Nguyện ước chiến hào

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/7/2017 | 7:50:17 AM

YBĐT - Họ tham gia một cuộc chiến giữ nước vĩ đại, khốc liệt, bi thương và hào hùng cách đây hơn 30 năm. Hơn 4.000 người lính đã anh dũng hy sinh mà tên tuổi các anh mãi mãi “Sống bám đá, chết hóa đá” như nguyện ước chiến hào của những người lính chiến đấu bảo vệ biên cương thân yêu suốt một thập kỷ.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 356 tại Yên Bái ôn lại kỷ niệm xưa. 
(Ảnh: Vũ Đồng)
Các cựu chiến binh Sư đoàn 356 tại Yên Bái ôn lại kỷ niệm xưa. (Ảnh: Vũ Đồng)

Hà Giang là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi có cột cờ Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn, Cửa khẩu Thanh Thủy và thành phố Hà Giang xinh đẹp, thơ mộng. Những năm gần đây, du khách mọi nơi đổ về vùng đất này vui hội mùa hoa tam giác mạch, tham quan chợ tình Khau Vai và ngắm núi đôi Quản Bạ đẹp mê hồn.

Hôm nay, lên Hà Giang, tới thị trấn Việt Lâm - Km18 ngay bên quốc lộ là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên với hơn 1.700 liệt sỹ là con em khắp mọi miền Tổ quốc. Lên đến ngã ba Thanh Thủy, năm xưa, người lính gọi đây là “ngã ba cửa tử”, lên chút nữa là đồi Đài, đồi Cô Ích từng mệnh danh là “cối xay thịt”, cái thung lũng ở ngã ba ấy còn tên là “thung lũng Gọi Hồn” hay suối Thanh Thủy chảy qua trước hang Dơi là “suối Giải Oan” và trên đó chút nữa có thác nước còn có tên là “thác Âm Phủ”.

Qua xã Thanh Thủy, tới xã Thanh Đức, nơi có các điểm cao 468, 685, 772, 1509 với biệt danh “Lò vôi thế kỷ”, cuộc chiến từng diễn ra rất ác liệt. Có những ngọn núi như: Bốn Hầm, Cô Ích, Cót Ép, 685, hai bên giành giật nhau từng mét đất, đổi chủ liên tục 30 - 40 lần trong nhiều năm.

Sau hơn 30 năm, năm 2016, những người lính năm xưa và nhân dân địa phương đã quyên góp và thiết kế thi công nên Đài tưởng niệm Liệt sỹ Thanh Thủy đặt ở lưng chừng núi, ngay gần Cửa khẩu Thanh Thủy. Đi lên vài ki-lô-mét nữa tới Đài hương 468 do anh em cựu binh Sư đoàn 356 quyên góp xây dựng.

Từ đây nhìn lên, các điểm cao 685, 772, 1509 sừng sững, hiên ngang, tĩnh lặng. Nơi đó, hàng ngàn chiến sỹ ta nằm lại vĩnh hằng giữ chốt suốt mấy chục năm qua.

Hàng năm, cứ đến ngày 12/7 (ngày mở màn chiến dịch MB84), những người lính năm xưa thuộc các sư đoàn 356, 313, 316, 320... lại tụ họp về đây dâng hương và cùng hát bài “Về đây đồng đội ơi” của nhạc sỹ Trương Quý Hải cũng là lính của Sư đoàn 356: "Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào. Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi. Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa...".

Cuộc chiến giữ đất, giành lại các điểm cao nơi này có gần 10 năm với hơn 2.000 ngày, mỗi ngày địch bắn 10.000 - 20.000 quả đạn pháo, có ngày 75.000 quả đạn pháo. Trong gần 10 năm, hơn 2 triệu quả đạn pháo địch đã rót xuống mảnh đất này. Mật độ và quy mô đạn pháo rót xuống đây không kém gì Thành cổ Quảng Trị.

Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng để đất Mẹ hôm nay được vẹn toàn, nguyên trạng thì nơi đây năm xưa, hơn 20 đơn vị sư đoàn và tương đương của ta đã phải luân phiên nhau làm nhiệm vụ để đánh bại hơn 50 vạn quân của 10 quân đoàn, thuộc 8 đại quân khu, 20 sư đoàn của địch với lực lượng cối và pháo binh mạnh nhất.

Một cuộc chiến không tương sức, bất lợi về địa hình và hỏa lực. Phía địch xe chở quân, vũ khí lên tới chiến hào, lợi thế trên cao. Phía ta núi đá, vách đứng, địa hình trống trải, dân công hỏa tuyến, bộ đội phải cõng từng quả đạn, mang từng can nước sạch ngược vách núi lên cho bộ đội. Biết bao dân công hỏa tuyến và bộ đội ta đã hy sinh anh dũng “Sống bám đá, chết hóa đá” - như chính các anh đã khắc trên báng súng của mình.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Hà Tuyên bao gồm Tuyên Quang và Hà Giang. Đường lên Hà Giang lúc bấy giờ chỉ là con đường độc đạo với 3,5 m mặt đường chạy dọc suốt bờ sông Lô từ Đoan Hùng đến thị xã Hà Giang bên hữu ngạn, 2 bên đường là những cây gạo to 2 - 3 người ôm để rồi đến tháng 3 mùa hoa gạo đỏ, trên con đường độc đạo ấy suốt 10 năm chứng kiến những đoàn xe quân sự ngày đêm tấp nập chở quân, đạn dược, hậu cần, vũ khí, khí tài lên mặt trận. Và cũng vẫn dòng xe ấy lần lượt chở anh em thương binh trở về các quân y viện.

Những năm 1984, 1985, các đoàn xe mang mật danh MB84 liên tục, dồn dập hành quân lên Hà Giang, mang theo không khí của những đoàn quân ra trận. Nhân dân Hà Tuyên suốt cả tuyến đường dài hàng ngày mang theo bánh kẹo, cơm nắm, hoa quả, thuốc lá, cam, chuối, khăn mặt, xà phòng, sổ tay, giấy viết, phong bì, bút bi và những gì có thể... để tung lên xe, trao cho các chiến sỹ ra trận. Một không khí sôi nổi, dồn dập hòa nhịp tiếng động cơ, tiếng xả hơi phì phì của những chiếc Zin 130, 131.

Chứng kiến những “cuộc chia ly màu đỏ” của quân dân Hà Tuyên với dòng người ra trận, cũng là người nằm trong đội hình hành quân lên biên giới Lạng Sơn tháng 2/1979 khi đang là sinh viên y khoa và sau này lại là người lính viện quân y tuyến đầu, tôi linh cảm thấy một cuộc chiến lớn sắp bắt đầu: Hà Giang vì cả nước, cả nước vì Hà Giang - khẩu hiệu chúng tôi được quán triệt lúc bấy giờ cho chiến dịch.

Hà Giang những năm 80 thế kỷ trước, trên toàn tuyến biên giới từ Hoàng Su Phì, Sín Mần đến Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Vị Xuyên, đâu đâu cũng có chiến sự ác liệt tùy theo quy mô và từng mức độ. Riêng Vị Xuyên quy mô cuộc chiến kéo dài và tàn khốc.

Tại khu vực Bắc Thanh Thủy, sau năm 1979, địch không rút mà tiếp tục lấn sâu vào lãnh thổ của ta với ý đồ vẽ lại đường biên giới Bắc Thanh Thủy.

Ngày 28/4/1984, địch đồng loạt đánh chiếm các điểm cao phía Tây sông Lô: 1509, 1100, 1030, 772, 685, 468, bình độ 300, 400, các đồi Cô Ích, Cây Chuối, Cây Khô có chỗ sâu trong lãnh thổ ta hàng chục ki-lô-mét, thị xã Hà Giang lúc bấy giờ nằm trong tầm bắn của địch. Toàn bộ ngã ba Thanh Thủy bị kiểm soát. Ngày 30/4/1984, tại Yên Minh điểm cao 1250, núi Bạc bị chiếm.

Ngày 15/5/1984, Pa Hán, 1030 tiếp tục bị mất. Tại đây, theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên sau này nay là Phó trưởng Ban Liên lạc các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, địch đã huy động tới 10 quân đoàn thuộc 8 đại quân khu, 20 sư đoàn với hơn 50 vạn quân thay nhau đánh chiếm lãnh thổ của ta.

Đến 28/4/1984, cơ bản vùng Bắc Thanh Thủy bị mất, Trung ương chỉ đạo: “Quyết tâm củng cố trận địa, chiến đấu giành lại lãnh thổ”. Phía ta cũng huy động tới hàng chục đơn vị sư đoàn và tương đương, lúc cao điểm tại Vị Xuyên mật độ quân và các vũ khí, khí tài dày đặc.

Rạng sáng ngày 12/7/1984, ta mở chiến dịch mang mật danh MB84. Thiếu tướng Lê Duy Mật - Phó Tư lệnh Quân khu 2 làm Tư lệnh mặt trận. Các sư đoàn 313, 356, 316, 312, 320 được giao nhiệm vụ đánh chiếm các điểm cao 1509, 772, 685, 300, 400, 1030. Cuộc chiến đấu diễn ra nhanh chóng, đặc công ta giành lại các điểm cao như kế hoạch. Nhưng do địa hình hiểm trở, núi đá tai mèo, không thể triển khai đào công sự cá nhân, pháo địch phản kích dày đặc, các hình thức pháo chùm, pháo chụp, pháo đan, pháo chuyển làn dồn dập chùm lên toàn mặt trận... Núi đá vôi trở nên trắng xóa.

Cuối ngày 12/7/1984, ta buộc chuyển sang củng cố và phòng thủ, trong ngày này, hàng nghìn chiến sỹ ta đã hy sinh. Riêng Sư đoàn 356 có tới 600 chiến sỹ đã không bao giờ trở về. Các điểm cao bị địch tái chiếm. Nhân dân thị xã Hà Giang, những người mẹ chiến sỹ mang trên mình băng đen và dòng sông Lô trở nên dữ dằn, ngầu đỏ và quặn đau trong những ngày lũ tháng 7 lịch sử năm ấy.

Sau chiến dịch MB84, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Phó Tư lệnh Quân khu 2 được cử làm Tư lệnh mặt trận. Rút kinh nghiệm MB84, ta chuyển sang bám sát đội hình địch, đánh áp sát, các cụm chiến đấu giữa ta và địch chỉ cách nhau từ 10 - 15 m, có nơi chỉ 6 - 7m để địch khó có thể dùng hỏa lực pháo binh tấn công ta, lấn địch từng mét đất, xây công sự giữ đất.

Chiến dịch M1-85 bắt đầu từ ngày 19/1/1985, tức 28 tết năm đó, trận này ta ít thương vong, tái chiếm được các điểm cao bị mất. Năm 1985, 1986, các điểm cao trên liên tục đổi chủ, thậm chí tại cao điểm 772 khi phát hiện địch tràn lên quá đông, không để mất chốt, các chiến sỹ ta đã gọi pháo trùm lên toàn trận địa...

Cuộc chiến giành lại các điểm cao đất mẹ diễn ra khốc liệt. Các năm 1987, 1988, mức độ cuộc chiến giảm. Năm 1989, sau nhiều năm đánh chiếm thất bại, hao người, tốn của, hàng vạn tên địch loại khỏi vòng chiến đấu, chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, đặc biệt là tinh thần quả cảm của quân và dân ta, địch buộc phải rút khỏi toàn bộ các điểm cao, vùng đất, toàn bộ Thanh Thủy được giải phóng. Cao điểm 1509 và các điểm cao khác vẫn thuộc về đất Mẹ!

Từ sâu thẳm trong tôi vẫn nặng lòng về những người đồng đội đã hy sinh và cả những người đang sống. Họ tham gia một cuộc chiến giữ nước vĩ đại, khốc liệt, bi thương và hào hùng cách đây hơn 30 năm. Hơn 4.000 người lính đã anh dũng hy sinh mà tên tuổi các anh mãi mãi “Sống bám đá, chết hóa đá” như nguyện ước chiến hào của những người lính chiến đấu bảo vệ biên cương thân yêu suốt một thập kỷ.

Mong rằng, ai đến Hà Giang không quên đến Vị Xuyên, Thanh Thủy thắp 1 nén nhang thành kính. Thiết nghĩ, mảnh đất thiêng này xứng đáng có những công trình tưởng niệm xứng tầm và những hoạt động vinh danh, ghi công xứng đáng với một thế hệ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc.

Hoàng Đức Vượng

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục