:08:51 AM

YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thịt da theo năm tháng cũng đã lành trở lại, nhưng những vết thương lòng các mẹ vẫn còn nặng mang. Đó là nỗi niềm của biết bao bà mẹ Việt Nam có con ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và mãi mãi không về. Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Cúc ở thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cũng chung một nỗi lòng như thế...

Mẹ Dương Thị Cúc vinh dự, tự hào khi được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Dương Thị Cúc vinh dự, tự hào khi được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Giữa cái nắng hè oi ả, men theo con đường đất gồ ghề sỏi, đá, chúng tôi về thăm mẹ Dương Thị Cúc - Mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống hiện nay ở huyện Yên Bình. Mẹ sống trong ngôi nhà cấp bốn mới được tu sửa lại vào cuối năm 2016 do sự quan tâm, hỗ trợ gần 100 triệu đồng của Đảng và Nhà nước.

Năm nay, mẹ đã tròn 90 tuổi - cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, song dù tóc đã bạc, mắt đã mờ nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Những câu chuyện về cuộc đời, về những người con của mẹ vẫn như in qua các vần thơ do mẹ tự sáng tác. Mẹ yêu thơ vì thơ đã thể hiện được nỗi lòng, những hy sinh, mất mát nhưng cũng là niềm kiêu hãnh của mẹ với các anh:

“Chờ con chờ mãi mẹ ơi
Chờ ngày thống nhất con tôi không về
Nỗi đau lòng mẹ tái tê
Hy sinh con sẽ không về nữa đâu
Tự hào mẹ đã có con
Hy sinh vì nước xứng danh anh hùng”.

Trước đây, mẹ Cúc và gia đình sống ở Lào Cai, năm 1948 về xã Đồng Thái (vùng hồ Thác Bà), huyện Yên Bình và nuôi 8 người con (6 trai, 2 gái). Dù cuộc sống khó khăn chạy ăn từng bữa, nhưng mẹ luôn tần tảo sớm hôm để chăm lo cho các con khôn lớn. Năm 1966, để nhường đất xây dựng Thủy điện Thác Bà, mẹ Cúc đưa gia đình và các con sang xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cư trú. Nhắc đến xã Quy Mông, bàn tay nhăn nheo của mẹ bám chặt thành ghế, đôi mắt trũng sâu mờ đục rớm lệ, mẹ kể: “Bến đò Quy Mông là nơi mẹ đã tiễn đưa hai người con ra trận và mãi mãi không về!”.

Tháng 10/1968, tại bến đò ấy, mẹ Cúc đã tiễn đưa người con trai cả Nguyễn Duy Tự sinh năm 1949 vào chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Ngày anh Tự lên đường nhập ngũ chỉ nhắn mẹ một câu: “Mẹ về với các em, kẻo các em lại khóc!” Cho đến hôm nay, từng câu, từng chữ của người con trai cả rất mực yêu thương ấy mẹ Cúc vẫn nhớ như in. Một năm sau, cũng tại bến đò Quy Mông, một lần nữa mẹ Cúc lại tiễn đưa người con trai thứ hai - anh Nguyễn Duy Lưu, sinh năm 1952 tham gia chiến trường Xiêng Khoảng (nước bạn Lào).

“Bấy giờ, chúng tôi còn nhỏ, chỉ biết hàng đêm, khi các con yên giấc, mẹ tôi lại ra bến đò, ngồi đó rất lâu, dõi đôi mắt hướng về phía xa thấp thỏm, mong ngóng. Những hình ảnh đó của mẹ, sau này khi trưởng thành, chúng tôi mới thực sự hiểu được!” - anh Nguyễn Quang Vinh, người con thứ năm của mẹ Cúc chia sẻ.  

Một lần nữa, lệ lại rơm rớm trên đôi mắt hằn dấu chân chim của mẹ. Mẹ nhớ các anh, nhớ về những ký ức tuổi ấu thơ lam lũ, vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc của các con mình. Là hai người anh trong gia đình đông anh em nên từ nhỏ anh Tự và anh Lưu đều rất vất vả. Vừa phải chăm nom các em, công việc đồng áng, vừa đi chăn trâu, cắt cỏ phụ giúp mẹ.

“Dù khó khăn, vất vả đến đâu, chúng cũng không hề phàn nàn mà còn luôn quan tâm động viên mẹ” - mẹ Cúc tâm sự. Thương các anh, mẹ Cúc luôn tự động viên mình phải sống sao cho thật kiên cường, chăm lo thật tốt cho gia đình và các con. Mẹ hiểu chiến tranh là phải có sự hy sinh mất mát và mẹ chỉ là một trong hàng nghìn, hàng vạn bà mẹ có con “ra đi” vì nền độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam.

Cứ như vậy, biết bao đêm trường khóc thầm, chờ đợi, mong ngóng tin con trở về, nhưng ngày ấy đã mãi mãi không đến. Đất nước thống nhất, nhà nhà đón người thân trở về, riêng mẹ Cúc chỉ đón nhận vỏn vẹn hai mảnh giấy nhỏ báo tin hai người con của mẹ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Anh Tự hy sinh năm 1970 tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị còn anh Lưu hy sinh năm 1971 tại chiến trường Xiêng Khoảng, nước bạn Lào.

Mẹ Cúc đau đớn, một mình lần ra bến đò năm xưa tiễn con đi gọi thật to tên các anh. Nỗi đau quá lớn ập đến, một lần nữa mẹ lại chuyển gia đình về thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. “Mẹ phải chuyển đi vì mỗi lần qua bến đò Quy Mông, hình ảnh của chúng lại trở về khiến mẹ đau đớn!” - mẹ Cúc chia sẻ.

Về với vùng đất mới, mẹ Cúc dần lấy lại tinh thần, nghị lực và luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng vươn lên thật mạnh mẽ sao cho xứng với sự hy sinh cao cả và lời hứa chăm sóc thật tốt các em nhỏ trước khi từ biệt lên đường nhập ngũ của hai người con trai.

Một nắng hai sương, không quản khó khăn, vất vả, ngày ngày mẹ Cúc lao động hăng say vì cuộc sống gia đình và mong muốn những đứa con của mình khôn lớn. Sáu người con như hiểu được những hy sinh thầm lặng của mẹ Cúc luôn đoàn kết, thương yêu, bảo ban nhau cùng chăm ngoan, học hành tiến bộ.

“Khi dạy bảo con cái, mẹ luôn nhẹ nhàng, động viên khích lệ và đặc biệt luôn lấy anh Tự, anh Lưu làm gương, mà rằng: “Các con phải luôn ghi nhớ, làm sao sống và làm việc cho xứng đáng với sự hy sinh vì Tổ quốc của các anh con” - chị Nguyễn Thị Kim, người con gái thứ ba của mẹ Cúc chia sẻ.

 

Tuổi trẻ Văn Yên dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang của huyện.

Ngoài công việc đồng áng, mẹ Cúc còn thường xuyên tham gia vào các phong trào, các hoạt động của xã, của thôn như: trò chuyện với các thế hệ trẻ trong thôn, xã về truyền thống hào hùng của cha anh đi trước; động viên bà con lối xóm sống đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 do Đảng ủy, chính quyền xã tổ chức, mẹ luôn là người có mặt đầu tiên.

Ngoài việc chia sẻ, động viên các gia đình chính sách, người có công, các thương, bệnh binh, mẹ Cúc còn đọc những vần thơ mộc mạc, chân thành do mình tự sáng tác về tình yêu thương, nhớ mong, chờ đợi, niềm tự hào của mẹ dành cho những người lính Cụ Hồ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc thiêng liêng:

“Mẹ ơi con đã ra đi
Hy sinh vì nước tiếc gì tuổi xuân
Vì Tổ quốc, vì toàn dân
Hy sinh con đã góp phần vẻ vang…”

Mẹ Cúc đã hy sinh những người con của mình cho Tổ quốc độc lập, nước nhà thống nhất dù phải trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng hôm nay, nhìn thế hệ trẻ đang xây dựng quê hương, làng, bản ngày càng giàu đẹp, gia đình mẹ được Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, chăm lo rất chu đáo, mẹ Cúc tự hào lắm.

Chiến tranh đã lùi xa, vết thương lòng mẹ cũng dần được xoa dịu, chúng tôi những thế hệ con cháu hôm nay được sống, học tập, làm việc trên một đất nước hòa bình, tự do là nhờ sự hy sinh thầm lặng ấy của biết bao Bà Mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ Cúc ở Ngòi Bang này. Hình tượng của các mẹ luôn là những “tượng đài” thiêng liêng bởi những hy sinh thầm lặng mà cao quý, đời đời ngợi ca.                           

Ngọc Sơn

Các tin khác
Lãnh đạo xã Đào Thịnh thăm mô hình trồng bưởi của thương binh hạng 2/4 Tạ Văn Tân, trú tại thôn 3.

YBĐT - Trong kháng chiến chống Mỹ, Đào Thịnh đã có 100 người tình nguyện nhập ngũ và 16 người anh dũng hy sinh, 22 người là thương binh, 6 người là bệnh binh và 3 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

YBĐT- Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, đoàn công tác của ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái đã đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Lễ đón và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào, tháng 5/2017.

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Ban tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày thương binh, liệt sĩ tổ chức họp báo công bố các hoạt động cấp Trung ương sẽ được diễn ra trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục